Làm sao để thoát bẫy chết người và khởi nghiệp thành công?

Ngày đăng: 06/07/2021 Viết bởi: Vũ Yến

Làm startup thì 10 người “chết” 9, vì thiếu kiến thức khởi nghiệp, thiếu vốn, không có nhân lực giỏi, sản phẩm thiếu tính đột phá hoặc chưa chỉn chu… Cuốn Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công sẽ dẫn đường bạn đi tìm ánh sáng.

Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, nhưng phải hỏi đúng người, học đúng chỗ, nhất là khi học hỏi để khởi nghiệp. 

Làm startup thì 10 người “chết” 9 vì vô số nguyên nhân, như thiếu kỹ năng khởi nghiệp, cạnh tranh gay gắt nguồn vốn tài trợ, khó tìm nhân lực chất lượng, sản phẩm thiếu tính đột phá hoặc chưa chỉn chu… 

Để tránh được những bẫy chết người này và có thể khởi nghiệp thành công, người sáng lập startup buộc phải học hỏi. Tìm đến những người “kiến (thức) đầy đầu” thì lại lo “lý thuyết thì xám xịt, cây đời mãi xanh tươi”, thậm chí nghi ngại “trăm voi không được bát nước xáo”. Biển kiến thức trên mạng thì mênh mông, mò sao cho trúng cẩm nang startup cần tìm vừa chính tông vừa cô đọng, không dài dòng lý thuyết mà áp dụng thực tiễn được ngay? Một trong những cách khả thi hơn cả là tìm đến cuốn bí kíp nêu được các yếu quyết bắt buộc phải khắc ghi và các động tác, hình ảnh minh họa dễ nhớ, dễ vận dụng.

Trong rất nhiều cuốn sách hướng dẫn khởi nghiệp, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” (NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Alpha Books phát hành năm 2021) nổi bật vì tính hệ thống và “thực chiến” của nó. Tác giả Lê Mỹ Nga là đại diện của một số tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài, lãnh đạo của một số dự án, công ty liên quan startup ở Việt Nam, giám khảo của các chương trình khởi nghiệp Techfest, Hult Prize, cố vấn của nhiều vườn ươm khởi nghiệp, đã cố vấn cho hàng trăm dự án và trực tiếp đầu tư vào một số startup công nghệ (y tế, y sinh học…). Vì thế, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” không chỉ làm rõ những khái niệm cơ bản nhất liên quan khởi nghiệp mà còn nhìn sâu kinh nghiệm thực tế, đưa ra các bài học hữu ích, không chỉ cho người muốn khởi nghiệp mà còn cho bất kỳ ai ham hiểu biết, nhất là về kinh tế, công nghệ, nhân lực.

Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” dày 226 trang, in màu với nhiều hình ảnh, đồ thị, bảng biểu bắt mắt. Quan trọng hơn, sách có phần lý thuyết cô đọng để bạn đọc thông thường như học sinh, sinh viên dễ dàng nắm bắt những vấn đề cốt lõi nhất trong quá trình khởi nghiệp, từ lên ý tưởng tới gọi vốn; trong khi phần thực tế sinh động giúp người muốn khởi nghiệp biết cách vượt khó khăn, thách thức để cây startup của mình thuộc top 10% xanh tươi lâu dài, chứ không phải rơi vào nhóm 90% héo rũ chết khô. 

Những vấn đề cốt lõi nhất trong quá trình khởi nghiệp được tác giả đề cập gồm có vai trò của ý tưởng khởi nghiệp, cố vấn khởi nghiệp (mentor), nhà đầu tư thiên thần (angel investor), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)… Và khác những văn bản dạng “lý thuyết xám xịt”, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến hiện thực” mổ xẻ các nghiên cứu tình huống (case study) và đưa ra nhiều lời khuyên thực chất, dễ vận dụng vào thực tế.

Thực tế cho thấy, nhiều người mơ hồ, hiểu sai về người dùng, dẫn tới tình trạng nhắm sai đối tượng nghiên cứu, xác định sai thị trường mục tiêu. Tác giả làm rõ khái niệm đo lường thị trường với 3 tiêu chí cụ thể là TAM (tổng thị trường khả dụng), SAM (thị trường có thể phân phối) và SOM (thị trường tự tin có được với khả năng hiện tại). Người khởi nghiệp cũng hay mất thời gian nghiên cứu, lập kế hoạch, triển khai ý tưởng. Tác giả phân tích mô hình kinh doanh Canvas với 4 vấn đề cơ bản của một doanh nghiệp, gồm khách hàng, giá trị của giải pháp mang lại cho các đối tượng mà dự án phục vụ, cơ sở vật chất cần thiết và khả năng tài chính.

Nhưng phần hấp dẫn hơn cả của “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” là những lời khuyên thiết thực cho từng vấn đề cụ thể trong quá trình khởi nghiệp từ đầu tới cuối. Ví dụ, “ý tưởng tốt nhất thường đến rất ngẫu nhiên từ nhiều lý do, nhất là lúc bạn thấy sự vận hành không hiệu quả từ thị trường, trong cách thức bán hàng, hay công nghệ đã không còn phù hợp cho nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng, trong đó có bạn”. Khi có ý tưởng rồi thì “việc đầu tiên là phải xác định được đúng nỗi đau thị trường và nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi thiết kế giải pháp giải quyết nỗi đau đó một cách hiệu quả, tránh tiền mất tật mang, mất thời gian và thậm chí cả tuổi thanh xuân cho một sản phẩm vô nghĩa”. Khi xác định thị trường, khách hàng tiềm năng thì “nên tập trung vào một vấn đề cụ thể và xây dựng giải pháp cho nó” vì “đây được xem là phương pháp tìm ra thị trường ngách, nơi tạo ra sự chuyên biệt để làm bàn đạp dẫn đầu thị trường. Sau đó bạn có thể phát triển sang những ngách lớn hơn khi cộng đồng khách hàng trung thành của bạn ngày càng nhiều, theo cách thức mà các siêu ứng dụng như Grab đang vận hành và phát triển”. 

Khi thuyết minh dự án trước các nhà đầu tư (khoảng 3-5 phút), cần có hồ sơ pitch deck cô đọng, súc tích mô tả được toàn bộ dự án từ vấn đề thị trường, giải pháp đến cách thức bán giải pháp ra thị trường và tăng trưởng, gói gọn trong khoảng 10 slide. “Tham khảo mẫu pitch deck với các nội dung cơ bản thực hiên trên phần mềm PowerPoint như sau: tên dự án, sứ mệnh, vấn đề thị trường, xác định pain point (nỗi đau): nỗi đau gì cần giải quyết, lý do gì dẫn đến nỗi đau, lý do giải pháp ra đời: vì sao giải pháp của bạn nên ra đời, cơ hội nào cho giải pháp, vì sao đây là thời điểm tung ra sản phẩm – giải thích các xu hướng vĩ mô (công nghệ mới, luật, mô hình kinh doanh) cho bạn cơ hội thành công trong khi những người khác đã thất bại…”. Để thuyết trình dự án (pitching) thành công, cần thực hiện đúng về thời gian và hình thức pitching và mang theo sản phẩm mẫu. “Hãy tham khảo cách mà Sonny Vu trình diễn bằng video chiếc xe đạp Superstrata Bike với công nghệ in 3D trong chương trình gọi vốn cộng đồng gần đây. Anh ấy đã cho thế giới chiêm ngưỡng từ hình dáng chiếc xe cho đến cách nó được tạo ra, vật liệu nhẹ như thế nào, khiến người xem ước ao nó được ra đời và sở hữu ngày, kể cả bản thân tôi. Trong giai đoạn hiện nay, có thể bạn không cần đầu tư quá mức vào giai đoạn thử nghiệm mà hãy tận dụng các công nghệ mới để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm. Các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp tạo ra những mô hình ảo hóa, những điều kiện mô phỏng và phân tích sâu dữ liệu để rút ra những bài học hữu ích về thị hiếu, thị trường và phản ứng của người dùng”… 

Khi xem xét rót vốn, điều thứ hai mà nhà đầu tư quan tâm là yếu tố công nghệ của giải pháp. Vậy, nên thực hiện các vòng gọi vốn như thế nào cho hiệu quả, tập trung vào đối tượng nhà đầu tư nào để mình có lợi nhất? Từ việc tham gia vào nhóm nhà đầu tư rộng lớn hơn đến tận hưởng các tùy chọn gây quỹ linh hoạt hơn, huy động vốn từ cộng đồng có một số lợi ích so với các phương pháp truyền thống. “Việc gọi vốn cộng đồng sẽ giúp startup có vốn thực hiện dự án mà không phải chịu sự kiểm soát của các cổ đông lớn; được cho là một cách gọi vốn thông minh, vừa kết hợp thăm dò thị trường, tìm kiếm những khách hàng trên toàn thế giới, vừa truyền thông quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình trước khi tung ra thị trường một cách nhanh chóng”…

Tuy nhiên, “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” cũng có một số hạn chế như thiếu những ý tưởng đột phá, nhiều đồ họa được trình bày bằng tiếng Anh, không có bản dịch tiếng Việt, lặp lại một số box thông tin, lỗi chính tả, in ấn (như “angel” bị biến thành “angle”)…

PGS.TS Nguyễn Đình Quân (Đại học Bách khoa TPHCM) nhận định: “Với nhiệt huyết và kinh nghiệm dày dạn của một cố vấn khởi nghiệp như tác giả Lê Mỹ Nga, mỗi một trang sách, câu chuyện đều ít nhiều là những bài học cho chúng ta… “Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” xứng đáng là một cuốn sách gối đầu giường cho những ai đang nung nấu ý định khởi nghiệp”.

 

Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.


 

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan