Doanh thu - Vấn đề là ở việc ghi nhận

Ngày đăng: 04/06/2019 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Hẳn ai cũng quan tâm đến doanh thu − dòng trên cùng của báo cáo kết quả kinh doanh −  còn có một tên gọi khác là tổng thu nhập. Đến đây vẫn không có vấn đề gì: hai từ chỉ cùng một thứ cũng không phải là điều gì quá tệ, và chúng ta sẽ sử dụng cả hai, bởi chúng rất thông dụng. Nhưng hãy cẩn thận: một số doanh nghiệp(và nhiều cá nhân) còn gọi dòng đầu đó là “thu nhập”. Trên thực tế, phần mềm kế toán thông dụng Quick Books cũng dán nhãn cho dòng đó là thu nhập. Điều này thật sự khiến mọi thứ nhập nhằng, vì “thu nhập” vẫn thường có nghĩa là “lợi nhuận,” khoản mục nằm ở dòng kết quả kinh doanh dưới cùng. (Rõ ràng, chúng ta đang vấp phải một cuộc chiến khó khăn ở đây.

Doanh nghiệp có thể ghi nhận hoặc công nhận một khoản thu khi họ bàn giao sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng. Đây là nguyên tắc đơn giản. Nhưng như chúng tôi đã gợi ý từ trước, khi đưa vào thực hành, nguyên tắc ấy lập tức đưa đến những rắc rối phức tạp. Thực tế là vấn đề khi nào có thể ghi nhận một khoản doanh thu là một trong những khía cạnh đậm tính nghệ thuật của báo cáo kết quả kinh doanh. Đó là khía cạnh mà kế toán viên có quyền tự quyết đáng kể, và do đó cũng là khía cạnh mà nhà quản lý chắc chắn hiểu tường tận nhất. Bởi vậy, đó là khía cạnh mà những kỹ năng như một người sử dụng có hiểu biết tài chính của bạn sẽ trở nên đắc dụng. Nếu mọi thứ trông không ổn, hãy đặt câu hỏi − và nếu bạn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, đó có lẽ là lúc phải bận tâm. Ghi nhận doanh thu là đấu trường phổ biến cho các gian lận tài chính.

Định nghĩa Doanh thu:
Doanh thu (sales hay revenue) là giá trị tiền tệ của tất cả các sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng trong một giai đoạn nhất định.

NHỮNG CHỈ DẪN MÙ MỜ

Nguyên tắc được các kế toán viên sử dụng để ghi nhận hoặc công nhận doanh thu là doanh thu phải được tạo ra. Công ty sản xuất phải vận chuyển sản phẩm đến khách hàng. Công ty dịch vụ phải thực hiện công việc của mình. Điều này cũng hợp lý− nhưng bạn sẽ làm thế nào trong những tình huống sau?

  • Công ty của bạn chuyên tích hợp hệ thống cho các khách hàng lớn. Một dự án điển hình cần khoảng 6 tháng để thiết kế và được khách hàng phê duyệt, tiếp theo đó là 12 tháng thực hiện. Khách hàng không nhận được bất kỳ giá trị thực nào từ dự án cho đến khi hoàn tất. Vậy, khi nào bạn mới nhận được doanh thu mà dự án tạo ra?
  • Công ty của bạn bán hàng cho các đại lý. Với chính sách viết hóa đơn mà không giao hàng, bạn cho phép khách hàng mua sản phẩm(chẳng hạn, một mặt hàng rất được ưa chuộng cho dịp Giáng sinh) trước khi họ thực sự cần nó. Bạn giúp họ lưu kho và sẽ giao hàng ra sau đó. Vậy thì khi nào bạn sẽ nhận được doanh thu?
  • Bạn làm việc cho một công ty kiến trúc. Công ty của bạn giúp khách hàng lên kế hoạch thi công, thỏa thuận với các nhà chức trách xây dựng địa phương và giám sát quá trình thi công hoặc tái xây dựng. Tất cả các dịch vụ này đều được tính vào phí dịch vụ của công ty, khoản mục thường được tính dưới dạng phần trăm chi phí xây dựng. Làm thế nào bạn xác định được thời gian công ty nhận được doanh thu?

Chúng tôi không thể cho bạn đáp án chính xác cho những câu hỏi trên, vì phương pháp kế toán ở mỗi nơi mỗi khác. Nhưng đó chính là vấn đề: không hề có câu trả lời chắc chắn nào. Những công ty hoạt động theo mô hình dự án thường có các nguyên tắc cho phép ghi nhận một phần doanh thu khi dự án đạt đến một cột mốc nhất định. Song những nguyên tắc này có thể thay đổi. Con số “doanh thu” ở dòng trên cùng luôn phản ánh phán đoán của các kế toán viên về thời điểm ghi nhận doanh thu. Và ở đâu có phán đoán thì ở đó sẽ có chỗ cho tranh cãi − nếu không muốn nói là cho cả các thủ đoạn tài chính.
 


XÁC SUẤT DIỄN RA CÁC THỦ ĐOẠN TÀI CHÍNH

Trên thực tế, áp lực sử dụng các thủ đoạn tài chính có thể rất căng. Chẳng hạn, hãy cùng xem xét một công ty phần mềm. Và hãy giả sử rằng công ty này bán phần mềm kèm hợp đồng bảo trì và nâng cấp cho một giai đoạn 5 năm. Bởi vậy, công ty phải đưa ra các phán đoán về thời điểm ghi nhận doanh thu của giao dịch bán hàng.

Bây giờ, hãy giả sử công ty phần mềm này thật ra là một bộ phận của một tập đoàn lớn phải cung cấp các dự báo thu nhập cho Phố Wall. Các nhà tài chính của văn phòng công ty mẹ muốn Phố Wall vui lòng. Nhưng quý này trông như thể công ty mẹ có nguy cơ thiếu một vài xu so với con số thu nhập trên cổ phần ước tính. Nếu thật là thế, Phố Wall sẽ không hài lòng. Và khi Phố Wall không hài lòng, cổ phiếu của công ty sẽ chịu trận.

(Bạn có thể thấy nhân viên tài chính trong văn phòng công ty mẹ đang suy nghĩ). Đây là bộ phận phần mềm. Giả sử chúng ta thay đổi cách ghi nhận doanh thu của bộ phận này? Giả sử chúng ta ghi nhận trước 75% thay vì 50%? Có thể viện lý do rằng giao dịch bán hàng trong ngành này đòi hỏi nhiều công sức bước đầu, vì vậy ta nên ghi nhận chi phí và nỗ lực thực hiện giao dịch, cũng như chi phí cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Chỉ cần thay đổi – mà ở đây là ghi nhận thêm doanh thu, thế là thu nhập trên cổ phần sẽ lập tức được đẩy nhẹ lên mức mà Phố Wall mong muốn.

Điều thú vị là cách thay đổi như vậy không hề phạm pháp. Công ty có thể giải thích trong chú thích
của báo cáo tài chính, nhưng việc đó có khi cũng chẳng cần thiết.

Về nguyên tắc, bất kỳ một thay đổi kế toán nào “quan trọng” với kết quả kinh doanh đều phải được chú thích theo cách này. Nhưng ai mới được quyền quyết định cái nào quan trọng, cái nào không? Bạn đoán ra rồi đó: các kế toán viên. Thực tế là, việc ghi nhận trước 75% doanh thu có thể thể hiện bức tranh chính xác hơn hiện trạng của công ty phần mềm. Nhưng sự thay đổi như vậy về phương pháp kế toán có được là nhờ những phân tích tài chính hữu ích, hay nó phản ánh nhu cầu đưa ra dự báo lợi nhuận? Liệu có định kiến nào lẩn khuất đâu đây không? Hãy nhớ rằng, kếtoán là nghệ thuật sử dụng các dữ liệu hạn chế để tới gần nhất có thể với một mô tả chính xác về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh là ước tính, là tiên đoán tốt nhất.

Không chỉ các nhà đầu tư mới phải thận trọngvới định kiến; những quyết định như thế còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của nhà quản lý. Giả sử nếu bạn là giám đốc bán hàng, và bạn cùng đội ngũ nhân viên của mình đang tập trung vào con sốdoanh thu mỗi tháng. Bạn quản lý nhân viên dựa trên những con số này. Bạn trao đổi với họ về hiệu quả công việc. Bạn đưa ra quyết định tuyển dụng và sa thải, và bạn phát thưởng rồi công nhận, tất cả đều theo các con số này. Giờ, công ty của bạn làm đúng việc mà công ty phần mềm kia đã làm: thay đổi cách thức ghi nhận doanh thu nhằm thực hiện mục tiêu nào đó của tập đoàn. Bỗng nhiên mọi chuyện trông như thể nhân viên của bạn đang làm việc rất tốt! Có tiền thưởng cho tất cả! Nhưng hãy cẩn thận: nếu ghi nhận theo phương phá p cũ, con số doanh thu cơ sở có thể không tốt đến vậy. Nếu bạn không biết chính sách đã thay đổi và bạn bắt đầu tung ra các gói thưởng, tức là bạn đang trả thêm nhưng không cho một cải thiện thực tế nào. Trí tuệ tài chính trong trường hợp này có nghĩa là hiểu doanh thu được ghi nhận thế nào, phân tích các chênh lệch thực tế trong con số doanh thu, và quyết định thưởng (hoặc không) dựa trên những thay đổi thực sự trong hoạt động.

Chỉ xin nói một lời riêng thế này, nguồn gốc phổ biến nhất của các gian lận kế toán đã và có lẽ vẫn luôn là dòng trên cùng: doanh thu. Sunbeam, Cendant, Xerox và Rite Aid, tất cả đều chơi tiểu xảo với việc ghi nhận doanh thu theo những cách phải đặt dấu hỏi. Vấn đềnày đặc biệt gay gắt trong ngành công nghiệp phần mềm. Nhiều công ty phần mềm bán sản phẩm cho các nhà phân phối, trung gian đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các nhà sản xuất, thường phải chịu áp lực doanh thu, thường bị cám dỗ với việc giao những phần mềm chưa được đặt hàng cho các nhà phân phối vào cuối quý. (Biện pháp này được gọi là nhồi hàng vào kênh). Một công ty đã tìm được lối đi đúng đắn liên quan đến biện pháp này là Macromedia, công ty sáng tạo ra ứng dụng Internet Flash Player và nhiều sản phẩm khác. Khi việc nhồi hàng vào kênh trở thành vấn đềnghiêm trọng trong ngành, Macromedia đã tự nguyện trình báo các ước tính về hàng tồn kho hiện đang do nhà phân phối nắm giữ, qua đó cho thấy các kênh phân phối sản phẩm của công ty không phải được nhồi nhét khống. Thông điệp gửi tới các các cổ đông và nhân viên của công ty rất rõ ràng: Marcomedia sẽ không bị cuốn vào biện pháp ấy.

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan