[Recap] Nhìn lại talkshow CMO: Bạn là ai? (Phần 2)

Ngày đăng: 10/03/2021 Viết bởi: Vũ Yến

NHÌN LẠI TALKSHOW CMO: BẠN LÀ AI? (PHẦN 2)

 

 
Host:
Sau đây tôi xin chuyển sang phần tiếp theo của của phần tọa đàm. Lúc nãy chúng ta đã nói về thách thức, về vai trò của giám đốc marketing. Vậy con đường tiếp theo của những người làm marketing là gì, career path của họ sẽ tiếp tục như thế nào? Hay giám đốc marketing là điểm cuối cùng trong nghề của họ rồi? Chắc chắn không ai muốn như vậy phải không ạ? Tôi xin phép hỏi anh Nghĩa đầu tiên, bởi vì anh Nghĩa là người đã từng là CMO và sau đó là CEO của Samsung miền Bắc. Vậy, anh có thể chia sẻ với chúng tôi, bí quyết nào để anh có thể từ CMO, từ giám đốc marketing, giám đốc sales mà được tin tưởng để được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Samsung?

 

Anh Nghĩa:

Câu hỏi này cũng rất thú vị, đặc biệt là cho các bạn trẻ chúng ta gọi là quản trị cuộc đời. Ở cấp độ mà quản trị sự nghiệp thì chúng ta nói đến carrer path. Cấp độ cao hơn, tức là quản trị cuộc đời thì có thể là tôi đã đề cập trong cuốn sách. Trong cuộc đời chúng ta nếu chúng ta hoạch định được, chúng ta biết được quy luật phát triển từ những người đang còn trẻ, đang tuổi đi học, cái tuổi learning, rồi đến tuổi work hard, rồi đến work well, working smart, sau đó là enjoy working thì các bạn cũng có thể thiết kế ra một quản trị cuộc đời của bạn để chạy theo hướng đó. Thế thì chắc chắn là nếu mà vào làm nghề marketing từ đầu, các bạn phải là thực hành marketing, yêu nghề, say sưa và các bạn có một định hướng rất rõ ràng. Sau đó đến vị trí assistant marketing manager rồi đến marketing manager rồi đến director. Các công ty lớn thì có thể đến CMO, nhưng mà vì các bạn đã có mục tiêu lớn là các bạn không chỉ làm những cái đó, các bạn có cơ hội trong nghề marketing, các bạn mở rộng networking, các bạn nghiên cứu về công ty. Các bạn hiểu sản phẩm, hiểu thị trường, kiểu hành vi khách hàng và đến lúc nào đó bạn hoàn toàn được tự do. Bạn có thể start up, bạn có thể làm được việc đó. Trong cuốn sách này tôi cũng đề cập nhiều chỗ, ngay cả Silicon Valley người ta khởi nghiệp cũng là tuổi 35 – 36 chứ không phải là trẻ.

Đương nhiên, với ngành platform, thì business này thì có thể trẻ hơn, nhưng đấy là đặc biệt. Chúng ta vẫn nhắc lại một nghiên cứu có tính chất thống kê hoặc là big data, tức là ngay Silicon Valley tuổi khởi nghiệp vẫn là 35. Nên tôi nghĩ là CMO nếu bạn có target là sẽ trở thành một người tự do, một người start up hay là một cái gì đó thì hoàn toàn trong quá trình, các bạn làm như vậy thì các bạn không những làm tốt chức năng của CMO mà các bạn còn mở rộng networking, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường và các bạn định hướng đến cái ngày nào đó các bạn sẽ trở thành Founder, trở thành investor, một co-partner rất là xuất sắc ở đâu đó. Cái mà tôi nhấn mạnh rằng cuộc sống rất là mênh mông, đặc biệt là giám đốc Sales và Marketing thì chúng ta có rất nhiều kiến thức để chúng ta có thể độc lập cuộc đời và thiết lập cái mong muốn chúng ta hướng tới.

 

Host:
Câu trả lời của anh Nghĩa có những gợi mở rất tuyệt vời, nhưng anh vẫn chưa trả lời hết câu hỏi của tôi. Tôi có hỏi anh có điểm gì để cho Samsung nhìn thấy rằng, vị trí của anh phải là làm giám đốc điều hành, chứ để anh làm giám đốc marketing là chưa đủ?
 

Anh Nghĩa:

Cũng rất đơn giản thôi. Tôi rất thích cái thách thức này của tôi. Thực ra khi vào Samsung thì đã hiểu thế nào là career path đâu mà sau này người ta dạy, hướng dẫn, đào tạo. Nhưng mà cái quan trọng nhất là được làm cái nghề mình yêu thích từ bé. Và rất say sưa và làm rất tốt từng công việc của mình và người ta công nhận mình và người ta thấy giao việc gì chúng ta cũng hoàn thành, không những hoàn thành vượt mức nó mà người ta gọi là “beyond expectation”. Ông giám đốc của tôi hay nói như vậy. Samsung vào Việt Nam từ những năm 1980s, Samsung điện tử vào từ năm 1991, chúng tôi luôn luôn lập kế hoạch là lần chứ không tính phần trăm. Một lần, lần rưỡi, hai lần, ba lần. Có những ngành đặc biệt người Hàn Quốc nói chung và Samsung nói riêng cực kỳ tham vọng. Chúng tôi luôn luôn được làm trong một môi trường rất tham vọng và rất là agressive như vậy. Dẫn đến là khi hoàn thành tốt như thế và người ta nói là mày xuất sắc như vậy thì việc mà người ta đẩy mình lên các nhiệm vụ cao hơn là không có vấn đề gì nữa. Thực ra thế hệ tôi đâu có được dạy và học về marketing đâu . Nhưng mà cuộc sống nó dạy và họ lại đào tạo bổ sung nữa, dẫn đến là MBA, mini MBA, excutive MBA, leadership management rồi cứ đào tạo dần dần như vậy thì tự nhiên nó sẽ trưởng thành. Tôi nghĩ là cái quan trọng nhất là nhận thức bản thân, định hướng rất rõ ràng và đam mê làm cho thật là tốt cái mà tôi hay chia sẻ với các bạn trẻ là như vậy.

Cũng như ở đây, tôi nói là phải tìm ra những người nào đó đến đây để làm, đặt vấn đề lương hay thu nhập ở vị trí số ba, số một vẫn phải là đam mê, được làm cái yêu thích. Thế còn trách nhiệm của lãnh đạo công ty kiểu như anh Bình (Chủ tịch AlphaBooks) là tạo ra một môi trường văn hóa để thể hiện networking với nhau, chúng ta team building với nhau, teamwork với nhau và phải tìm được ra cái người có sứ mệnh như vậy thì mới thành công.

 

Host:
Em chú ý nhất trong phần trả lời của anh Nghĩa là cần phải có passion – đam mê và say sưa công việc, nhiệt tình với công việc, và người Việt Nam mình hay nói là “gái có công, chồng không phụ” phải không anh? Mình phải đóng góp, mình cứ hết mình với công việc thì một ngày nào đó, đóng góp, công sức của mình, cũng như sự nhiệt tình của mình rồi sẽ được ghi nhận, đúng không anh? Cảm ơn anh.
Tôi xin anh Dương, vì tôi biết, trước đây, trước khi giữ vị trí giám đốc khối F2B như bây giờ thì Dương đã làm giám đốc marketing. Vậy thì điều gì đã khiến Dương chuyển từ vị trí giám đốc marketing chuyển sang giám đốc khối F2B, và Dương có thể giải thích cho mọi người một chút về F2B là gì được không?
 

Anh Dương:

F2B thực tế thì là theo sơ đồ tổ chức mô hình của F99. Bọn em có một khối là F2B. Khối thứ hai là khối app và khối thứ ba là khối về công nghệ. Mỗi khối sẽ có nhiệm vụ và phụ trách khác nhau. Ví dụ khối của tôi là nhiệm vụ là tăng trưởng và kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Nó gần như là cả mảng kinh doanh, cả mảng marketing, nhiệm vụ là kiếm làm sao càng nhiều tiền càng tốt và tiền để đầu tư lại cho hoạt động về Platform. Xuất phát điểm, tôi không phải là dân marketing. Tôi xuất phát là một cộng tác viên sales. Sau một thời gian phát triển thì tôi mới thấy, có những thời điểm mình đi làm lên đến vị trí là trưởng phòng bán hàng thì mới thấy mối liên kết của marketing và bán hàng rất ăn khớp với nhau, sau đó dần dần mình có sự dịch chuyển. Và giống như anh Nghĩa nói, để mà mình đang ở vị trí cao hơn thì cái quan trọng nhất đó là mình phải làm vượt kỳ vọng cấp trên giao xuống, tức là ông được giao một việc 10 điểm, thì ông phải làm 15 điểm, thậm chí hơn và phải chứng minh được cho cả cấp trên và cả anh em bên dưới thấy rằng năng lực của ông có thể đạt vị trí cao hơn nữa. Đólà cái tôi nghĩ đã khiến mình lên vị trí cao hơn.

 

Trong câu hỏi của chị là vị trí CMO sẽ đi đến đâu tiếp. Trong quan điểm của tôi có hai điều. Đứng ở góc độ là một người quản trị hay là một người điều hành công ty, thì chúng tôi sẽ luôn nghĩ ra một vị trí nào cao hơn với những nhân sự. Bởi vì sẽ tùy thuộc vào nhóm nhân sự của mình. Có những nhóm theo sự kỳ vọng vào vị trí cao hơn thì tôi phải làm thế nào? Tôi phải thích ứng với họ và tôi sẽ nghĩ ra một vị trí cao hơn vị trí CMO. Rõ ràng là trong vị trí đó mô tả công việc và tất cả thứ quyền lợi, trách nhiệm của các bạn ấy sẽ cao hơn thì đấy là về phía công ty thì chúng tôi phải nghĩ ra điều gì có thể đáp ứng được mong muốn của nhân sự của mình và giữ họ được lâu nhất, để tránh việc các bạn ấy lại đi khởi nghiệp mất (cười).

 

Điều thứ hai, đứng ở góc độ là một người đi làm, ở góc độ một nhân viên thì tôi thấy rằng, vị tríkhông quá quan trọng. Cái title nó không phải là kỳ vọng hay mục tiêu quan trọng nhất của người đi làm. Như anh Nghĩa nói, phải làm vì đam mê. Việc đó cho ông niềm vui đến công ty hằng ngày. 1 ngày làm việc có khi 18 tiếng, 16 tiếng nhiều hơn ở với gia đình, nên là, nếu công việc không có niềm vui, không có đam mê, thì ta đang đánh mất chính hạnh phúc của bản thân mình. Ngoài ra,điều quan trọng nhất là bản thân mình ở vị trí nào đi chăng nữa mình cũng phải tạo ra giá trị mà được cấp trên ghi nhận và chính bản thân cấp dưới mình tôn trọng, họ thấy rằng ông này ngồi ở vị trí này là quá xứng đáng. Và thấy rằng, cứ ông này ngồi vị trí này công ty phát triển, cảm giác họ không thể thiếu được mình. Mình sẽ cảm thấy đó không phải quyền lực về vị trí nữa mà đó là sự yêu thương, tôn trọng thì tôi nghĩ rằng, đó là điều mà khi đi làm tôi sẽ đặt mục tiêu cao hơn. Chính vì thế nó cũng là cái tác động lên sự nghiệp của tôi, khiến nấc thang của tôi cũng khác các bạn khác.

 

Host:
Xin cảm ơn anh Dương. Tôi xin hỏi chị Thương câu này: Trong tổ chức có những nhân sự mà mình rất muốn đào tạo thành cán bộ “nguồn”. Ví dụ nhân sự marketing, hoặc nhân sự khác, công ty luôn luôn phải đầu tư để đào tạo cho họ tốt hơn, nhưng việc đó đồng thời lại cho họ một lo lắng là đào tạo nhân sự tốt hơn rồi họ lại đi mất. Chị nghĩ như thế nào về điều này? Nagakawa có những chương trình đào tạo cho cán bộ nguồn như thế nào và có những lo lắng như vậy không?
 

Chị Thương:

Thưa các anh chị, trước khi trả lời câu hỏi của chị Trang, tôi xin quay lại ý vừa nãy anh Nghĩa có chia sẻ. Câu chuyện là trong quá trình tôi đi tuyển CMO thì tôi có gặp một vài ứng viên rất sáng giá.Khi tôi đặt vấn đề là về Nagakawa cùng làm thì họ chia sẻ là không về được chị ạ. Hiện tại sau khi làm ở công ty này rất thành công, tôi rất hiểu sản phẩm, tôi rất hiểu thị trường, tôi quyết định mở công ty với sản phẩm cùng ngành nghề đó, vì tôi quá hiểu nó. Thế nên, tôi hiểu rằng khi họ bị phân tâm bởi một vài công việc khác nữa thì nó rất khó để thành công, vậy tôi cũng đồng ý rằng ngậm ngùi rút lui.

Gặp một ứng viên khác nữa thì tôi hỏi là anh về Nagakawa nhé thì anh ta cũng bảo là sau khi làm CMO, tôi tham gia rất nhiều diễn đàn, tôi rất thành công và tôi thấy rằng khả năng của tôi là diễn giả rất là tốt, thế nên mục tiêu hiện tại của tôi là đi chia sẻ kiến thức mình, không phải để làm giàu mà là tôi thấy kiến thức của mình rất hay, muốn được chia sẻ và tôi thành lập một vài công ty về đào tạo. Tức là không phải họ kinh doanh về ngành hàng của mình nữa mà họ phát triển những tố chất. Đây là những con đường mà tôi thấy CMO họ hay đi. Và bản thân ở Nagakawa cũng có những nhân sự như vậy. Các bạn sales rất mạnh và các bạn CMO cũng rất mạnh, và các bạn sau khi rất mạnh thì các bạn tách ra một là làm trong ngành, 2 là làm trong ngành cũng tương đối liên quan đến những kỹ năng, kiến thức mà họ đang có. Thế thì trước khi trả lời câu hỏi của chị thì tôi phải giữ trước đã.

Có rất nhiều ứng viên hỏi là: “Thế con đường thăng tiến của tôi về đây là gì?” Thì tôi cũng chia sẻthẳng thắn là: Đầu tiên là phải làm tốt. Giao 1 làm được 1, hoặc giao 1, làm được 1.2 thì chúng tôi mới tính được phương án tiếp theo. Con đường lên của các bạn phụ thuộc vào các bạn, chứ không phải là tôi. Tôi chỉ ví dụ như bạn CMO của tôi sau khi bạn ấy triển khai bạn ấy quay sang thảng thốt với tôi là Chị ơi, em là được rất nhiều cái hay ho nhưng em phát hiện ra là hệ thống kinh doanh đang không chạy theo kịp, vậy nên bây giờ chị kiện toàn khối cấp cao của bên kinh doanh để em truyền thông đến đâu, người tiêu dùng nghe tới đâu khi tìm là phải thấy, chứ đến cửa hàng lại không thấy thì công của của bọn em cũng như không. Nhưng khi bọn tôi kiện toàn được hệ thống kinh doanh thì bạn ấy lại quay sang thảng thốt với tôi là bây giờ dịch vụ bọn em bán được nhiều rồi mà hàng hóa có vấn đề gì thì bọn em truyền thông mà xử lý không tốt, khủng hoảng xảy ra càng kinh hoàng hơn. Đó, bạn có thăng tiến được không, rõ ràng phụ thuộc vào thái độ và hiệu quả làm việc của bạn.

Khi 1 doanh nghiệp muốn giữ người chỉ có 3 cách thôi: tăng lương, tăng thưởng, tăng vị trí. Tăng vị trí ở chúng tôi có rất nhiều vị trí như Phó tổng, ngay cả vị trí tổng giám đốc của tôi nếu mà Hội đồng quản trị thấy rằng nếu lãnh đạo nào có giá trị với tổ chức, giúp cho tổ chức phát triển thì người đó sẽ lên thôi. Vậy thì khi họ làm được rất nhiều việc, vượt qua vị trí CMO thì rất có thể họ sẽ ngồi vào vị trí CEO. Ngay cả khi họ tăng lên vị trí CEO, vậy họ còn đường nào nữa hay không? Lại là câu hỏi tiếp nữa: Đến CEO lại thôi à. Vậy cuối cùng là gì, vậy là các công ty lớn họ hay làm là chia cổ phần. Thay vì anh ra ngoài làm chủ của một doanh nghiệp vốn nhỏ, thì thôi anh ở lại làm giám đốc marketing của 1 tập đoàn lớn, nó mới thỏa mãn với sức của anh, anh giỏi mà. Bản chất của kinh doanh chỉ cần vài cái gạch đầu dòng thôi, anh ngồi đây, vị trí anh ở đây, lương anh ở đây chúng tôi chia sẻ phần lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây cũng là cách mà doanh nghiệp giữ người. Vì vậy các anh chị cũng yên tâm rằng là nếu chúng ta quyết tâm đầu tư, chúng ta ta tin vào sự phát triển của doanh nghiệp thì chúng ta cũng có rất nhiều cách ra đi, ở lại cũng là 1 cách.

Chị có hỏi thực ra là việc dự án chúng ta có đào tạo cho 1 cán bộ nguồn lên làm CMO. Thực ra đó là ý tưởng mà trong năm vừa rồi tôi đã làm. Vì trong năm trước  tôi rất khó khăn trong việc tuyển CMO, đúng là do mình quá kì vọng vào vị trí đó, dẫn đến là tôi không thể tuyển được và sau đó là quay sang các chuyên gia, các agency lớn, tôi cũng nhờ để có 1 CMO, ít nhất là có thể hiểu được những cách mà chúng tôi đã vạch ra chiến lược. Bây giờ, chúng ta vạch ra 1 đường, các bạn dưới triển khai 1 đường khác. Chúng ta bảo truyền thông 1 cách nhân văn, các bạn quảng cáo theo 1 cách rất là không đúng chiến lược của mình. Cuối cùng, bí quá không biết làm thế nào, vì các anh chị biết rằng cái ngành tiêu dùng của chúng tôi, CMO chiếm vị trí vô cùng quan trọng, không thể thiếu, mà tôi thì không thể làm trực tiếp, chi tiết được vì rõ ràng tôi không có trình độ chuyên môn về mảng đó. Tôi đành sử dụng 1 giải pháp khác là giải pháp “ăn vạ”. Tôi quay sang agency lớn nhất đó và tôi bảo bây giờ anh đã nghĩ chiến lược cho em rồi thì anh quay sang làm CMO hộ em với, mà không phải mỗi anh, anh cho 1 ekip sang làm CMO hộ em. Lúc này, nhiều chuyên gia khác, cố vấn khác ở bên ngoài cũng chia sẻ là CMO phải là người trong nhà, chứ bây giờ gọi 1 người bên ngoài vào thì làm sao mà làm được. Nhưng thực ra mà nói mọi người không hiểu được hoàn cảnh của tôi trong hoàn cảnh ấy không còn 1 giải pháp khác. Đấy là giải pháp outsource. Cho nên nếu có thể kết hợp với các anh chị chuyên gia ở đây để đào tạo cho nhân viên của tôi thì tôi sẽ sẵn sàng.

 

Host:
Xin cảm ơn chị Thương. Tôi xin hỏi một câu hỏi đến từ khán giả, là “các anh chị đã nói gì đến thu nhập của CMO chưa”, xin hỏi anh Linh ạ?
 

Anh Linh:

Câu chuyện thu nhập thì luôn nhạy cảm, với bất cứ vị trí nào. FPT chúng tôi không phải công ty trả lương tốt nhất thị trường. Chúng tôi chưa bao giờ định vị mình là công ty trả lương cao nhất thị trường. Nhưng chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các bạn phát triển, từ vị trí marketing bình thường hay vị trí CMO, đều và tạo điều kiện để cho bạn bước tiếp những bước tiếp theo sau vị trí CMO, không có giới hạn. Tôi cũng cho rằng quyết định về vị trí của bạn không thuộc về tổ chức mà thuộc vào nhân sự đó muốn phát triển tiếp như thế nào.

 

Yếu tố thứ 2 là môi trường của tổ chức đó có đủ thân thiện không? Người làm rất tốt ở 1 vị trí có thể sẽ làm tốt hơn nếu môi trường ở đó không phải là hữu hạn, không cho người ta thêm không gian để phát triển thêm. Có bạn hỏi rằng bây giờ chúng tôi đầu tư quá nhiều vào bạn thì sau này bạn đi,chúng tôi có chịu thiệt hay không? Thực sự lo lắng đó cũng là để mình phải suy nghĩ thấu đáo hơn. Đương nhiên thu nhập là một phần quan trọng. Nếu bạn nói có nơi trả cho bạn lương gấp 2, gấp 3 thì chúng tôi cũng có thể cân nhắc xem có thể trả bằng hoặc gần bằng số thu nhập mà bên kia họ trảkhông, nhưng thực sự, họ trả cao quá thì chúng tôi cũng không theo được. Đấy là cái lỗi của anh, thôi thì anh sẽ để em đi để em có thu nhập tốt hơn, giúp đỡ tốt hơn gia đình em. Tuy nhiên, ngoài thu nhập, tôi sẽ cho các bạn các suy nghĩ, cân nhắc, đo đếm khác. Ví dụ như chúng tôi đưa ra cho các bạn 1 cái game, như ở FPT Telecom của chúng tôi đưa ra 1 cái game có thể tạo sức ảnh hưởng đến vài triệu người, hoặc vài chục triệu người. Ngoài ra còn là câu chuyện văn hóa. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra văn hóa để mọi người có sự tự do, dân chủ, có 1 cái gì đó để tự phát triển, tiếng nói của bạn ấy được lắng nghe, kể cả ở tầng cao nhất.

Nếu như câu chuyện cuối cùng vẫn là thu nhập thì chúng tôi sẽ cố gắng hết mức. Nếu không được nữa thì thôi, cơ duyên của chúng ta có lẽ phải dừng lại. Biết đâu khi các bạn ra 1 chỗ khác, sau này chúng ta vẫn có thể gặp lại nhau và hợp tác với nhau, thì đó lại là điều tốt hơn cho cả hai bên chứ không phải là cái mất của chúng tôi.

 

Host:
Một câu hỏi nữa từ khán giả, xin hỏi anh Nghĩa ạ: “Thời đại này công nghệ rất phát triển thì marketing online đang rất chiếm ưu thế rất mạnh. Theo anh, marketing truyền thống cần thay đổi như thế nào để phù hợp với marketing online đang chiếm ưu thế đó ạ?
 

Anh Nghĩa

Trước khi trả lời câu hỏi của bạn thì tôi quay lại 1 chút với vấn đề các bạn vừa mở ra. Thì các bạn khá nhấn mạnh vào mặt kỹ thuật, vật chất. Tôi là người làm đào tạo, giữ chân nhân viên, v.v… Tôi cũng có vài trải nghiệm muốn chia sẻ ở đây. Với các bạn trẻ, đương nhiên các bạn muốn có lương, có thưởng, có vị trí, có tất cả các thứ. Đó là chuyện bình thường của các bạn trẻ nhưng mà tôi vẫn muốn chia sẻ với tất cả các bạn trẻ rằng, khi họ đến 1 công ty nào đó, nếu bạn học được phong cách của cấp trên thì đó là cách rõ ràng để thành công.

Khi tôi đến là ở Samsung ở nhiệm kỳ thứ nhất, thứ 2, thứ 3. Sau 11 năm làm ở Samsung, năm 2002, có 1 nửa cán bộ nhân sự của tôi họ cũng rời bỏ. Cái này không tốt cho tổ chức, nhưng họ cũng chia sẻ rằng em đến Samsung là vì anh. Đáng lẽ em chỉ có kế hoạch 2 năm, 3 năm nhưng vì anh đã chia sẻ cho em rất nhiều kiến thức. Tôi muốn chia sẻ thêm 1 ý nữa, ví dụ như F99, hay Nakagawa hoặc FPT Telecom, chúng ta theo xu hướng mở rộng sản xuất, mở rộng kinh doanh rất mạnh mẽ. Chúng ta có rất nhiều vị trí, ngoài lương, thưởng, nó cũng là cơ hội chúng ta mở ra cho các bạn nếu các bạn muốn đủ thách thức, có đủ tiềm năng. Ví dụ như trong công ty Alpha books này thì có 12 business units (đơn vị kinh doanh) mới và tiếp tục có thể mở ra nữa thì các bạn cũng có thể tham dự vào đó. Ở cấp độ cuối cùng, khi bạn có đủ trải nghiệm thì bạn hoàn toàn có thể cùng với founder nghĩ đến phương án là cổ phần theo các cấp độ. Vậy nên ta phải xây dựng một cái gì đó có tính chất mềm hơn, một văn hóa tương đồng để đi dài hơn với nhau, để chúng ta đỡ phải suốt ngày dùng vật chất, vị trí để giữ nhau thì tôi nghĩ là không bền. Chúng ta nên giữ bằng cách lạt mềm buộc chặt.

Câu hỏi thứ 2 của bạn thì cũng là câu hỏi rất phổ cập. Các bạn nghĩ digital nó thay đổi mọi thứ. Nhưng dưới góc độ marketing chiến lược, tôi thấy cái thay đổi này nó mang tính chất công cụ. Marketing online chỉ là công cụ. Chúng tôi vẫn dùng trong marketing truyền thống. Samsung họ có bán hàng online đâu, nhưng họ có dùng các KOLs, sử dụng rất nhiều fomat mới, phát triển. Tôi có nói đùa với các bạn marketing online là đôi khi các bạn hơi bị kiêu hãnh quá, như anh Tuấn Hà có bảo nếu các bạn không làm online thì 10 năm nữa các bạn chẳng có gì để làm. Hoàn toàn đúng. Nhưng tôi muốn nói thêm 1 ý là dù sao đó vẫn là công cụ, không thể thoát ra cái format marketing nói chung. Với doanh nghiệp, tôi muốn nói rằng các bạn đừng lo, nhiệm vụ quan trọng nhất của thế giới hiện đại là dù thế nào, các bạn cũng phải làm ra những sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất, giải pháp tốt nhất thì các bạn yên tâm rằng, chúng tôi sẽ tìm cho các bạn những nhà bán hàng, nhà marketing, kênh bán hàng tốt nhất, miễn là các bạn ra được những sản phẩm tốt. Các bạn tìm ra phương pháp, sản phẩm tốt làm thay đổi thế giới mới là tốt, còn công cụ vẫn mãi là công cụ.

 

Anh Dương

Tại F99, 95% công việc kinh doanh của chúng tôi là làm online, nhưng bản chất vẫn là marketingthôi. Bởi vì đúng như anh Nghĩa có nói thì về cơ bản, khác biệt chỉ ở chỗ triển khai kênh. Nó chỉ khác là trước đây, ta triển khai trên kênh truyền thống, giờ là kênh online. Nhưng về phương pháp tiếp cận vấn đề vẫn là “khách hàng của mình là ai? họ có đặc tính gì? có sở thích thói quen gì trên kênh online. Và mình tận dụng kênh online đó tiếp cận họ như thế nào. Với thông điệp chính, cái mình truyền thông đến họ ra sao. Nó chỉ thay đổi về mặt chiến lược còn cách chúng ta đưa thông điệp  hay cách chúng ta bán được hàng vẫn giống trước đây. Tôi đã làm marketing trên kênh truyền thống, sau đó làm sang F99, nhưng về bản chất, chúng ta có cái lõi về mặt marketing vững thì chắc chắn là ở môi trường nào, kênh công cụ nào các bạn cũng thích ứng rất nhanh. Bởi vì học công cụ nhanh hơn là các bạn học về phương pháp luận. Thế nên các bạn không phải ngại về vấn đề ấy. Là người chuyển từ kênh truyền thống sang online và giờ làm sang app, tôi thấy cũng chẳng có gì khác biệt lắm.

 

Host:
Một câu hỏi của khán giả, xin hỏi anh Linh: “Big data và AI là xu hướng tất yếu của các ngành nghề, 1 công ty vừa và nhỏ có nên đầu tư xây dựng một cơ sở dữ liệu cho mình hay là thuê dịch vụ dữ liệu bên ngoài cho hoạt động marketing của mình?”
 

Anh Linh

Câu này thực ra nó là câu hỏi rất khó. Nó tùy thuộc vào mục tiêu công ty muốn gì? Đa phần mục tiêu của các công ty là tăng trưởng và hiệu quả nên đối với tôi nó không phải là ở câu chuyện vừa hay nhỏ mà là lợi thế của bạn trong việc sử dụng big data đó. Ví dụ như bạn đang làm trong cái ngành giống chúng tôi chẳng hạn, big data có sẵn rồi thì không phải gì chúng ta phải tìm đến bên ngoài. Thế thì là tôi nghĩ rằng là nó tùy thuộc vào vào khá nhiều yếu tố. Nếu đơn thuần là công ty bình thường, thì có lẽ xu hướng là nên tìm bên ngoài, bạn hãy xem lại trong lĩnh vực bạn hoạt động, thì những data đang có sẵn nó có thực sự có ích với bạn không hay bạn cần có thêm các trường khác của data để bạn có thể tự hoạch định được các chiến lược của mình, tự quyết định được các cách tiếp cận và hoạt động của mình.

 

 Host:
Nếu có một điều cần nhắn gửi cho người làm Giám đốc Marketing hoặc là những bạn muốn trở thành Giám đốc Marketing, các anh chị muốn gửi gắm thông điệp gì?
 

Anh Nghĩa

Nói có vẻ hơi bài bản 1 chút thì tôi vẫn muốn định nghĩa theo cái tháp thành công của con người. Nền tảng số 1 của nó là đạo đức, và sự chính trực; phía trên đó là tinh thần và thái độ, trên nữa là kiến thức và kỹ năng và không thể thiếu 3-5% tài năng. Tôi định nghĩa 1 cách chung như vậy nhưng mà tôi đánh giá ở bất cứ xã hội nào đạo đức và thái độ là cực kỳ quan trọng. Thái độ và đạo đức ở 5 cấp độ, đương nhiên là bạn có nhận thức, bạn yêu thương cái nghề, bạn đeo đuổi nó 1 cách đam mê thì đương nhiên. Nhưng ở cấp độ cao hơn bạn phải có lòng tin, có 1 cái kiên nhận, một cái kiên định đeo đuổi. Ví dụ đi bán hàng gặp khó khăn, bạn chán nản, bỏ sang nghề khác, cả cuộc đời chúng ta là chắp vá bởi những năm tháng rất là ngắn gọn vài ba tháng, 5-7 tháng, cái gì chúng ta cũng biết nhưng chẳng đến nơi đến chốn. Các cụ có nói “1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề”, trong một xã hội đang cạnh tranh rất khốc liệt như thế này, nếu các bạn không có chuyên môn, không có trải nghiệm thì các bạn không có chỗ đứng. Và khi các bạn có đam mê, có thái độ và đeo đuổi nó, bạn sẽ trang bị cho mình kiến thức học ở sách (book smart), kiến thức học ở đường (street smart) thì chúng ta có kiến thức, kĩ năng. Khi ấy bạn có chất lượng rồi thì tiền nó sẽ đến, danh vọng sẽ đến, an toàn tài chính sẽ đến và người ta sẽ mời bạn đến làm, và bạn không phải lo gì nữa.

Tôi vẫn nghĩ, với marketing, lõi của nó là sản phẩm, là dịch vụ, là giải pháp. Trước khi chúng ta dùng các phương pháp kỹ thuật về các cách marketing bán hàng thì tôi muốn nhấn mạnh, chất lượng, chất lượng và chất lượng vẫn là quan trọng nhất nên bạn thực sự phải trở thành 1 chuyên gia yêu nó, đeo đuổi nó và vượt qua kì vọng của cấp trên, đối tác của mình thì từ đó công việc của bạn sẽ bền vững và lâu dài.

 

Anh Linh

Tôi đồng ý với anh Nghĩa, đó là đam mê, làm cái gì cũng cần có đam mê. Không rõ là kinh nghiệmcá nhân của tôi có áp dụng được vào người làm marketing hay không. Nhưng thực tế công tác của tôi trải qua ở FPT Telecom, tôi vào FPT đã được hơn 10 năm. Trong vòng 10 năm, ở FPT cứ 2 năm là phải thay đổi vị trí và công việc 1 lần, và trong 10 năm tôi đã kinh qua tất cả các vị trí: giám đốc tài chính, tôi có kinh nghiệm 2 năm làm giám đốc tài chính cho tổ chức, tôi cũng đã phụ trách mảng dịch vụ khách hàng, rồi công việc khác hoàn toàn nữa là kinh doanh, tôi cũng được giao nhiệm vụ đi phát triển các hướng mới và hiện tại tôi được giữ chức vụ quản lý khối truyền hình, khối khác hẳn với internet, nó liên quan đến hạ tầng hay liên quan đến công nghệ, khối truyền hình cần chút bay bổng, lãng mạn, liên quan đến nội dung, liên quan đến những gì mà mình tìm kiếm tri thức, hay những gì liên quan đến giá trị tình cảm, giá trị xã hội. Câu chuyện ở đây là liên quan đến đam mê, liều lĩnh, thích nghi với công việc. Tuy nhiên trong marketing, đối với tôi sáng tạo là rất quan trọng. Đó là đam mê, thích nghi, liều lĩnh và sáng tạo.

 

Chị Thương: 

Sau khi tôi nhìn lại từ Nagakawa 20 năm phát triển, từ đơn vị chục tỉ, lên đơn vị trăm tỷ, rồi nghìn tỉ. Đấy, chúng ta thấy rằng, doanh nghiệp nào cũng đi từ bé, vừa, đến lớn. Tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà nó đòi hỏi trình độ của CMO hay trưởng phòng marketing nó sẽ khác nhau. Và đương nhiên như anh Nghĩa vừa chia sẻ thì tôi thấy bắt buộc phải có sự tử tế, tri thức, đam mê… Nhưng tôi nghĩ rằng là sau khi nhìn lại  20 năm phát triển, tôi thấy cứ thời kì nào có giám đốc CMO có khát vọng mong muốn đưa công ty và có sự tin tưởng rằng nếu có sự nỗ lực của họ sẽ đưa công ty phát triển mạnh thì thời kì ấy Nakagawa thực tăng trưởng và  phát triển. Vì vậy, tôi thấy để có một CMO thành công, đó chính là khát vọng, việc khát vọng đấy truyền lửa xuống mọi cán bộ, nhân viên, nó truyền hết đến các đại lý, các cổ đông, các người tiêu dùng. Và khi có cái khát vọng đó nó củng cố niềm tin cho ban điều hành. Thực sự khi chúng tôi vẽ lên 1 cái tầm nhìn, một cái chiến lược, mục tiêu của 4-5 năm nữa.

Ví dụ đang từ 5 nghìn tỉ, lên 10 nghìn tỷ mà chúng tôi còn không biết nó có thực hiện được hay không thì khi có 1 CMO ngồi bên cạnh nói rằng chúng ta phải xác định bằng mọi cách để chúng ta đạt được khát vọng đấy. Đương nhiên không phải là bằng mọi giá, mà phải tuân thủ pháp luật, chúng ta cần phải có 1 sự tử tế vì nếu như chúng ta không tử tế và sản phẩm của chúng ta không đạt được chất lượng thì chúng ta không thể tồn tại được chứ không nói đến là phát triển. Tuy nhiên tôi nghĩ là quan trọng nhất, một nhân tố thành công của CMO đó chính là có khát vọng, khát vọng đưa doanh nghiệp lên và tôi nghĩ rằng là khi tuyển dụng, không một nhà tuyển dụng nào thấy người tuyển dụng của mình có khát vọng đưa công ty của mình lên mà không chọn. Vì vậy, tôi thấy có rất thứ CMO cần có, nhưng thứ quan trọng nhất là khát vọng.

 

Anh Dương

Ở góc độ của tôi thì tôi thấy có mấy cái để nói. Thực ra nó có 3 thứ. Thứ nhất giống như anh Nghĩa nói là rất đề cao đạo đức trong kinh doanh. Bởi ông là CEO, ông chính là người tạo ra giá trị và đưa giá trị đến khách hàng mà giá trị đó không tốt thì ông cũng không có niềm vui để làm. Còn nếu như ông làm tốt thì ông thấy có động lực mang đến cho khách hàng có nhiều hơn, khả năng thành công sẽ cao hơn và chắc chắn thành công. Và khi có sản phẩm tốt, thì tôi thấy mình chưa bao giờ thất bại. Đấy là cái mà tôi chắc chắn cần có. Thứ 2, là văn hóa về đích. Trong F99 của chúng tôi có 1 văn hóa là về đích. Ông bò cũng được, ông lết cũng được miễn là ông về đích. Giống như hình tượng trong cuộc thi marathon thì ví dụ như nó có 3 nhóm người 1 là nhóm người chỉ ngồi nhìn, chỉ ngồi nhìn thôi. Và khi ông chỉ ngồi nhìn thì ông biết là con đường ấy sẽ đến đích, ông biết là con đường đấy có những thành công đấy. Nhưng mà rất nhiều sẽ chỉ ngồi nhìn và họ không làm gì thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ đạt được kết quả. cái thứ 2 là có nhóm người khoảng 80% người tham gia, nhưng trong cuộc chạy marathon ấy thì đến khoảng 90 -70% quãng đường họ cảm thấy bị mỏi chân, bị đau chân, như thế này, như thế kia và họ sẽ bỏ cuộc. Mà khi bỏ cuộc rồi không chỉ bản thân họ bỏ cuộc mà họ đi ngược trở lại con đường chạy đó. Họ tác động đến người đang chạy tiếp là ừ thôi mày bỏ cuộc đi, xa lắm, vất vả lắm, rất nhiều vấn đề thì 80% đó cũng không đạt được kết quả gì. Và chỉ 20% còn lại họ vượt qua tất cả những đau đớn, vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức và về đích. Thì theo văn hóa của chúng tôi, ông làm thế nào cũng được miễn là ông về được đích, hoàn thành được các mình đặt ra. Thứ 3, là văn hóa về học tập. Tức là 1 người làm CMO cũng phải có tư duy học tập. Và chúng tôi gọi đó là học thuyết về sư phụ. Tức là ông xác định được luôn tư tưởng của ông là tôi ở tầm đấy không có nghĩa là kĩ năng và mọi thứ của ông là giỏi hết. Ông vẫn phải đi học 1 cái gì đó và nên phải học để nâng cao năng lực của mình, chứ không tự mãn rằng giỏi rồi thì không phải học gì thì sau đấy 1, 2 tháng hay 2,3 ông sẽ cảm thấy mình bị thoái hóa, bị out of date, quá hạn về tư duy. Nên việc của ông là đi học, cúi đầu xuống học. Tôi là 1 CMO nhưng tôi vẫn đi học 1 bạn chạy ads. à cái công cụ này nó quản trị như thế nào, nó chạy như thế nào và để quản trị nó tôi phải xây dựng các bộ form như thế nào. Tức là CMO nhưng vẫn phải học 1 bạn nhân viên, chuyện đó rất bình thường. Và khi học phải có tư tưởng đó là người đi học chứ không phải đến phán xét ô đến đây để xem thằng này nó dạy như thế nào? nó dạy có tốt không? Không, như thế chẳng học được cái gì cả. Và học thuyết sư phụ của chúng tôi nói rất rõ với nhau là đến đây học, người ta nói gì thì là đúng như thế. Khi làm đúng như người ta rồi, đặt được kết quả như ngươi người ta rồi thì mới thêm phần sáng tạo của mình vào thì lúc đó ông mới đưa ra được cái phát triển tốt hơn. Đó là 3 cái tôi nghĩ là cần, rất cần thiết với các bạn làm marketing.

 

 Host:   
Rất tuyệt vời! Cảm ơn diễn giả rất nhiều. Chúng ta đã có buổi tọa đàm đầu xuân rất nhiều năng lượng, tôi tin rằng đây sẽ khởi đầu tuyệt vời của năm 2021 với CLB Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam – CSMO. Tôi tin rằng quý vị đã có nhiều đúc rút cho riêng mình từ những lời chia sẻ tâm huyết và rất quý báu của các diễn giả. Với cá nhân tôi, xin chia sẻ chút kinh nghiệm từ hơn 20 năm trong ngành sales và marketing đồng thời ở vị trí giám đốc marketing tại một số doanh nghiệp lơn. Tôi xin bổ sung 1 kinh nghiệm, tôi nghĩ là rất tốt cho các bạn làm marketing, đó là cần xây dựng và mở rộng network của mình. Bởi vì khi chúng ta mở rộng network, đôi khi từ những câu chuyện rất đơn giản của các ngành không hề liên quan đến mình, nhưng nó lại cho mình những bài học, kinh nghiệm, cho mình những gợi ý về sáng tạo trong ngành nghề của mình, và một trong những network dễ làm, có thể thực hiện được ngay đó là trở thành thành viên của CLB CSMO. Các bạn có thể tham gia gia nhập mạng lưới member của chúng tôi.
 
Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh lại, là chúng ta có code giảm giá thêm 20% là code CSMO để mua sách tại shop.alphabooks.vn .
 
Buổi tọa đàm của chúng ta kết thúc ở đây nhưng sẽ mở ra nhiều cuộc trao đổi rộng hơn nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục có sự đồng hành của các bạn làm sales và marketing ở Việt Nam. Chúc các bạn một năm mới nhiều sức khỏe và thành công.
 
——————————————–

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Đơn vị tổ chức: #CSMOViệtNam và #Alphabooks

Biên tập nội dung: Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Thư ký băng hình: Ban thư ký và truyền thông CLB CSMO

Đơn vị tài trợ: Zoom Việt Nam, Zoho One

Đơn vị đồng hành: #Colormedia #Lebros #Rich Media, #RepuDigital, #AsianBranding, #Senplus, #SmartLoyalty, #MacEvent, #I3Network

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan