5. Đừng mua cổ phiếu nữa. Hãy gửi tiền vào ngân hàng
Chỉ với khoảng 1.000 đô la, một công ty bảo hiểm sẽ đồng ý trả cho một thanh niên 35 tuổi, khỏe mạnh 1 triệu đô la nếu anh ta xui xẻo chết ngay trong năm tới. Theo các thống kê bảo hiểm, đây là thương vụ có lợi cho công ty bảo hiểm. Nhưng bạn có muốn đánh cược vào công ty bảo hiểm trong trường hợp này không? Có lẽ không. Lý do là không cần biết các kết quả thống kê ra sao, bạn không thể để mất 1 triệu đô la vì số tiền 1.000 đô la ít ỏi. Thế nhưng, bằng cách thu thập hàng nghìn hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm có thể tạo ra một tập hợp những rủi ro mà kết quả hoạt động của nó trùng khớp với số liệu thống kê. Chính vì thế, họ có thể làm ăn khấm nhá nhờ những trò cá cược mà bạn không thể làm nổi với tư cách là một cá nhân.
Trên thực tế, một rủi ro cụ thể, khi xem xét dưới góc độ riêng lẻ, sẽ không an toàn nhưng khi được đặt vào cả một danh mục đầu tư, thì mọi chuyện sẽ trở nên hoàn toàn khác. Vậy, nếu điều đó đúng và việc bạn rải vốn ra khắp nơi là khôn ngoan thì tại sao tôi lại cứ khuyên bạn chỉ mua một vài cổ phiếu thôi?
Có hai lý do như sau: Trước hết, với mỗi hợp đồng bảo hiểm, công ty có khả năng mất 1.000 đô la. Để có lãi, nó sẽ phải mất nhiều năm tìm kiếm hàng ngàn hợp đồng như thế. Thật may mắn, rủi ro của bạn khi đầu tư vào mỗi cổ phiếu chỉ giới hạn ở mức 1 đô la tiền lỗ trên 1 đô la tiền đầu tư. Như thế, bạn có thể chỉ đầu tư vào một số cổ phiếu mà vẫn không sợ bị coi là điên rồ. Nhưng tất cả mọi người lại khuyên nên có một danh mục đầu tư phong phú, vậy thì làm thế nào để thắng lợi nếu chỉ sở hữu một số ít cổ phiếu được chọn lọc kỹ càng?
Câu trả lời và cũng là lý do thứ hai giải thích vì sao danh mục đầu tư đa dạng không phải là phương thức thầnh kỳ tránh rủi ro như bạn vẫn nghĩ ngay từ khi mới đầu tư vào thị trường chứng khoán. Bạn nên nhớ rằng đối với nhiều người, đầu tư cổ phiếu chỉ chiếm một phần vốn của họ. Họ còn đầu tư tiền vào những nơi khác như ngân hàng, quỹ tiền tệ, nhà cửa, trái phiếu, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bất động sản v.v... Nếu bạn không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ thì kiểu đầu tư như thế với quy mô đa dạng hơn và hình thức khác nhau - sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu của bạn. Nói cách khác, đừng làm hỏng chiến lược đầu tư cổ phiếu hoàn hảo của mình bằng cách mua thêm nữa để rồi tất cả những gì thu được là một con số lợi nhuận tầm thường.
Thực tế, dù bạn mua bao nhiêu loại cổ phiếu chăng nữa, sẽ thật là liều lĩnh khi bạn đầu tư vào đó số tiền bạn cần trong hai, ba năm tới để chi trả những khoản thiết yếu (như tiền nhà, tiền ăn, tiền học..). Nên nhớ rằng, lợi nhuận thu được từ thị trường chứng khoán có thể có những biến động rất lớn ngay cả khi bạn đa dạng hóa danh mục đầu tư đến mức trên 9.000 cổ phiếu. Bạn đinh ninh rằng khi nào cần tiền, bạn chỉ cần bán chúng đi là xong, thế nhưng đó không phải là cách đầu tư hiệu quả.
Lý tưởng nhất là quyết định mua bán cổ phiếu của bạn nên dựa hoàn toàn trên những tính toán đầu tư. Sau khi cân nhắc, bạn có thể quyết định gửi số tiền đó vào ngân hàng, đầu tư vào những tài sản khác, hay thậm chí quyết định rằng đầu tư cổ phiếu chính là sự lựa chọn của bạn. Để lại một số tiền và không đầu tư tất cả số vốn mình có vào thị trường cổ phiếu cũng là một phương thức an toàn gần giống với phương thức đa dạng hóa danh mục đầu tư. Chỉ cần bạn chịu khó nghiên cứu, có chiến lược sở hữu một số cổ phiếu chọn lọc sẽ có tác dụng lớn hơn nhiều so với đầu tư cùng lúc vào nhiều cổ phiếu hoặc vào nhiều các quỹ đầu tư danh tiếng. Cho đến nay, chiến lược đầu tư chọn lọc có kết quả tốt hơn so với chiến lược đầu tư một danh mục gồm nhiều loại cổ phiếu nhưng mỗi loại đầu tư không nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xoay sở đủ để đảm bảo không phải bán cổ phiếu theo những biến động thị trường thì khác biệt nhỏ này kể như không có. Điều quan trọng là sau năm hay mười năm, bạn có thể thu lời và sống cuộc đời hưởng thụ. Trong suốt những năm đó, bạn có thể đầu tư vào hàng chục những cổ phiếu khác nhau (nhưng vào mỗi thời điểm nhất định thì chỉ có một số cổ phiếu được chọn lọc thôi) và nhờ đó, bạn có được sự đa dạng trong đầu tư và đạt được thành công tuyệt vời.
6. Hãy nhìn xuống dưới, đừng nhìn lên trên
Trong lĩnh vực đầu tư, có một quy luật bất di bất dịch và rất được đồng tình là rủi ro và lợi nhuận tỷ lệ thuận với nhau. Các nhà nghiên cứu đầu tư và các chuyên gia đều đồng ý rằng rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng nhiều và ngược lại. Nói tóm lại, không có chuyện ta thu được nhiều (lợi nhuận lớn) mà không mất gì cả (rủi ro cao). Nguyên tắc này cơ bản đến độ nó là nền tảng quyết định chiến lược đầu tư của cả giới học giả lẫn giới đầu tư chuyên nghiệp.
Dĩ nhiên, nếu cuộc thảo luận kết thúc ở đó, bạn có thể tiến hành ngay công việc với mức độ rủi ro như bạn muốn và nhận được những gì bạn đáng được hưởng. Trong một thế giới hoàn hảo, mối quan hệ rủi ro - lợi nhuận này có thể đúng. Nhưng rõ ràng, thứ bạn tìm kiếm là những cơ hội đầu tư, những cổ phiếu được định giá không đúng với giá trị thực của nó (chẳng hạn như những cổ phiếu hay các cơ hội đầu tư được các nhà nghiên cứu và những nhà đầu tư khác định giá quá sai lệch). Vì thế, bạn không nên áp dụng mối quan hệ bất di, bất dịch giữa rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mối quan hệ rủi ro - lợi nhuận không liên quan gì tới bạn. Thậm chí nó chính là khái niệm đầu tư quan trọng nhất. Vì thế, nên mới có chuyện lạ lùng là mỗi khi nghiên cứu về những rủi ro của một cổ phiếu bất kỳ, phần lớn các nhà nghiên cứu và đầu tư chuyên nghiệp đều dự đoán sai. Họ đoán sai vì cách họ tính tỷ lệ “rủi ro” trong phép tính rủi ro/lợi nhuận có quá nhiều sai lầm và quá lằng nhằng phức tạp.
Theo quan niệm chung, rủi ro được định nghĩa là rủi ro lợi nhuận thất thường. Trong giới chuyên môn, rủi ro được tính bằng chỉ số “beta” của một cổ phiếu - nghĩa là khả năng thay đổi giá của một cổ phiếu cụ thể nào đó so với toàn bộ thị trường. Trong thế giới hỗn loạn này, và thường nhầm giữa thay đổi lên và thay đổi xuống một cổ phiếu tăng giá mạnh sau một năm được coi là có độ rủi ro cao hơn so với một cổ phiếu giảm nhẹ trong cùng khoảng thời gian một năm.
Ngoài ra, việc lấy những biến động về giá trong quá khứ làm cơ sở đo độ rủi ro của một cổ phiếu có thể dẫn tới kết luận sai lầm về cổ phiếu đó. Trong cùng một quãng thời gian, một cổ phiếu sụt giá từ 30 xuống 10 được coi là rủi ro hơn một cổ phiếu sụt từ 12 xuống 10. Giờ đây, tuy cả hai cổ phiếu đều ở giá 10 đồng nhưng cổ phiếu nào sụt giá nhiều hơn (giảm giá nhiều nhất so với giá ban đầu) vẫn được coi là “rủi ro” hơn. Nhưng cũng có thể khả năng tiếp tục mất giá sẽ bị loại bỏ vì nó đã bị sụt giá nhiều lắm rồi. Sự thật là, ta không thể kết luận gì. Nhiều khi, ta chỉ dựa vào sự biến động giá của một cổ phiếu trong quá khứ.
Trên thực tế, mức biến động giá của cổ phiếu rõ ràng không thể là một dấu hiệu tốt cho biết tiềm năng lợi nhuận trong tương lai. Nó cũng không thể cho bạn biết một điều quan trọng hơn nhiều: Bạn sẽ mất bao nhiêu tiền?. Hãy cùng nhắc lại một lần nữa: Nó không thể cho bạn biết bạn sẽ mất bao nhiêu. Có phải khi nghĩ tới rủi ro, mọi người thường nghĩ đến nguy cơ thua lỗ không? So sánh nguy cơ thua lỗ trong một vụ đầu tư với tiềm năng lợi nhuận của nó là tất cả những gì bạn cần làm khi quyết định đầu tư.
Có lẽ, việc đánh giá lợi nhuận tiềm năng và nguy cơ thua lỗ của một chứng khoán cụ thể thường mang tính chủ quan. Vì thế, khi là một chuyên gia hay một học giả, sẽ dễ dàng hơn, nếu bạn sử dụng thuật ngữ biến động làm cụm từ thay thế cho rủi ro. Dù lý do khiến những người khác không đi những bước thường thấy của họ có là gì, nhiệm vụ của bạn vẫn là định lượng sự lên xuống, xê dịch của một cổ phiếu. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, và thường không mang lại kết quả chính xác.
Để giúp bạn đảm đương nhiệm vụ này, lại một lần nữa, chúng ta hãy xem xét ví dụ về bố mẹ vợ. Nếu họ tìm thấy một bức tranh có giá 5.000 đô la trong khi một bức tranh có giá trị tương đương của cùng họa sĩ đó vẽ vừa được bán đấu giá 10.000 đô la, ngay lập tức họ sẽ mua nó. Mức chênh lệch giữa 5.000 đô la giá bán của bức tranh và 10.000 đô la giá bán đấu giá chính là cái mà Benjamin Graham, cha đẻ của phân tích đầu tư chứng khoán, gọi là “biên độ an toàn”. Nếu những tính toán của bố mẹ vợ tôi đúng, thì biên độ an toàn của họ lớn đến mức hầu như họ không thể thua lỗ trong các vụ buôn bán mới. Nếu họ tính toán sai - bức tranh này không có giá trị tương đương với bức tranh vừa được bán gần đây, cái giá 10.000 đô la kia là sự nhầm lẫn, hay thị trường tranh nghệ thuật sụp đổ trong khoảng thời gian từ lúc bức tranh kia bắt đầu bán tới lúc họ đi mua tranh - tổn thất của họ sẽ được giảm thiểu nhờ vào biên độ an toàn xác định lúc đầu.
Như vậy, để có được một vụ đầu tư với tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận tốt, bạn phải hạn chế tối đa số lỗ bằng cách chọn những cổ phiếu có biên độ an toàn lớn. Do rất khó dự đoán mức độ rủi ro, cho nên chúng ta hãy đánh giá yếu tố lợi nhuận. Nếu bạn không bị lỗ thì mọi cơ hội đầu tư đều tốt. Khái niệm cơ bản này nghe có vẻ đơn giản, nhưng sẽ rất khó khăn nếu phải quy chuẩn nó bằng một công thức toán học rắc rối. Song, rủi ro lại không nhiều…
7. Không chỉ có duy nhất một con đường dẫn tới thành công
Có rất nhiều cách kiếm lợi khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Và rất nhiều người muốn tìm cách đạt được điều này. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người thành công. Họ là ai và họ đã làm như thế nào?
Trong phần trước, có cập đến một nhà đầu tư rất thành công, Benjamin Graham. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhà đầu tư qua những ấn phẩm và bài giảng của mình. Khái niệm “biên độ an toàn” có lẽ là đóng góp to lớn nhất của ông đối với ngành đầu tư. Để tính toán giá trị thực của một công ty, Graham thường dùng những thước đo rất khách quan như giá trị sổ sách của một cổ phiếu (tổng giá trị của công ty dựa trên báo cáo tài chính của nó) và tỷ lệ giá/lợi nhuận (nghĩa là giá của cổ phiếu so với lợi nhuận hàng năm của nó, hay còn gọi là chỉ số P/E). Lời khuyên mà ông đưa ra là bạn chỉ nên mua một cổ phiếu khi nó được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực.
Khi nghiên cứu thị trường, Graham nói, các bạn nên tưởng tượng rằng mình đang làm ăn với “Ngài Thị trường” và rằng, giá trị của một cố phiếu chỉ đơn thuần là cái giá phải trả nếu muốn sở hữu một số phần trăm nào đó của một công ty. Một ngày đẹp trời nào đó, Ngài Thị trường có thể dễ tính khác thường và niêm yết cổ phiếu của bạn với giá cao không tưởng. Nhưng rồi, đến một ngày khác, ngài bỗng trở nên sợ sệt và niêm yết một mức giá thấp vô lý. Chỉ khi thị trường đang ở những thái cực như thế, bạn mới nên tận dụng thời cơ và quan tâm xem nó có ý nghĩa gì. Còn nếu không, theo Graham, tốt nhất là bạn quên hãy thị trường đi và tập trung vào tình hình tài chính và hoạt động của công ty đó.
Dường như không phải ngẫu nhiên khi phần lớn những người thành công lâu dài trên thị trường chứng khoán (tất nhiên là số người này không nhiều), đều tuân thủ nguyên tắc “biên độ an toàn” và “Ngài Thị Trường” của Graham. Ngay cả khi một số người đưa ra phương pháp đánh giá tiềm năng chính xác hơn nhiều so với phương pháp của Graham thì nhiều khái niệm cơ bản đầu tiên của ông vẫn còn có giá trị. Những nghiên cứu gần đây (như nghiên cứu của Lakonishok, Scheifer và Vishny đăng trên Journal of Finance tháng 12 năm 1994) tiếp tục ủng hộ lý thuyết của ông khi ông cho rằng chỉ cần mua những cổ phiếu có giá thấp hơn giá trị danh nghĩa và lợi nhuận hàng năm của nó thôi cũng đủ bảo đảm cho bạn một thắng lợi lâu dài.
Theo những nghiên cứu này, phương pháp chọn lựa cổ phiếu dựa trên giá trị như của Graham sẽ mang lại kết quả vượt trội so với việc mua những cổ phiếu đang làm mưa, làm gió trên thị trường (những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất), những quỹ đầu tư được xếp hạng trên sàn chứng khoán hay phó thác vốn liếng cho các nhà quản lý quỹ đầu tư. Bạn có thể đạt được những kết quả đó mà không phải chịu ảnh hưởng nhiều khi có biến động giá. Điều này đúng với cả những công ty quy mô lớn và nhỏ.
Có thể lý giải cho điều này như sau: Những nhà đầu tư thường đánh giá quá cao triển vọng lâu dài của các công ty đạt được kết quả tốt trong thời gian gần đây. Cùng lúc đó, họ lại đánh giá thấp những công ty mà lợi nhuận không đúng với tiềm năng hoặc những công ty chưa có tiếng. Những thước đo khách quan như giá trị sổ sách và thu nhập trong các năm trước của một công ty có thể giúp người ta loại bỏ được yếu tố cảm tính khi dự đoán tương lai của nó. Mặc dù ra đời từ cách đây rất lâu, nhưng phương pháp của Graham vẫn được lưu giữ, nghiên cứu và cho đến nay, chúng vẫn mang lại thành công rực rỡ cho những ai áp dụng.
Tín đồ nhiệt huyết và trung thành nhất của Graham là Warren Buffett. Tuy là người tuyệt đối trung thành với đường lối đầu tư dựa trên biên độ an toàn và cách đánh giá tình hình theo “Ngài Thị trường”, Buffett vẫn có những đóng góp riêng vào phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư. Về cơ bản, Buffett khám phá ra rằng đầu tư vào những công ty kinh doanh tốt thực sự có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ chọn những công ty có giá cổ phiếu rẻ hơn giá thị trường về mặt thống kê thuần túy. Có thể bạn thấy đây chẳng phải là một phát kiến mới mẻ gì để trống chiêng ầm ĩ, nhưng chính thay đổi nhỏ này đã khiến Buffet không chỉ là học trò xuất sắc nhất của Graham mà còn là nhà đầu tư thành công nhất thế giới.
Buffet luôn cố gắng tập trung vào những công ty có khả năng quản lý tốt như những công ty có một hệ thống cửa hàng nhượng quyền thành công, thương hiệu mạnh hay thị phần lớn. Ngoài ra, ông còn tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà mình hiểu rõ, những ngành mang lại lợi nhuận cao và có sức cạnh tranh tốt. Với cách làm này, khi mua một số cổ phiếu với mức giá có vẻ rẻ hơn so với giá trị thực của một công ty, Buffett còn được lợi từ số giá trị tăng thêm về sau của nó. Phương pháp lựa chọn đầu tư dựa trên thống kê của Graham không có được lợi thế mới này. Thậm chí, theo Buffett, mua một công ty làm ăn kém hiệu quả rồi đến lúc, một rủi ro bất ngờ nào đó xảy ra, toàn bộ số lợi nhuận do mua rẻ lúc đầu cũng chẳng thể bù đắp được những thiệt hại sau đó.
Còn một cách đầu tư thành công nữa trên thị trường cổ phiếu. Tác giả của nó là một người được coi là nhà quản lý quỹ đầu tư vĩ đại nhất thế giới - Peter Lynch. Năm 1990, quỹ đầu tư Fidelity Magellan do ông quản lý đã đạt được con số lợi nhuận cao gấp 28 lần so với vốn ban đầu của nó trong năm 1977. Qua những cuốn sách, bài báo và những bài trả lời phỏng vấn của mình, Lynch bày tỏ niềm tin rằng những cá nhân chơi chứng khoán có thể làm tốt hơn các chuyên gia khi đầu tư vào những công ty và những ngành nghề mà họ am hiểu. Những cơ hội đầu tư mới luôn có ở khắp nơi. Lynch tin rằng chỉ cần bỏ ra công sức thích đáng để tìm hiểu và nghiên cứu thì những kinh nghiệm và quan sát thị trường hàng ngày sẽ giúp các nhà đầu tư bình thường có thể sở hữu một danh mục đầu tư cổ phiếu có lãi.
Tuy không sánh vai được cùng với quỹ của Lynch, nhưng quỹ The Beardstown Ladies cũng có một thời gian giành được những kết quả đầu tư khiến người khác ghen tị. Vũ khí bí mật của họ là tờ Value Line Investment Pulication, một ấn phẩm nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, có số liệu về khoảng 1700 công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Mỗi tuần, tờ báo này xếp hạng các cổ phiếu theo mức độ an toàn. Nhìn chung, những cổ phiếu được Value Line xếp hạng cao nhất (đứng thứ nhất hoặc thứ hai theo thang điểm 5) thường liên tiếp có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thị trường trong khoảng 30 năm. Value Line sử dụng những yếu tố như tốc độ tăng giá và thu nhập của một cổ phiếu, những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến giá cổ phiếu, và một số những biến số quan trọng khác làm tiêu chí đánh giá và xếp hạng cổ phiếu. Đã có thời, bảng xếp hạng cổ phiếu của Value Line cũng dựa trên đánh giá của các nhà phân tích. Song, nó đã bị bỏ qua từ lâu bởi nếu không dựa vào những đánh giá này, kết quả bảng xếp hạng sẽ chính xác hơn.
Việc này đã phần nào chỉ ra được những sai lầm của quỹ Beardstown Ladies. Để làm cơ sở phân tích, đánh giá, trước hết, họ sử dụng bảng xếp hạng của Value Line, rồi thêm một số thông số tự tính toán trên cơ sở những thông tin thu thập được. Rõ rang, sự thêm thắt này chính là nguyên nhân khiến bảng xếp hạng của họ thua xa bảng xếp hạng tự động của Value Line và thị trường nói chung.
Như vậy, có rất nhiều phương pháp đầu tư hiệu quả khác. Do đó, lúc này, xuất hiện một câu hỏi rất chính đáng là: Ý tưởng săn lùng những cổ phiếu đang thắng thế từ khắp hang cùng, ngõ hẻm của thị trường chứng khoán có gì không ổn so với những phương pháp chúng ta vừa bàn?
Tuy có vẻ hợp lý, nhưng câu hỏi này có thể khiến chúng ta bị nhầm lẫn. Lý do thật đơn giản: Bạn tìm kiếm những cổ phiếu ít ai để ý đầu tư không có nghĩa là bạn không thể hoặc không nên áp dụng một số bí quyết thắng lợi của những bậc lão làng như Graham, Buffet hay Lynch. Dĩ nhiên, một khi bạn đã bỏ công sức để tìm kiếm cho ra một hạng mục đầu tư ở nơi xa xôi, hẻo lánh, không ai ngó ngàng đến, thì hy vọng những gì bạn phải phân tích và phán đoán không mơ hồ hơn việc tìm hiểu xem có cái đe nào vừa rơi lên đầu bạn không. Lạy thánh Ala! Tuy đó là một mục tiêu đáng phấn đấu và có thể thực hiện được, song cuộc sống đâu phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy.