Bạn là nhà lãnh đạo, một thủ lĩnh hay bạn mong muốn trở thành nhà lãnh đạo. Dù bạn đang giữ vai trò gì, chỉ cần hôm nay hay một ngày nào đó không xa bạn là một nhà lãnh đạo, thì Phong cách lãnh đạo Châu Á chính là một cuốn sách mà bạn nên đọc. Vì có thể bạn sẽ tìm được điểm chung giữa bạn và những nhà lãnh trong cuốn sách, điểm khác biệt giữa bạn và họ trong phong cách lãnh đạo, lối tư duy và cách giải quyết. Và tôi tin chắc rằng bạn sẽ hoàn thành tốt hơn trách nhiệm và vai trò của mình sau khi đọc cuốn sách này.
Cuốn sách được viết bởi tiến sĩ John Ng và Alvin Foo, John Ng là chủ tịch của Meta, một hãng chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tập đoàn quốc tế hàng đầu và Alvin Foo là tư vấn truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng cho trụ sở của Exxon Mobil, một công ty năng lượng toàn cầu tại Singapore.
Cuốn sách là tập hợp những bài phỏng vấn, chia sẻ của 28 nhà lãnh đạo xuất chúng của Châu Á. Các cuộc phỏng vấn được tiến hành trong vòng bốn năm, từ 2012 đến 2015. Bộ câu hỏi đặt ra cho từng người được chuẩn bị vô cùng kỹ càng nhằm lột tả những thách thức của lãnh đạo hiện đại, cũng như xem xét những nghịch cảnh trong cuộc sống đã ảnh hưởng như thế nào lên mỗi nhà lãnh đạo. Khi đọc cuốn sách này, bạn giống như đang được ăn tối với từng người, cùng họ thảo luận về công việc, sự nghiệp của mình. Vì vậy hãy đọc và nghiền ngẫm nó, vì cuốn sách sẽ làm bạn nhận ra nhiều điều có giá trị cho sự nghiệp lãnh đạo của mình.
Dưới đây là chia sẻ của một vài nhà lãnh đạo tiêu biểu, đại diện cho lĩnh vực chính trị, kinh doanh và cả giáo dục. Câu chuyện của họ khiến tôi vô cùng cảm phục, vì vậy tôi cũng muốn các bạn đọc được những câu chuyện này.
AMNUAY TAPINGKAE: Nhà giáo dục của tư tưởng lãnh đạo từ trái tim
Trái tim của giáo dục là giáo dục về trái tim
Trái tim của giáo dục là giáo dục về trái tim. Châm ngôn này hình thành nên niềm tin cốt lõi của Tiến sĩ Amnuay Tapingkae về giáo dục và lãnh đạo.
Vị học giả này là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Tổ chức Những người bạn châu Á ở Chiang Mai, Thái Lan, được thành lập từ năm 2009. Ngoài ra, tiến sĩ đã nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các tổ chức giáo dục đại học, nổi bật phải kể đến các vị trí như Hiệu trưởng Đại học Chiang Mai, hay Giám đốc Học viện liên Chính phủ về Phát triển và Đào tạo Đại học có trụ sở tại Singapore.
Đối với ông khi bạn sẵn sàng cho đi, mọi người sẽ tập hợp ngay sau bạn, bởi họ biết rằng bạn đang cùng họ phấn đấu vì mục tiêu chung. Họ biết bạn nỗ lực cho lợi ích của mọi người, chứ không phải cho lợi ích cá nhân. Trong suốt sự nghiệp của ông, ông đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể bước tiếp trên con đường theo đuổi sự nghiệp của mình. Hơn nữa, đối với nhân viên, ông cũng luôn dành cho họ những cơ hội tốt nhất để họ có thể làm việc cùng ông dưới tâm thế tự nguyện và vui vẻ.
? Khó khăn lớn nhất mà ông từng gặp phải trong vai trò lãnh đạo là gì?
Sẽ luôn có những người phản đối hoặc tìm cách chống đối sự dẫn dắt của bạn. Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là lắng nghe thật cẩn thận và trao đổi thẳng thắn với họ. Có vậy, bạn mới mong tìm được gốc rễ của vấn đề.
? Khi còn điều hành ở trường, những giá trị cốt lõi mà ông muốn truyền đạt cho sinh viên là gì?
Hãy xem xét chính mình. Nếu trái tim bạn đang đặt đúng chỗ, những điều tốt đẹp sẽ đến. Nếu bạn đặt lý trí lên đầu, bạn có thể bị đánh lừa. Bạn sẽ thấy những triết lý và tư tưởng mâu thuẫn đến mức bạn không thể tự đi đến kết luận. Nếu bắt đầu bằng việc dạy dỗ trái tim mình, bạn sẽ biết nên tin vào điều gì, đâu mới là triết lý đúng đắn và giá trị nào phù hợp nhất với bạn.
? Nếu được lựa chọn một điều duy nhất để làm lại trong cuộc đời này, ông sẽ chọn điều gì?
Tôi từng mắc sai lầm là vội vàng đánh giá người khác. Nếu được làm lại, tôi sẽ cố gắng yêu thương mọi người nhiều hơn.
? Ông có thể đưa ra một lời khuyên dành cho những nhà lãnh đạo trẻ tuổi không?
Hãy khiêm tốn. Đó là tài sản giá trị nhất của một con người. Khiêm tốn, trung thực và ngay thẳng. Đừng cố gắng chiến thắng mọi cuộc tranh luận. Thay vào đó, hãy thu phục trái tim người đối diện. Hãy tìm hiểu thật kỹ đồng nghiệp của mình và thể hiện sự quan tâm của bạn. Chứng minh cho họ thấy bạn muốn làm việc vì lợi ích của tổ chức và cộng đồng.
GEORGE TING: Nhà lãnh đạo xuất thân từ nghèo khó
Tiền bạc là món quà Chúa dành tặng chúng ta để cho đi. Không phải vì chúng ta tài giỏi...khi bạn cho người khác vay tiền đừng hy vọng được trả lại. Nếu điều đó xảy ra, hãy cảm ơn Chúa.
George Ting tự gọi mình là “người đàn ông bán đồ ăn nhanh ở Malaysia”. Hiện nay ông là Chủ tịch/Chủ đại lý nhượng quyền của Domino Pizza ở Malaysia, Singapore và Brunei.
Ông bắt đầu sự nghiệp ở vị trí đại diện bán hàng của một công ty kinh doanh Nhật Bản, cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm. Đã từng có thời điểm trong đời ông phải trả một khoản nợ lên tới 100 triệu ringgit để mua lại quyền quản lý chuỗi cửa hàng nhượng quyền KFC, nhưng do tính toán đúng thời điểm ông đã thành công.
Có lẽ, những chia sẻ dưới đây của ông sẽ khiến thay đổi tư tưởng về lãnh đạo của bạn chăng?
? Hãy kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu của ông, những năm tháng đó đã ảnh hưởng thế nào đến khả năng lãnh đạo của ông sau này?
Cha tôi là một ngư dân còn mẹ tôi là thợ cạo mủ cao su. Cả hai đều sinh ra trong những gia đình bần hàn ở Sitiawan, Perak, Malaysia.
Đó là lý do tôi luôn đồng cảm với những người nghèo khổ. Tôi đối đãi tử tế với lái xe của mình như người nhà. Bên cạnh việc trả lương thông thường tôi cũng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn về tài chính.
? Bài học mà ông đã rút ra được trong quá trình xây dựng sự nghiệp?
Đầu tiên, đừng vay mượn những thứ bạn không thể quản lý. Đối với tôi, đó là bài học xương máu. Bạn phải có trách nhiệm với khoản vay của mình.
Thứ hai, những khoảng thời gian tốt đẹp không bao giờ kéo dài mãi mãi. Bạn luôn phải thận trọng trong việc vay mượn. Tôi luôn hết sức cẩn thận khi đi vay.
Thứ ba, đừng bao giờ phô bày trước công chúng. Những gì bạn sở hữu sẽ vẫn nguyên vẹn và bạn sẽ không gặp áp lực phải làm hài lòng ai đó nếu bạn thực sự thích những gì mình đang làm.
Cuối cùng tôi nhận ra, có bốn ưu tiên chính: Chúa, gia đình, sức khỏe và công việc.
? Ông có thể tặng thế hệ lãnh đạo trẻ một lời khuyên không?
Hãy nhớ kỹ bốn ưu tiên trong cuộc sống: Chúa, gia đình, sức khỏe và công việc. Hãy theo đúng thứ tự.
HO PENG KEE: Nhà lãnh đạo đa năng
Hãy cởi mở, đừng đắm chìm trong vấn đề của chính mình. Hãy tỉnh táo và bước tiếp.
Chính trị, tôn giáo, trường học, sân bóng, hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức phúc lợi, đó là những lĩnh vực đa dạng mà giáo sư Ho Peng Kee đã và đang tham gia với vai trò lãnh đạo.
Người Singapore nhớ đến ông như một người kiên nhẫn, một tín đồ Cơ Đốc giáo mộ đạo có tinh thần tạo ra cơ hội thứ hai cho mọi người như xây dựng nhà giam thân thiện, trung tâm hòa giải cộng đồng, những tuyên bố về cộng đồng, chương trình hướng nghiệp và các chương trình đường phố dành cho thanh thiếu niên cũng như kế hoạch hoàn trả nợ công. Ông là người khiêm tốn, gần gũi và có những quan điểm tiến bộ. Những bài học của ông thực sự rất có giá trị cho những thế hệ trẻ tương lai.
? Ông có thể mô tả phong cách lãnh đạo và lối sống của bản thân không?
Thứ nhất, tính chuyên nghiệp – bạn phải rõ công việc của mình, không thể che giấu sự thiếu năng lực. Bạn phải là người giỏi nhất có thể trong lĩnh vực của mình chọn, cả về kiến thức và kỹ năng.
Thứ hai, ứng xử thân tình. Bạn phải biết những người mình làm việc cùng, tốt nhất là tên của họ.
Thứ ba, tự hào và đam mê. Bạn phải tự hào về những gì mình đang làm, điều đó sẽ giúp bạn làm tốt. Nếu không có đam mê bạn không thể làm gì cả, nhất là trong chính trị bạn rất cần đam mê.
? Ông có thể đưa ra một điểm yếu thường gặp của mình? Ông đã giải quyết nó như thế nào?
Dù đầy lòng đam mê và nhiệt tình nhưng có lúc tôi trở lên quá cực đoan và lấn át, chẳng hạn như khi gửi hàng loạt email đi với thái độ bội trực. Tôi đã không cố ý làm vậy. Tôi phải nhạy cảm hơn đối với những đối tượng khép kín và có phương pháp tiếp cận kín đáo hơn.
? Ông sẽ đưa ra lời khuyên nào cho thế hệ lãnh đạo trẻ?
Tôi thường đưa ra một hệ thống bốn chữ C. Năng lực – Competence, Sự tự tin - Confidence, Lòng chắc ẩn – Compassion và cuối cùng Nhân cách – Character. Hãy tuân thủ nó bạn sẽ làm việc theo quy tắc và bạn sẽ thành công với bất kỹ vai trò lãnh đạo nào.
JAMES CHIA: Nhà lãnh đạo không ngừng học hỏi
Hãy không ngừng học tập chừng nào bạn còn sống
James Chia là một trong những giám đốc sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Pico, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về tổ chức sự kiện. Ông là người luôn mang trong mình tâm niệm phải học tập không ngừng nghỉ, ông luôn tranh thủ học mọi lúc mọi nơi có thể, từ những người thân và cả mọi người xung quanh.
Ông đã học hỏi trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc gia, tại đây ông học được cách tư duy chiến lược, tổ chức và phát triển khả năng lãnh đạo. Khi bắt đầu làm việc trong nghành tổ chức sự kiện, ông học hỏi từ anh trai mình khả năng giải quyết nút thắt trong kinh doanh, cách đưa ra đề xuất tốt nhất cho khách hàng cả về mặt nội dung và sáng tạo. Ngoài ra, ông còn học hỏi từ những di sản văn hóa, từ khách hàng và bất cứ điều gì cho ông giá trị cần thiết. Vì vậy mà ông đã thành công trong vai trò lãnh đạo của mình, giúp nhiều người khác cũng thành công trong công việc của họ.
? Điều gì đã duy trì thói quen đọc sách và tinh thần tìm hiểu học hỏi của ông?
Trong quá trình theo học tại Trường cao đẳng Quốc gia, nơi các môn học đều bằng tiếng Anh, mà tôi trước đó đều học tiềng Trung. Hai năm Cao đẳng là quá trình khó khăn với tôi, vì khi đó tôi không thể theo kịp các bài học trên lớp, cảm thấy áp lực và lạc lõng. Nhờ vậy mà sau này tôi luôn mang trong mình tinh thần muốn học hỏi, vì tôi sợ cảm giác lạc lõng lặp lại lần nữa.
? Lời khuyên ông sẽ dành cho các thế hệ lãnh đạo trẻ là gì?
Hãy nghiêm khắc với bản thân. Chúng ta sẽ không đạt được bất cứ điều gì trong cuộc đời nếu không có kỷ luật.
LIM GUAN ENG: Nhà lãnh đạo từ tù nhân trở thành nghị sĩ
Đêm trước bình minh bao giờ cũng tốt nhất. Mọi thứ luôn xấu đi trước khi chúng trở nên tốt đẹp. Khi bạn ở đáy vực, mọi thứ rồi sẽ qua. Khi bạn ở đỉnh cao, mọi thứ cũng sẽ qua.
Thủ hiến Penang, ông Lim Guan Eng, người từng bị bắt giam hai lần vì đấu tranh cho sự công bằng của thiếu nữ Mã Lai chưa đủ tuổi bị cưỡng bức, nhưng thực ra đó chỉ là cái bẫy người ta bày ra để bắt ông. Tuy nhiên, trong lúc ở tủ ông đã kiên quyết không muốn trở nên cay nghiệt và có tâm hồn méo mó khi ra tù, vì như vậy sẽ làm thỏa mãn những kẻ đã hành hạ ông. Sau khi ra tù ông đã lãnh đạo Penang giúp Penang phát triển mạnh mẽ.
Sau đây là những chia sẻ của ông về cuộc sống và công việc của mình.
? Điều gì đã làm ông bước tiếp trên sự nghiệp của mình?
Tình yêu của gia đình đã giúp tôi đứng vững. Họ ở cạnh tôi và không ngừng khích lệ tôi.
? Trong nghịch cảnh ông đã tìm thấy chính mình. Nhưng đôi khi trong nhung lụa và đỉnh cao danh vọng, người ta lại đánh mất chính mình. Ông đã đối phó với những thử thách trên đỉnh cao quyền lực với tư cách là một Thủ hiến và một người hùng như thế nào?
Chỉ mấy từ thôi: Mọi thứ rồi sẽ qua đi. Đỉnh cao của quyền lực rồi sẽ mất đi. Những điều tệ hại nhất rồi cũng sẽ qua đi. Khi tôi đau khổ tôi tự nhắc mình mọi thứ rồi cũng qua, hãy biết tự cân bằng. Bạn hãy đứng vững trên mặt đất nhưng hãy hướng tới các vì sao.
? Ông có lời khuyên nào dành cho những nhà lãnh đạo trẻ không?
Chúng ta vừa là thủ lĩnh, vừa là đầy tớ của nhân dân. Hãy nhìn Chúa Giê-su, ngài là một lãnh đạo nhưng cũng là một người đầy tớ của Đức Chúa Trời. Tại sao ngài rửa chân cho các môn đệ? Bởi vì ngài muốn làm sáng tỏ giá trị của người phục vụ.
Bạn thấy đấy, dù đã trải qua mọi khó khăn, nhưng ông chưa từng bỏ cuộc vẫn luôn một lòng sống và suy nghĩ cho người khác. Tôi tin rằng một người lãnh đạo nhân ái như thế sẽ luôn biết cách khiến mọi người dân có cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.
SANDRA LEE: Bà nội trợ Ipoh trở thành CEO toàn cầu
Để lãnh đạo tôi cần phải có một tầm nhìn thật rõ ràng và đề ra những nhiệm vụ thiết thực, đồng thời chia sẻ chúng để nhận được sự chấp thuận.
Sandra Lee, bà nội trợ vùng Ipoh, người đã cứu công ty Crabtree Evelyn trong thời điểm khó khăn. Bà đã từng có thời gian tham gia làm quản lý thương hiệu cho một vài nhãn hàng trước khi trở thành một bà nội trợ chính hiệu. Vì vậy, mặc dù đã vắng bóng suốt 27 năm nhưng khi trở lại bà vẫn có thể thành công vang dội với sự nghiệp của mình.
Và có lẽ, câu chuyện cuộc đời bà sẽ khiến chúng ta phải thán phục vì sự thông thái trong bà. Không chỉ là cách quản lý sự nghiệp mà còn là cách cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, khi mà bà vừa làm mẹ vừa làm vợ, và làm nữ doanh nhân.
? Bà có lời khuyên nào dành cho những phụ nữ trẻ trong việc cân bằng giữa gia đình, sự nghiệp và kinh doanh?
Đối với phụ nữ trẻ, việc cân bằng giữa gia đình, sự nghiệp và kinh doanh là vấn đề hết sức quan trọng. Hãy biết cân bằng đúng lúc để mọi thứ trở lên hoàn hảo nhất, bạn cần phải học cách quản lý tài chính, thời gian, và mối quan hệ gia đình.
Không phải người phụ nữ nào cũng có thể trở lại thương trường sau khi đã ở nhà nội trợ, và cũng rất hiếm người có thể cân bằng cuộc sống một cách hoàn hảo nhất. Nhưng Sandra Lee đã làm tốt, chúng ta – những người phụ nữ nên học hỏi bà để có thể làm tốt sứ mệnh của mình.
Lời kết
Trên đây là những câu chuyện mà bản thân tôi cho là đặc biệt, muốn chia sẻ với mọi người. Hi vọng rằng qua những câu chuyện trên đã phần nào khiến bạn có hứng thú với cuốn sách này. Cuốn sách này không chỉ phù hợp với nhà lãnh đạo, mà với những người trẻ, những người có ước mơ cũng nên đọc qua nó, để hiểu được rằng mọi người lãnh đạo đều không bắt đầu từ thảm đỏ mà ai trong số họ cũng đi ra từ chông gai. Các bạn đừng vì khó khăn mà bỏ cuộc, mà hãy biết cách đi qua khó khăn, làm mọi thứ hết khả năng của mình. Và đặc biệt, khi trở thành lãnh đạo, hãy làm thật tốt sứ mệnh của mình.
Tác giả: Lê Trang - Bookademy