Những điều báo cáo tài chính không nói với bạn

Ngày đăng: 10/06/2019 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Năm 2006, một trong những công ty lớn nhất Phố Wall đạt được thành tích có lẽ là cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập của họ phá vỡ kỷ lục suốt 4 năm liên tục; biên lợi nhuận trước thuế là một con số khổng lồ: 30,1%. Trong thư của Chủ tịch công ty gửi các cổ đông viết: “Sau vài năm tái cơ cấu và đầu tư kinh doanh, tất cả các thành phần đã liên kết với nhau để cấu thành một công ty cực kỳ hiệu quả với tiềm năng thành công rất lớn trong tương lai.”

Công ty đó là Merrill Lynch. Năm tiếp theo, họ thua lỗ 8,6 tỷ đô-la – “kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử của Merrill Lynch”, như vị chủ tịch (mới) thừa nhận. Năm 2008, Ngân hàng Hoa Kỳ đồng ý mua lại Merrill trong một thương vụ mua bán đau khổ và vào năm 2009, công ty ngừng hoạt động như một thực thể độc lập.

***

Năm 2010, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty dầu khí lớn gửi đi một báo cáo tài chính không thể đẹp hơn của công ty vào năm trước. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn và giá dầu giảm, lợi nhuận trên doanh thu của họ chỉ bị giảm một tỷ lệ nhỏ và công ty thực sự đã tăng cổ tức cho cổ đông thêm 2%. “Công ty chúng ta đã hồi sinh, giữ vững đà phát triển và hoạt động mạnh mẽ, mang lại kết quả tài chính tốt trong khi tiếp tục tập trung vào các hoạt động an toàn và đáng tin cậy,” ông đã viết thư cho các cổ đông vào ngày 26 tháng Hai năm đó như vậy.

Công ty dầu khí đó là BP. Chưa đầy hai tháng sau, giàn khoan Deepwater Horizon nổ tung, 11 người thiệt mạng và gây ra sự cố tràn dầu ngoài khơi lớn nhất trong lịch sử. Chi phí cuối cùng mà BP phải chịu – về tiền, uy tín và khả năng hoạt động của họ trên toàn thế giới – nhiều năm qua vẫn không thể ước tính hết được. BP tự ước tính chi phí trực tiếp vào khoảng 40 tỷ đô-la.

Những câu chuyện nghiệt ngã như vậy là bài học cảnh giác về những gì bạn có thể và không thể nhận thấy chỉ bằng cách rà soát tài chính của một công ty. Có thể thừa nhận rằng tài chính thật sự là tiếng nói của doanh nghiệp và nếu bạn không nắm bắt được nó, bạn sẽ gặp nhiều bất lợi trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào. Nhưng đừng phạm sai lầm: Các số liệu tài chính chỉ mô tả một phần nhỏ thực tế của một công ty và đôi khi chúng có thể dẫn dắt bạn đến những quyết định sai lầm.
 


Vì vậy, trong bài viết này chúng ta sẽ không nhìn vào những gì số liệu tài chính có thể nói, mà sẽ nhìn vào những điều chúng không nói. Bản thân số liệu có thể sai hoặc đánh lừa người xem. Chúng có thể không phản ánh một loạt các vấn đề trong tổ chức có ảnh hưởng đến thành công của công ty. Chúng có thể nắm bắt thực tế kinh doanh ngay đúng thời điểm hiện tại nhưng những thực tế đó lại sắp thay đổi do các sự kiện bên ngoài. Người quản lý khôn ngoan tất nhiên luôn phải chú ý đến các báo cáo tài chính, thước đo cuối cùng của hiệu quả công việc. Nhưng họ cũng phải để mắt đến tất cả các yếu tố bên ngoài hoặc yếu tố phi tài chính có thể xảy ra sau đó, xuất hiện lờ mờ hoặc hoàn toàn không được thể hiện qua các dữ liệu tài chính. Như chúng ta sẽ thấy, các yếu tố này sẽ lấp vào những chỗ trống trong bức tranh tổng quan về hoạt động của một công ty.

TRÒ ẢO THUẬT TÀI CHÍNH

Một hạn chế của các báo cáo tài chính là chúng có thể bị thay đổi, thao túng. Lý do thông thường là để làm cho mọi thứ có vẻ tốt đẹp hơn so với thực tế.

Việc thao túng các số liệu tài chính có thể xảy ra dưới hình thức gian lận trắng trợn. Công ty Parmalat (Ý) – một công ty khổng lồ trị giá nhiều tỷ đô-la trong ngành thực phẩm, hoạt động trên hàng chục quốc gia – bị vỡ nợ trong một vụ thanh toán trái phiếu vào tháng Mười một năm 2003. Vì hoảng sợ, các nhà kiểm toán và các ngân hàng cho vay bắt đầu rà soát sổ sách của công ty này, theo đó họ nhận thấy có vẻ như Parmalat đang có gần 5 tỷ đô-la trong tài khoản ở Ngân hàng Hoa Kỳ. Tuy nhiên vào tháng Mười hai, Ngân hàng Hoa Kỳ báo cáo không hề có tài khoản nào như vậy. Parmalat tuyên bố phá sản và một số giám đốc điều hành của họ bị kết án vì tội lừa đảo.

Thông thường, việc thao túng diễn ra một cách tinh tế hơn: Công ty chỉ cần thay đổi phương pháp kế toán của họ. Các kế toán viên có quyền tự do tùy chỉnh nhiều hạng mục trong báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán, cũng như được tự do áp dụng các thủ tục và những giả định khác nhau, miễn sao họ cho rằng những thay đổi đó là hợp lý và áp dụng chúng một cách nhất quán. Ví dụ, một công ty có thể thay đổi cách tính giá trị hàng tồn kho, hoặc số tiền dành riêng cho các khoản nợ xấu. Cả hai cách này đều sẽ gây ra một sự điều chỉnh – dương hoặc âm – đối với báo cáo thu nhập, làm cho kết quả kinh doanh trông có vẻ tốt hơn hoặc xấu đi. Công ty cũng có thể thay đổi lịch trình khấu hao của mình. Nếu họ có một đội xe tải hay máy bay và quyết định mỗi chiếc có giá trị sử dụng trong 12 năm thay vì 10 năm, khi đó họ sẽ trừ khấu hao ít hơn trên báo cáo kết quả kinh doanh. Thế là kết quả kinh doanh đột nhiên tăng thêm một số tiền tương ứng. Trên lý thuyết, bất kỳ một thủ tục hoặc giả định mới nào quan trọng đối với kết quả kinh doanh của công ty đều cần phải được ghi chú trong các báo cáo tài chính. Nhưng chính các kế toán viên mới là người quyết định liệu cách tính mới đó có quan trọng hay không.

Ranh giới giữa sự gian lận và việc thay đổi thủ tục hợp lý không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một công ty viễn thông từng gặp rắc rối khi phân loại một nhóm chi phí là chi phí vốn, trong khi tất cả các công ty khác trong ngành đều cho là chi phí hoạt động. Vì chỉ có một phần của chi phí vốn – khấu hao – được thể hiện trong báo cáo thu nhập nên lợi nhuận của công ty được cải thiện đáng kể. Một số người trong công ty tin rằng sự thay đổi đó là hợp lý. Sở Tư pháp không đồng ý, cho rằng đây là một “trò bịp kế toán” và quyết định đưa họ ra tòa.

Bài học ở đây là sẽ rất đáng giá nếu bạn hiểu được những giả định và thủ tục dùng để tính toán tài chính. Bản thân các báo cáo không phải lúc nào cũng nói lên sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì ngoài sự thật.

CHỈ LÀ MỘT PHẦN CỦA TRÒ CHƠI TÀI CHÍNH

Tuy ba loại báo cáo tài chính chủ yếu thể hiện khá nhiều, nhưng chúng không cho thấy tất cả về tình
hình tài chính của một công ty. Ví dụ, các tài sản như đất đai, nhà xưởng và trang thiết bị được ghi nhận theo nguyên giá trên bảng cân đối và được khấu hao tương ứng – nhưng không có chỗ nào trong bảng cân đối kế toán nói rằng chúng có thể trị giá bao nhiêu trên thị trường mở hôm nay cả (cuộc tranh luận không ngừng về việc hạch toán theo giá thị trường, trong đó các công ty sử dụng giá thị trường thực tế hoặc ước tính để đánh giá giá trị tài sản, chỉ áp dụng cho các tài sản tài chính). Merrill Lynch nắm giữ rất nhiều tài sản, chẳng hạn như các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Nhưng khi bong bóng nhà đất sụp đổ, giá trị của những tài sản đó trở nên kém hơn rất nhiều so với suy nghĩ của tất cả mọi người.

Có lẽ một thực tế tài chính quan trọng nhất mà ba loại báo cáo này không nói với bạn là giá trị tổng thể của một công ty là bao nhiêu. Dòng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán mà bạn tưởng là giá trị tổng thể nhưng thật ra không liên quan gì đến việc người mua phải trả bao nhiêu nếu muốn mua lại công ty đó.

Đối với các công ty cổ phần đại chúng, giá trị của toàn doanh nghiệp được gọi là giá trị vốn hóa thị trường. Trên lý thuyết, đây là số tiền một nhà đầu tư phải trả để mua tất cả các cổ phiếu. Để tính giá trị vốn hóa thị trường, bạn chỉ cần nhân giá cổ phiếu với tổng số cổ phiếu. Giá trị này thay đổi hằng ngày do giá cổ phiếu thay đổi lên xuống. Các biến động giá chỉ phụ thuộc một phần vào hiệu quả được phản ánh trong các báo cáo tài chính. Chúng còn phụ thuộc vào những gì đang xảy ra trên thị trường nói chung – nghĩa là các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua cổ phiếu của công ty đó đến mức độ nào. Cổ phiếu của General Electric từng nhảy vọt lên 60 đô-la trong giai đoạn bùng nổ dotcom vào đầu những năm 2000 và lao dốc xuống chỉ còn 6 đô-la trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên đó. Công ty này hoạt động hơi khác trong hai giai đoạn, nhưng khoảng cách về hiệu quả không quá lớn như chênh lệch giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa thị trường của công ty trong hai giai đoạn đó.

Tất nhiên, hiếm ai mua một công ty cổ phần đại chúng với mức giá xấp xỉ giá trị vốn hóa thị trường dù vào bất cứ thời điểm nào. Nếu một nhà đầu tư hay một công ty lớn thông báo ý định thâu tóm tất cả các cổ phiếu của một công ty nhỏ thì tự nhiên cổ phiếu của nó sẽ tăng giá trị. Đó là lý do tại sao những người mua tiềm năng thường phải trả một khoản phí bảo đảm cho giá trị cổ phiếu vào ngày công bố.

Giá trị của một công ty tư nhân khó xác định hơn. Một công ty công nghệ cao có thể trị giá hơn đáng kể so với giá trị sổ sách, hay vốn chủ sở hữu của nó, bởi vì người mua sẽ hy vọng có được những tài sản vô hình, chẳng hạn như chuyên môn kỹ thuật hoặc các tài sản trí tuệ. Cả hai loại tài sản này đều không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Trái lại, một công ty dịch vụ nhỏ như công ty tiếp thị hay nhà thầu hệ thống ống nước có thể có giá trị ít hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu. Các tài sản hữu hình của họ – máy tính, thiết bị điện thoại, xe cộ, hàng tồn kho – có thể chưa được khấu hao hết, nhưng giá trị của chúng có thể rất thấp trên thị trường mở. Với loại hình công ty này, giá trị thực sự nằm ở kinh nghiệm, chuyên môn và các mối liên lạc của chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, động cơ của người mua cũng là vấn đề. Một người mua có thể chỉ mua doanh nghiệp để lấy tài sản sẽ có khuynh hướng trả giá ít hơn một người muốn giữ cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Một dạng người mua gọi là người mua chiến lược – người cần mua lại công ty tư nhân để bổ sung phạm vi kinh doanh, công nghệ hay mở rộng địa bàn hoạt động – có thể sẽ trả giá cao nhất.

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan