“Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” đậm chất chiến lược, chiến thuật

Ngày đăng: 06/07/2021 Viết bởi: Vũ Yến

Trong vô vàn sách phát triển kỹ năng lãnh đạo, Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo lép vế về kích thước và độ dày, nhưng nổi bật về nội dung giàu tính thực tiễn, thực chiến, văn phong ngắn gọn, sinh động, hình thức trình bày bắt mắt, ấn tượng.

Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo (NXB Công Thương, AlphaBooks phát hành) dày 213 trang, khổ 13x 17cm, in 3 màu với nhiều hình vẽ minh họa vừa sát với nội dung sách vừa nóng hổi tính thời sự, đôi lúc còn có thể đứng độc lập.

Nhưng điểm nổi bật nhất của cuốn sách là tác giả Phạm Duy Hiếu đã mang hết tinh hoa thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp của mình (CEO của VietABank khi mới 34 tuổi, trở thành CEO trẻ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam, được trao giải thưởng Sao Đỏ năm 2014, hiện là Chủ tịch Startup Vietnam Foundation…) để đúc kết thành 50 bài học vừa cụ thể vừa khái quát để bạn đọc, dù là sinh viên, nhân viên văn phòng hay Trưởng nhóm, Giám đốc công ty, đều có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế, từ đời sống thường nhật tới sản xuất, kinh doanh.

Sách giúp bạn đọc khai mở tư duy đa chiều, lãnh đạo bản thân là bước đi đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo, như một câu nói của Khổng Tử trong sách Đại Học “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mà tác giả Phạm Duy Hiếu đâu chỉ nói suông. Những điều ông viết trong sách là 50 câu trả lời cho 50 câu hỏi của doanh nhân khởi nghiệp, học viên, nhân viên của mình.

Đó là 50 câu hỏi về 50 tình huống thường gặp trong hành trình trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng quan trọng hơn là 50 câu trả lời vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát, nên người đọc có thể linh hoạt vận dụng để giải quyết vô số tình huống trong thực tế. Một điểm nổi bật nữa của cuốn sách là thông tin không được trình bày theo phần, theo chương mà theo format hỏi-đáp rất thuận tiện cho việc tiếp nhận và vận dụng.

Ngoài ra, bạn đọc dễ dàng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin một phần nhờ các hình vẽ minh họa hết sức thú vị của KTS Trịnh Tuyết Mai. Minh họa cho phần hỏi đáp liên quan cống hiến và lương thưởng là hình vẽ chiếc cân đĩa với hai đầu “công việc”, “tiền bạc” không cân bằng. Minh họa cho phần hỏi đáp về hài lòng và cố gắng là hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo cùng dòng chú thích “Nào ta cùng hướng tới World Cup!”. Minh họa cho câu hỏi “Em có nên đặt mục tiêu cao hay không?” cùng câu trả lời “Dũng cảm cần có trước, rồi mọi thứ sẽ theo sau” là hình một người nhảy qua vực sâu với dòng chữ “I can’t do it” (Tôi không thể làm điều đó) nhưng với 2 ký tự ’t rời ra, rơi xuống nên đọc thành “I can do it” (Tôi có thế làm điều đó). Đây là một hình vẽ giàu ý nghĩa có thể đứng độc lập.

Nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc sâu đậm hơn cả là những lời khuyên hữu ích vừa mang tính cụ thể, thực chiến, chiến thuật, dễ dàng được áp dụng trong thực tế, vừa mang tính khái quát, định hướng, chiến lược, rất cần cho việc khai mở tư duy đa chiều, vận dụng trong hành trình “tu-tề-trị-bình”.

Ví dụ, với giai đoạn “tu thân-tề gia”, tác giả Phạm Duy Hiếu có lời khuyên sâu sắc về cách thức thể hiện, tiến tới giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực của bản thân và ảnh hưởng của chúng đối với những người xung quanh. Theo tác giả, có 4 cấp độ xử lý là kìm nén, thành thật, tỉnh thức và chuyển hóa. “Cấp độ 4 là nhà lãnh đạo chuyển hóa. Người lãnh đạo hướng dẫn, truyền đạt cho đội ngũ phương pháp, cách thức để họ cũng có thể làm giống như anh ta: luôn chọn sự bình an, tĩnh lặng thay vì bị những cơn cảm xúc cuốn đi. Đến lúc này thì mọi thành viên đều có thể làm được. Đội ngũ lúc này trở thành đội ngũ sáng suốt nhất, mạnh mẽ nhất”, ông nhận định.

Hay như trước câu hỏi “Em cảm thấy công ty trả lương cho em không tương xứng với những gì đã cống hiến. Em có nên tiếp tục làm việc ở đây hay không?”, tác giả trả lời rằng, có ba cấp độ làm việc là người đòi hỏi, người đàm phán và người cống hiến. Sau khi phân tích kỹ ba cấp độ này, tác giả kết luận: “Tổ chức có thể đánh mất nhân sự vì chính sách không linh hoạt, thiếu hấp dẫn. Nhưng mình nhất định không thể đánh mất bản thân vì lỗi của tổ chức”. Tác giả còn trích dẫn câu nói nổi tiếng của Jim Rohn: “Làm việc nhiều hơn thù lao được trả là bạn đang đầu tư vào tương lai của chính mình”.

Với giai đoạn “trị quốc-bình thiên hạ”, tác giả có những diễn giải hợp lý hợp tình và đưa ra lời khuyên bổ ích về nhiều tình huống quản trị như lập kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu, tăng tinh thần trách nhiệm, đuổi việc nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy tinh thần đoàn kết, vinh danh, khen thưởng, tranh thủ xu thế đổi mới sáng tạo…

Nhiều khi các lời khuyên, chiêm nghiệm của tác giả được đúc kết ngắn gọn mang tính gợi mở, định hướng, kim chỉ nam, thậm chí hơi hướng “danh ngôn”. Ví dụ, “Thất bại là chuyện nhỏ, thái độ của người lãnh đạo trước thất bại mới là chuyện lớn”, “Giận dữ là trừng phạt bản thân mình vì lỗi của người khác”, “Lãnh đạo phải biết cả những lúc không cần lãnh đạo mới thực sự là biết lãnh đạo”, “Tham cái tốt đẹp cũng là tham”, “Ta không chiến đấu được bóng tối. Việc của ta là thắp sáng lên”, “Sứ mệnh của nhà lãnh đạo là tạo ra những nhà lãnh đạo mới”…

Nếu như sứ mệnh của sách là trao truyền kiến thức, khơi gợi, truyền cảm hứng nắm bắt lý thuyết và vận dụng vào thực tế thì có thể nói Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo đã thành công, đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.

 

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan