Mình quyết định mua quyển này đọc vì đã xem qua bài thuyết trình rất lý thú trên sân khấu TEDTalk của tác giả quyển sách – cô giáo Angela Duckworth.
Từ nhỏ, không ai công nhận tác giả Angela là thiên tài, kể cả những người trong gia đình cô. Nhưng sau khi lấy chồng thì cô lại bất ngờ nhận được học bổng MacArthur Fellowship (Còn gọi là “Giải thưởng thiên tài”). Một cô gái chẳng ai công nhận là thiên tài lại nhận được giải thưởng vốn chỉ dành cho thiên tài! Khía cạnh hài hước của sự việc này đã thúc đẩy cô thu thập những số liệu và tóm tắt các công trình nghiên cứu... để viết nên quyển sách này.
Trong một nghiên cứu, các nhạc sĩ chuyên nghiệp được đề nghị đánh giá hai nghệ sĩ piano có tài năng tương đương nhau bằng cách cho họ đọc tiểu sử trước, rồi thưởng thức hai người đó chơi nhạc sau. Điều khác biệt là trong bản tiểu sử: một người được mô tả là “có năng khiếu bẩm sinh”, còn người kia được mộ tả là “nỗ lực rèn luyện”. Kết quả là hầu hết các nhạc sĩ đều đánh giá cao người “có khiếu bẩm sinh”.
Người ta lại thực hiện một nghiên cứu tương tự giữa 2 doanh nhân: “doanh nhân bẩm sinh” và “doanh nhân nỗ lực”. Kết quả là “doanh nhân bẩm sinh” được tin tưởng hơn.
Nghiên cứu này làm mình nhớ đến một nghiên cứu khác mà mình đã từng đọc ở đâu đó:
“Có hai học sinh giỏi toán A và B. Học sinh A được được công nhận là một người giỏi toán bẩm sinh. Học sinh B lại là một người giỏi toán do chăm chỉ rèn luyện. Cả hai người cùng giải một bài toán khó nhưng lại ra hai đáp số khác nhau. Theo bạn, khả năng người nào cho ra đáp số đúng?”
Qua những thống kê với nhiều tình huống giả định khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra: đa số chúng ta tin tưởng và ủng hộ người có năng lực bẩm sinh hơn. Có một định kiến ngầm chống lại những người nỗ lực phấn đấu. Phải chăng “cần cù” không thể bù được “thông minh”? Vì sao chúng ta lại “yêu thích” những kẻ tài năng đến vậy.
Trong tiểu sử và các bài giới thiệu về những danh nhân, các ngôi sao nổi tiếng thì hai chữ “tài năng” được nhắc đến với tần suất dày đặc. Việc tìm hiểu lý do vì sao người ta lại thành công mất nhiều thời gian và công sức hơn là mặc định gán cho người ta chữ “tài năng”. Mặt khác, việc này cũng là một cách giải thích cho “sự bình thường” của chúng ta, nó xoa dịu cảm giác tự ti trong mỗi con người.
Nhưng than ôi, cuộc đời không giống như việc chơi một bản nhạc hay giải một bài toán khó. Cuộc đời chúng ta là một chuỗi vô số những bài toán, có kẻ miệt mài ngồi giải mãi, cũng có những kẻ đến lúc nào đó lại chán nản buông xuôi. Giải một bài toán chỉ là mục tiêu ngắn hạn, trở nên xuất sắc trong một lãnh vực là mục tiêu dài hạn. Để đi từ “mục tiêu ngắn hạn” đến “mục tiêu dài hạn”, ta cần một tố chất cực kỳ quan trọng. Đó là “tính bền bỉ”.
Diễn viên Will Smith đã nói: “Tài năng là thứ bạn tự nhiên có. Kỹ năng chỉ được phát triển qua từng giờ lao động”. Khẳng định này của anh được tác giả quyển sách minh chứng bằng những tấm gương người thật, việc thật:
- Nhà văn John Irving bị mắc chứng khó đọc, từng bị thầy cô cho là vừa lười, vừa dốt... Nhưng nhờ lao động bền bỉ, ông đã xuất bản rất nhiều cuốn tiểu thuyết, trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm nhất.
- Họa sĩ Bob Mankoff đã bị tờ New Yorker từ chối khoảng 2.000 lần cho đến khi tranh của ông được chấp nhận, vài năm sau ông nhận được thư mời kí hợp đồng với tờ bào này.
Có rất nhiều dẫn chứng khác nữa nhưng mình chỉ ấn tượng nhất là hai ông này vì nó quá phi tường. Khả năng bền bỉ của hai ông phải nói là “bá đạo”!
Vậy có cách nào đánh giá được tính bền bỉ của mỗi người hay không? Các nhà nghiên cứu đã xây dựng nên các bài test tính bền bỉ và thang đo tính bền bỉ. Bài test tính bền bỉ có nhiều phiên bản khác nhau, được thiết kế tùy theo từng đối tượng tham gia như: trẻ em, người đi làm, học sinh trung học, các vận động viên, người trong quân ngũ... Sau khi làm bài test, kết quả sẽ được đối chiếu với thang đo tính bền bỉ để mỗi người biết được mức độ bền bỉ của mình.
Một nghiên cứu được thực hiện tại một công ty du lịch, công ty này đã cho các nhân viên sale thực hiện một bài test về tính bền bỉ. 6 tháng sau, có 55% số nhân viên sale nghỉ việc. Điều này không hề bất ngờ, kết quả bài của test trước đó đã dự đoán gần chính xác ai đi - ai ở.
Một nghiên cứu khác được thực hiện ở một trường trung học. Kết quả nghiên cứu cũng đã dự đoán gần đúng những học sinh tốt nghiệp đúng thời hạn.
Một câu hỏi khác đặt ra là: ta có thể nuôi dưỡng và bồi đắp tính bền bỉ được hay không? Hay nói cách khác, yếu tố nào thúc đẩy sự bền bỉ?
Qua các tư liệu, những kết quả nghiên cứu trực tiếp, gián tiếp được tác giả tiến hành ở nhiều nơi, từ học viện West Point cho đến các Cuộc thi Đánh vần Quốc gia... Cô đã phát hiện ra 4 trụ cột tâm lý chung của những con người bền bỉ. Đây còn được gọi là các yếu tố chủ quan:
- Sở thích: quan trọng là ta phải biết cách nuôi dưỡng, duy trì sở thích để nó biến thành đam mê.
- Sự rèn luyện: quan trọng là phải luyện tập đúng phương pháp, có xây dựng mục tiêu rõ ràng. Và thái độ tích cực khi đối mặt với những thất bại.
- Mục đích: còn gọi là xác định “sứ mạng”. Trong khi “sở thích” chỉ mang tính cá nhân, thì “mục đích” là thứ hướng tới lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.
- Hy vọng: còn gọi là sự lạc quan, đây là cách ta nhìn nhận sự thất bại theo hướng tích cực. Những người bền bỉ gặp thất bại có nản chí hay không? Có đấy, nhưng nhờ có “hy vọng”, họ sẽ lại đứng lên.
Vậy còn những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến sự bền bỉ là gì?
- Sự nuôi dưỡng: đó là niềm tin và cách giáo dục mà cha mẹ đã trao truyền lại cho con cái.
- Những sân chơi: các hoạt động thể chất, hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội... vừa đòi hỏi lại vừa xây dựng phẩm chất bền bỉ của những đứa trẻ.
- Văn hóa: con người luôn có nhu cầu và khả năng hòa nhập với cộng đồng xung quanh. Việc xây dựng các giá trị cốt lõi để hình thành nên văn hóa công ty, văn hóa tổ chức, văn hóa cộng đồng, tinh thần đồng đội... là rất quan trọng. Tính bền bỉ của một người có thể thúc đẩy sự bền bỉ của người khác, ngược lại nó cũng nuôi dưỡng sự bền bỉ ở người đó.
Vậy là có 2 cách nâng cao sự bền bỉ:
- Từ trong ra ngoài: nuôi dưỡng sự bền bỉ bằng các yếu tố chủ quan.
- Từ ngoài vào trong: nuôi dưỡng sự bền bỉ bằng các yếu tố khách quan.
Câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất đối với cá nhân mình là : Liệu bền bỉ có mang lại hạnh phúc hay không? Ta hãy nghe cái điều mà ông Warren MacKenzie - một nghệ nhân làm bình gốm thủ công từng làm ra hàng chục ngàn bình gốm tuyệt mĩ đã rút ra được: “Tập trung vào thứ gì mà mình ngày càng giỏi hơn có thể đem lại cảm giác hài lòng hơn là tham lam làm nhiều thứ”. Đúng vậy, đối với cá nhân mình thì cảm giác “hài lòng” chính là cội nguồn của hạnh phúc!
Tóm lại, theo mình thì quyển sách này gần giống một công trình khoa học, và vì lý do đó nên đọc nó khá là khô khan. Có lẽ người nào đọc hết được quyển sách này cũng cần phải sở hữu chút ít tính “bền bỉ”. Đó coi như là một thử thách đi. Nhờ có được chút ít tính bền bỉ ấy nên mình mới phát hiện ra rất nhiều kiến thức hay ho và cực kỳ bổ ích cho chính bản thân mình từ quyển sách này đấy.
Phương Thái