Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, công ty của bạn sẽ làm gì để sống sót và phục hồi? Còn nếu bạn là nhân viên, làm thế nào để không phải ra nhập đội quân thất nghiệp đông đảo ngoài kia? Bạn sẽ tìm thấy những câu trả lời xác đáng trong bộ 3 cuốn HBR ONPOINT mới nhất 2021.
Harvard Business Review (HBR) được gọi là những cuốn tạp chí dành cho những người ra quyết định. Khái niệm nghe thật mạnh mẽ và đầy uy quyền nhưng khi bắt tay vào hành động mới thấy nan giải vô cùng.
Cuối năm 2019, dịch Covid-19 xuất hiện khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, tại một số quốc gia, ảnh hưởng ban đầu của Covid-19 lên thị trường việc làm lớn gấp 10 lần so với những tháng đầu tiên của khủng hoảng tài chính 2008.
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, công ty của bạn sẽ làm gì để sống sót và phục hồi? Còn nếu bạn là nhân viên, làm thế nào để không phải ra nhập đội quân thất nghiệp đông đảo ngoài kia? “Nước xa không cứu được lửa gần” - hãy tự cứu mình trước khi trông chờ sự hỗ trợ của chính phủ, sự thuyên giảm của dịch bệnh, sự hồi phục chậm chạp của nền kinh tế…
Độc giả sẽ tìm thấy những câu trả lời xác đáng trong bộ 3 cuốn HBR ONPOINT mới nhất 2021 mang tựa đề “Đổi mới mô hình kinh doanh”, “Quản lý trong bối cảnh suy thoái”, “Quản lý rủi ro”. Các ấn phẩm này sẽ đưa ra phương pháp tiếp cận khách hàng mới, kiên trì vượt qua những thách thức kinh tế và tiếp tục phát triển ngay cả khi đối thủ cạnh tranh vấp ngã. Đồng thời, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định thông minh và mạnh mẽ mặc dù tương lai không rõ ràng, từ đó dẫn trước đối thủ bằng cách đổi mới mô hình kinh doanh. Đặc biệt, những bài viết được HBR tổng hợp và chọn lọc kỹ càng sẽ giúp các bạn hiểu vì sao nhiều doanh nghiệp đã đứng vững trong suy thoái, thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ như Amazon, Apple, Rohm and Haas…; việc sa thải nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng là cần thiết hay không?
“Trở thành một người sếp tuyệt vời không bao giờ dễ, ngay cả trong thời điểm kinh tế tốt”.
Nhưng…
Trở thành một nhà lãnh đạo trong thời kỳ hỗn loạn, mọi thứ đều tuột dốc không phanh còn có thể khiến bạn bị sang chấn tâm lý hay suy nhược thần kinh. Nếu hành động ngay lập tức đôi khi là dấu hiệu của sự phản ứng thái quá, nhưng nếu cân nhắc xem xét kỹ có khi bạn sẽ khiến doanh nghiệp của mình sa lầy.
Giữa cơn bão táp khi doanh nghiệp có nguy cơ “vỡ trận”, bộ phận đầu não vừa phải kiểm soát sự cấp bách của khủng hoảng để giữ sự an toàn cho mỗi thành viên, vừa đảm bảo tiếp tục kinh doanh, kết nối khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng. Song song với nó, bạn bắt buộc phải “ủ mưu” tìm cách dẫn dắt công ty vượt qua trở ngại trong bối cảnh các nhân viên gây áp lực liên tục, tài chính kiệt quệ. Đây là thời điểm ngập tràn nỗi sợ hãi và thất vọng nhưng người lãnh đạo phải giúp đội ngũ của mình kiểm soát sự hỗn loạn này bằng cách chia sẻ về những gì có thể đạt được và các nhiệm vụ cần thực thi ngay.
Và nếu bạn thực sự hoang mang khi chưa biết cách làm chủ tình huống này nhưng lại không được phép thể hiện sự “mềm yếu” trước cấp dưới, hãy mở cuốn sách đang cầm trên tay. Tôi tin rằng bạn sẽ tìm ra hướng thoát hiểm ngoạn mục nhờ những bài học thực tế sâu sắc được các tác giả trình bày khoa học và trọng tâm.
Khi nghiền ngẫm “Cách trở thành vị sếp tốt trong nền kinh tế xấu” được ghi chép khá cụ thể trong cuốn “Quản lý trong bối cảnh suy thoái”, mỗi nhà quản lý sẽ biết các nhân viên đang cần sếp của họ giải quyết sự thiếu hụt trong bốn lĩnh vực:
- Khả năng dự đoán: Cung cấp nhiều thông tin nhất có thể về những gì sắp xảy ra, nếu những “cú sốc” được báo trước bằng nhưng cảnh báo đúng đắn, nhân viên của bạn không chỉ có thời gian để củng cố bản thân mà còn có cơ hội để… “thở”
- Hiểu biết: Cần giải thích lý do tại sao những thay đổi bạn đang triển khai là cần thiết.
- Kiểm soát: Thực hiện một thử thách rắc rối và chia nó thành nhiều cơ hội “chiến thắng nhỏ”.Trong tình huống bạn không thể để mọi người can thiệp đến những gì xảy ra, ít nhất hãy cho họ biết rằng nó xảy ra thế nào.
Và điều cuối cùng là lòng trắc ẩn, hãy đặt mình vào vị trí của người khác, thể hiện sự đồng cảm và cả nỗi buồn cho bất kỳ hành động đau đớn nào buộc phải thực hiện.
Phần “Những chiến thuật đắc nhân tâm trong sa thải” của cuốn sách lấy dẫn chứng cụ thể về Nokia - công ty viễn thông Phần Lan và cuộc khủng hoảng tại nhà máy Bochum (Đức) khi sa thải 2.300 nhân viên: “Cơn giận dữ lan rộng. Một tuần sau, 15.000 người biểu tình tại Bochum… Các nghiệp đoàn kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Nokia. Báo chí tràn ngập hình ảnh các nhân viên đang khóc và những người biểu tình đang nghiền nát điện thoại Nokia”. Qua đó nêu bật những sai lầm và thành công khi doanh nghiệp thực hiện chiến lược thay đổi nhân lực theo quy trình hợp tình, hợp lý và những người rời đội ngũ có một bước “hạ cánh” nhẹ nhàng, ít tổn thương nhất.
Bằng những phân tích đầy tính thuyết phục của các chuyên gia hàng đầu thế giới, cuốn sách đã giúp chúng ta hiểu rằng sa thải không phải là cách duy nhất để cắt giảm chi phí lao động. Nếu không cẩn thận, chủ doanh nghiệp có thể cắt nhầm “mạch máu” khiến mọi cơ quan “tê liệt”. Nhà quản trị cần đủ bản lĩnh, quyết đoán và tính chuyên nghiệp cũng như khả năng huy động sức mạnh tập thể nhằm vươn lên trong một thế giới thay đổi từng ngày.
Ngoài ra, bộ ba cuốn sách quản trị HBR ONPOINT 2021 với chủ đề “Quản lý xuyên khủng hoảng” còn trang bị cho độc giả những kiến thức bổ ích về cách nắm bắt lợi thế trong suy thoái, cách phát hiện mối hiểm nguy nội tại, làm thế nào để ngăn chặn bê bối ở công ty và những chiêu vượt qua thách thức để thành công với dự án kinh doanh mới…
Trước đó, loạt ấn phẩm HBR On Point đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp, tư duy quản trị và nền kinh tế thế giới này là tiền đề để Series Tạp chí HBR On Point tiếp tục ra mắt độc giả Việt Nam các số tiếp theo trong năm 2021. Bộ sách được chia thành 4 chủ đề sẽ được lần lượt phát hành theo từng quý, chắc chắn đáp ứng được nhu cầu tìm đọc các ấn phẩm chất lượng, cập nhật xu hướng kinh tế thế giới cả về nội dung và hình thức của đông đảo độc giả Việt Nam.
Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.