“Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo”: Làm lãnh đạo không khó

Ngày đăng: 06/07/2021 Viết bởi: Vũ Yến

Chỉ hơn 200 trang sách khổ nhỏ (13 x 17cm), nhưng “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” là cả một kho tàng kỹ năng lãnh đạo, tư duy lãnh đạo.

Đặc biệt, kho tàng kỹ năng, tư duy lãnh đạo ấy không phải là tập hợp mớ lý thuyết xám xịt kiểu “lãnh đạo là gì”, “đâu là những tố chất của một nhà lãnh đạo”, “phong cách lãnh đạo có mấy loại”, “quyền lực lãnh đạo hình thành và chuyển dịch như thế nào”…

Sách của tác giả Phạm Duy Hiếu (từng là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam) là tập hợp 50 câu hỏi và trả lời dễ theo dõi, dễ vận dụng.

Nhưng không phải vì thế mà sách chỉ là 50 tình huống cụ thể, 50 cẩm nang giàu tính thực chiến. Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo cũng có những câu, những đoạn mang tính ngẫm ngợi triết lý, nghiên cứu lý luận chuyên sâu, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Ví dụ: “nếu bạn muốn, mọi thứ sẽ xảy đến với bạn theo một cách nào đó”, “có hạt giống nào đó đã được gieo xuống trong bạn, rồi đến một ngày nào đó nó sẽ trở thành cây cổ thụ”, “lãnh đạo tử tế hay không tử tế, nhân văn hay không nhân văn, đều là sự lựa chọn của bạn, không liên quan đến người khác”…

Hoặc một ví dụ khác: “Chúa Jesus nói: đi tìm đi, tìm sẽ thấy. Đức Phật nói: đừng tìm nữa, cửa vẫn đang mở đấy. Vậy ai nói đúng? Câu trả lời là cả hai đều đúng. Đúng là bởi vì Jesus nói với những người còn chưa đi tìm, Đức Phật thì nói với những người đã đi tìm khắp nơi mà quên không tìm trong chính bản thân mình”.

Với độc giả, Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo cũng đưa ra những lời khuyên, câu trả lời tương tự. Đúng với bất kỳ ai mang chân mệnh doanh nhân, thậm chí chân mệnh chính khách, muốn khai mở kho tàng kỹ năng lãnh đạo, tư duy lãnh đạo ở cảnh giới cao nhất. Thậm chí cũng đúng với bạn đọc bình thường, một nhân viên văn phòng, một sinh viên, một người chồng, một người con…

Trước câu hỏi: Nên hay không nên giữ im lặng để tránh ảnh hưởng đến đội ngũ khi có suy nghĩ tiêu cực, tác giả Phạm Duy Hiếu trả lời vừa cụ thể vừa khái quát mang tính thực tiễn rất cao. Tác giả trả lời không chỉ với tâm thế của một doanh nhân thành đạt, của một người từng kinh qua các vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao tại nhiều định chế tài chính mà còn với tâm thế như là của một người tu luyện đã đạt tới cảnh giới cao của sự giác ngộ, đã “chiếu phá lầm mê cõi ta bà”.

Xin trích một phần câu trả lời của tác giả: “Đây là một quyết định khôn ngoan đến từ việc biết quan sát bản thân. Nhưng đây mới chỉ là cấp độ 1, cấp độ kìm nén, cấp độ thấp nhất của nhận thức bản thân. Cấp độ 2 là nhà lãnh đạo thành thật. Nhà lãnh đạo thú nhận với đội ngũ của mình rằng mình đang có một cảm xúc tiêu cực và đề nghị mọi người giúp đỡ. Vì anh ấy nói ra, nên đội ngũ trở nên thấu hiểu nhau hơn, từ đó có những giải pháp phù hợp hơn… Cấp độ 3 là nhà lãnh đạo tỉnh thức. Nhà lãnh đạo ở cấp độ này luôn chủ động chọn được sự bình an và tĩnh lặng của mình bất chấp ngoại cảnh… Cấp độ 4 là nhà lãnh đạo chuyển hóa. Người lãnh đạo hướng dẫn, truyền đạt cho đội ngũ phương pháp, cách thức để họ cũng có thể làm giống như anh ta: luôn chọn sự bình an, tĩnh lặng thay vì bị những cơn cảm xúc cuốn đi…”.

Trước câu hỏi: Làm thế nào để đội ngũ không mệt mỏi vì kế hoạch năm cũ vừa kết thúc, kế hoạch năm mới đã bắt đầu, tác giả Phạm Duy Hiếu lại có câu trả lời giàu tính thực chiến với những hình ảnh gần gũi, ấn tượng. “… Giải pháp đơn giản là hãy phá vỡ tính liên tục ấy. Vòi nước cần phải được đóng lại. Một lễ mừng công và vinh danh cần được tổ chức để đóng lại một mùa giải. Nếu không có việc “đóng lại” này thì cảm giác mùa giải cũ vẫn đang tiếp tục và năng lượng vẫn tiếp tục chảy đi. Việc “đóng lại” là quan trọng. Mọi sự khởi đầu mới đều bắt đầu từ một sự kết thúc khác. Làm tốt việc kết thúc chính là đang làm tốt cho việc khởi đầu… Ngày đầu tiên của mùa giải, ta thấy các cầu thủ chơi bóng với một tinh thần rất khác biệt, năng lượng rất khác biệt… Sức mạnh không chỉ nằm ở khả năng chống chịu, mà còn là năng lực để bắt đầu lại…”.

Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo có nhiều lời khuyên vừa mang tính diễn dịch vừa mang tính quy nạp như vậy. Vì vậy, độc giả có thể dễ dàng áp dụng 50 lời khuyên vào 50 trường hợp cụ thể trong cơ quan, đơn vị, thậm chí với riêng cá nhân mình, nhưng họ cũng có thể linh hoạt vận dụng chúng vào 500, thậm chí 5.000 trường hợp tương tự.

Về văn phong, Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo là sự hội tụ thú vị của văn phong khoa học và văn phong báo chí. Sách có văn phong tốt của những bài viết khoa học với ba yếu tố cơ bản là: chính xác, rõ ràng và ngắn gọn. Sách đồng thời có văn phong hay của những bài báo với ba yếu tố cơ bản là: đơn giản, cụ thể và sinh động.

Tuy là dạng sách kỹ năng nhưng Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng cao, một phần nhờ những lời như con tằm rút ruột nhả tơ, phảng phất tinh thần thiền, rất nghiêm túc mà đôi lúc không kém phần hài hước. Kiểu như: “Chân thành và thật lòng chưa chắc đạt kết quả tốt. Nhưng chân thành và thật lòng thì sẽ không bao giờ phải hối tiếc” hoặc “Muốn vào nhà thì vào đi, muốn ra ngoài khám phá thì ra ngoài khám phá đi. Đừng ngồi trên hàng rào như thế. Vì ngồi ở đó… rất đau”.

 

Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.

 

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan