[Review Sách] "Nghệ thuật diễn thuyết để thành công": Diễn thuyết - Nghệ thuật của câu chuyện

Ngày đăng: 26/03/2020 Viết bởi: Vũ Yến

Diễn thuyết – nghệ thuật của câu chuyện

 

Diễn thuyết không phải là trình chiếu slide. Nó là nghệ thuật kể chuyện.

Đây là hai bài học quý giá được rút ra từ cuốn sách Nghệ thuật diễn thuyết để thành công của tác giả Jerry Weissman.

  Mang chủ đề diễn thuyết, song cuốn sách của Weissman lại thu hút độc giả bởi những phân tích và diễn giải sâu sắc về nghệ thuật kể chuyện. Ngay từ những trang viết đầu tiên, tác giả đã khẳng định: diễn thuyết là nghệ thuật kể chuyện và kết nối với khán giả. Đây có thể coi là tuyên ngôn của ông trên cương vị huấn luyện viên số 1 thế giới về thuyết trình trong kinh doanh. Minh chứng cho quan điểm của mình, Weissman đã chỉ ra vô số sai lầm mà nhiều người thường mắc phải trong bài thuyết trình. Một trong số đó là “Hội chứng thuyết trình kiểu tài liệu” – căn bệnh kinh niên của những người thuyết trình. Hầu như mọi người đều được dạy và dành vô số thời gian để học cách sản xuất tài liệu: báo cáo, giấy tờ, bản thảo, giao ban, đề xuất, luận văn và những thứ tương tự. Ngược lại, họ hiếm khi được dạy hoặc học các kỹ năng cần thiết để liên kết những tài liệu đó với khán giả. Họ chỉ quan tâm đến việc trình bày slide sao cho đẹp, cố nhồi nhét thật nhiều thông tin vào đó mà không để ý đến những người trực tiếp đối diện với họ - các khán giả. Kết quả là người nói cứ nói, người nghe cứ thế đuổi theo các slide đầy chữ kia mà chẳng hiểu nổi chúng đang nói về cái gì. Vậy là tất cả những cố gắng trình bày nội dung và hình thức đẹp đẽ của bài thuyết trình trở thành công cốc.

  Diễn thuyết phải là nghệ thuật của câu chuyện, của sự kết nối giữa người kể chuyện với người nghe. Đó là tôn chỉ và mục tiêu của mỗi nhà diễn thuyết. Với tôn chỉ đó, Weissman đã lần lượt chỉ ra những kỹ năng và công cụ cần thiết để giúp mỗi nhà diễn thuyết kể thành công câu chuyện của mình cho khán giả. Những kỹ năng đó là cách thu hút sự tập trung của khán giả ngay khi bắt đầu bài thuyết trình, dẫn dắt họ qua từng luận điểm, từng ý tưởng và cuối cùng, gieo vào tâm trí họ lời kêu gọi hành động theo những gì bạn nói. Người có khả năng làm chủ bài diễn thuyết xứng đáng nhận được sự tin cậy của khán giả. Một khi đã kiểm soát được những gì mình nói, bạn sẽ kiểm soát được cả khán phòng. Khán giả của bạn sẽ đi theo sự dẫn dắt của bạn, mang theo những khoản đầu tư, sức ảnh hưởng, quyền lực và sự thành công.

  14 chương sách mang đến những lời giải đáp cho nhiều vấn đề quan trọng của việc diễn thuyết, từ việc xây dựng bài thuyết trình, hiểu và kết nối với khán giả, cách “bão não” (brainstorm) để có ý tưởng, cho đến việc sắp xếp các tư liệu, sử dụng hình ảnh, biểu đồ hay bảng biểu... Đây là những vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong công việc và thậm chí trong cuộc sống thường ngày. Trong từng chương sách, Weissman đưa ra các công cụ cùng dẫn chứng để độc giả có thể ngay lập tức sử dụng, áp dụng các kỹ năng được đề cập nhằm cải thiện bài thuyết trình của mình.

1. Nghệ thuật tư duy: với những “kỹ thuật” giúp bạn có thể phát huy óc sáng tạo và sắp xếp tư liệu hiệu quả cho bài thuyết trình.

2. 16 cách sắp xếp bài thuyết trình: cung cấp một loạt phương thức sắp xếp tư liệu trong một bài thuyết trình sao cho thật hợp lý, thu hút, để người nghe có thể theo dõi cũng như hiểu nhanh chóng và dễ dàng.

3. Mở đầu ấn tượng: gợi ý một số cách giúp diễn giả có thể ngay lập tức thu hút sự chú ý của khán giả.

4. Thổi hồn vào bài thuyết trình: chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển thể từ ngôn ngữ viết thành ngôn ngữ nói trong quá trình xây dựng và thực hành bài thuyết trình.

Dù có sử dụng kỹ năng nào, người diễn thuyết vẫn phải đặt tâm huyết cùng công sức vào đó. Diễn thuyết cũng giống như tham gia một trận đấu vậy, cú phát bóng của bạn (bài thuyết trình) chính là cú đánh quyết định thắng thua. Hãy nghĩ rằng mỗi lần bạn định thuyết phục ai đó, bạn đang phát bóng trong một giải đấu lớn. Hãy tiến lên và giành chiến thắng!

Thảo Vương

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan