Trên thị trường hiện nay có hàng tá cuốn sách dạy chúng ta cách làm giàu, cách để trở thành triệu phú hay tỉ phú được viết bởi những người chưa-giàu-đến-thế. Nhưng nếu J. Paul Getty, người được tạp chí Fortune mệnh danh là “người giàu có nhất”, không biết thì liệu còn ai dám vỗ ngực tự xưng là mình hiểu rõ đây?
Cũng xin được nói sơ qua một chút cho những ai cảm thấy thắc mắc rằng J. Paul Getty là ai mà khiến tôi dám “mạnh miệng” đưa ra câu hỏi tu từ trên. J. Paul Getty (1892 – 1976) là nhà tư bản dầu mỏ người Mỹ gốc Anh. Năm 1957, tạp chí Fortune gọi ông là người giàu có nhất nước Mỹ. Đến năm 1966, sách Kỷ lục Guinness ghi danh ông là công dân giàu có nhất hành tinh với khối lượng tài sản ước tính là 1,2 tỷ đô-la. Mặc dù có khối tài sản khổng lồ, tỉ phú Getty sống vô cùng đạm bạc, thậm chí là tằn tiện. Ông cũng thường xuyên được góp mặt trong danh sách “top những tỉ phú keo kiệt nhất thế giới”.
Là con trai của một thương gia dầu mỏ, tỉ phú Getty đã tiếp xúc với “vi-rút” của cơn sốt dầu ngay từ thuở ấu thơ và cũng không thể kháng cự lại “căn bệnh truyền nhiễm” này. Một canh bạc ly kỳ với những khoản đặt cược khổng lồ đã thu hút và kéo ông vào vòng xoáy của những người tìm dầu liều lĩnh. Getty thực sự đã có khoảng thời gian học nghề vất vả ở vị trí thợ phụ và chân chạy vặt trong các mỏ dầu của cha mình, để rồi từ đó quyết định gia nhập ngành dầu mỏ.
Tôi đã làm giàu như thế đấy! hé lộ những bí mật thành công của J. Paul Getty và vạch ra con đường cho những ai mong muốn tiếp bước ông. Thông qua cuốn sách, tỉ phú Getty đã truyền tải hai thông điệp sau:
Năm nguyên tắc để trở thành lãnh đạo tài giỏi
Tỉ phú Getty tự học cách lãnh đạo từ chính trường học gian khổ và thực tế nhất – bãi khoan dầu. Nhưng dù những giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp học được cách lãnh đạo ở trường đại học hay tích lũy trong công việc thực tiễn, vẫn có vài nguyên tắc cơ bản cần được áp dụng. Nếu chúng được tuân thủ, các nguyên tắc này sẽ có tác động rất lớn trong việc rèn giũa ai đó cho vị trí lãnh đạo. Trong đó, tỉ phú Getty đưa ra năm nguyên tắc quan trọng:
- Làm gương là phương tiện tốt nhất để hướng dẫn hoặc truyền cảm hứng cho người khác. Chỉ khi làm gương, nhà lãnh đạo mới có thể tận dụng được hết khả năng của cấp dưới.
- Một lãnh đạo giỏi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho hành động của những người dưới quyền trước cấp trên khi xảy ra một sai phạm nào đó do bộ phận hoặc phòng ban dưới quyền gây ra.
- Người lãnh đạo không bao giờ yêu cầu bất kỳ ai dưới quyền làm những việc mà ngay cả chính mình cũng không có khả năng và không sẵn lòng làm.
- Người lãnh đạo phải vừa công bằng, vừa cứng rắn với cấp dưới của mình, thể hiện sự quan tâm tới những nhu cầu và làm mọi việc có thể để đáp ứng yêu cầu chính đáng mà họ đưa ra. Vị lãnh đạo phải đối xử với cấp dưới bằng thái độ nhẫn nại, thấu hiểu, tôn trọng và trợ giúp họ hết mình. Nhưng mặt khác, người đó cũng không được nuông chiều họ và luôn phải nhớ rằng sự thân thiết là nguồn cơn sinh ra căm phẫn.
- Một điều có vẻ nhỏ nhặt nhưng thực ra vô cùng quan trọng mà tất cả lãnh đạo nên ghi nhớ: tuyên dương công khai và phê bình kín đáo. Các nhân viên hoàn thành tốt công việc nên được ngợi khen trước mặt đồng nghiệp, điều này thúc đẩy tinh thần làm việc của tất cả mọi người. Các nhân viên phạm sai lầm nên được góp ý riêng, nếu không họ sẽ xấu hổ và mất tinh thần làm việc.
Xây dựng phong cách cá nhân
Nhà lãnh đạo ngày nay dường như bị định hình bởi những quy chuẩn về một doanh nhân hay giám đốc điều hành. Ví dụ như ai cũng phải mặc vest đi làm, có tiền thì mua xe hơi, mua nhà tại các khu vực đắc địa (những khu vực được định vị là dành cho những người có tiền), chi tiêu mạnh tay thì bị coi là kẻ xa hoa phung phí, chi tiêu tiết kiệm thì bị đánh giá là hà tiện… Chúng ta dường như bị hằng hà sa số những khuôn mẫu đè nén, nhưng nhà lãnh đạo là người đặc biệt. Họ không phải là kẻ tuân thủ. Có chăng, họ cũng chỉ tuân thủ giấc mơ và niềm tin của chính mình mà thôi.
Với J. Paul Getty, những quy chuẩn này chỉ là thứ sáo rỗng. Ông không muốn trở thành một kẻ giáo điều, luôn ái ngại trước ánh nhìn soi xét từ cộng đồng. Sự thành công và thịnh vượng thực chất bắt nguồn từ những điểm khác biệt của mỗi người. Trong cuốn sách, Getty dẫn ra hai ví dụ về sự giàu có và thịnh vượng bắt nguồn từ khác biệt điển hình: Rockefeller và Condrad Hilton. Rockefeller bắt đầu sự nghiệp vào năm 1931 – thời kỳ kinh tế suy thoái trầm trọng, còn Condrad Hilton tiến hành thu mua khách sạn khi toàn thị trường đua nhau bán và ngành bất động sản rơi xuống đáy.
Theo J. Paul Getty, khi tất cả mọi người cùng hành động y hệt nhau, đó là thời điểm bạn tạo nên trở thành kẻ nổi loạn, mạnh dạn khẳng định cá tính của riêng mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi suy nghĩ của chúng ta bị o ép và gò bó trong một khuôn khổ hạn hẹp của tư duy số đông. Đúng là khó ai có thể cưỡng lại cám dỗ đi theo khuôn mẫu có sẵn, nhưng nếu chúng ta không sống với chính những ý tưởng, với chính niềm tin của bản thân, thì ta sẽ cứ chìm nghỉm trong biển người chả bao giờ dám đứng lên đấu tranh cho chính bản thân.
Kết lại, doanh nhân thành công là một nhà lãnh đạo xông xáo, tháo vát và khát khao cháy bỏng, không ngừng cống hiến vì mục tiêu cũng như lý tưởng của mình. Họ sẵn sàng hành động dựa theo óc sáng tạo, năng lực và tư duy phán đoán của bản thân, thay vì tuân thủ các khuôn mẫu và cách làm của người khác. Khi ấy, sẽ không còn ai dám nghi ngờ năng lực và thành tựu của nhà lãnh đạo, dù anh ta có khác biệt đến thế nào.
Tú Đào