Đã từng có thời gia tộc Vanderbilt là những người giàu có nhất nước Mỹ nhờ kinh doanh trong ngành đường sắt phát đạt, để rồi từ từ lụn bại chỉ trong vài thế hệ. Tiền của họ đã ra đi như thế nào?
Cornelius Vanderbilt (Ảnh: Wiki)
VANDERBILT TỪNG BƯỚC GÂY DỰNG ĐẾ CHẾ GIÀU NHẤT NƯỚC MỸ NHƯ THẾ NÀO?
Gia tộc Vanderbilt là những người giàu có nhất nước Mỹ nhờ kinh doanh trong ngành đường sắt phát đạt. Họ trở thành nỗi thèm muốn của bất cứ ai vì tài sản và lối sống “hoàng gia”. Nhưng rồi, chỉ sau 50 năm khi Cornelius Vanderbilt qua đời, chiếc “vương miện” tỏa sáng ấy dần dần không còn trong nền kinh tế của đất nước Hoa Kỳ hoa lệ.
Vào cuối thế kỷ 19, sau cuộc nội chiến đẫm máu (1861-1865), nước Mỹ nằm trên đống đổ nát và hoang tàn, đất nước bị suy sụp và kiệt quệ. Trong khi cả thế giới đang trong giai đoạn phong kiến thì nước Mỹ đi ngược lại với xu hướng này.
Vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington (1732-1799) quyết tâm đưa đất nước non trẻ đi theo con đường dân chủ, với danh hiệu Tổng thống, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm. Địa cầu nhìn vào Hoa Kỳ như một sự thất bại thảm hại mà không nhận thấy được rằng, ở tận cùng của nỗi đau thì cách duy nhất để vươn lên chính là chiến thắng số phận. Đó là mầm mống đầu tiên để mở ra một kỷ nguyên tươi sáng mới, một kỷ nguyên phát triển rạng rỡ của đất nước này.
Mầm mống đó nằm trong tay một người duy nhất không ai khác chính là Cornelius Vanderbilt.
Xuất phát trong một gia đình Hà Lan nhưng sinh ra trên đất Mỹ (Staten Island, New York), Cornelius Vanderbilt bỏ học năm 11 tuổi, làm việc trên phà của cha ở cảng New York. Năm 16 tuổi ông vay mẹ 100 đô la để mua chiếc thuyền đầu tiên. Và cũng bắt đầu từ đó, ông tham gia vào con đường kinh doanh với một viễn cảnh hoa lệ mà khi đó ông chưa tưởng tượng được.
Tới những năm 1830, Cornelius Vanderbilt đã xây dựng nên một đế chế vận chuyển bằng thuyền lớn nhất quốc gia, kinh doanh bằng cách hạ giá vận chuyển. Do vậy, đội tàu của ông luôn đông khách, lợi nhuận ít hơn đối thủ nhưng bù lại, lượng khách ngày càng đông, dần dà đông nhất khu vực. Ông thành công và lợi nhuận cũng trở nên nhiều nhất so với đối thủ cùng một lĩnh vực.
Thâu tóm và sát nhập, đó là cách làm ăn của vị doanh nhân tài năng này. Một là thứ ông muốn sẽ về tay hoặc là biến mất vĩnh viễn trên đời này. Khi cuộc nội chiến nổ ra, ông đã tặng con tàu lớn nhất trong đội của mình cho Hải quân liên minh. Cuộc nội chiến làm cho công việc kinh doanh không thuận lợi. Vanderbilt đi tìm một hướng đi mới, ông đã nghĩ đến đường sắt. Nhưng ý nghĩ thoảng qua ấy chưa kịp lưu lại cho người đàn ông tham vọng này một kế hoạch rõ ràng.
Cho đến khi bước vào tuổi 70 với khối tài sản lên tới gần 30 triệu đô la (khoảng gần 10 tỷ đô ngày nay), Vanderbilt đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử, bán tất cả để đầu tư vào đường sắt.
Chính cái quyết định động trời tới mức gàn dở đó lại là bước ngoặt để đưa Cornelius Vanderbilt trở thành một vĩ nhân trong tất cả những vĩ nhân của mọi thời đại. Một mình ông đã vực dậy đất nước sau những năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Không những vực dậy ông còn đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Ở tuổi 72 của cuộc đời, ông được tôn vinh là ông hoàng của ngành đường sắt. Kinh tế Mỹ cũng nhờ vậy mà bước vào một kỷ nguyên phát triển chưa từng thấy. Đây cũng là nguồn gốc của cuộc CMCN lần thứ hai.
Và rồi đường sắt cũng bão hòa, Vanderbilt để ý đến một ngành hàng đang có tiềm năng rất lớn là dầu lửa. Người ông nhắm tới trong kế hoạch sắp tới đó là John D. Rockefeller – khi đó đang đứng trên bờ vực phá sản. Hai người đã ký kết với nhau thỏa thuận độc quyền. Nhưng rồi những diễn biến tiếp theo của kinh doanh khi dầu lửa phát triển quá nhanh, mà ngành vận tải đường sắt của Vanderbilt không đáp ứng đủ, rồi sự ra đời của cách thức vận chuyển đường ống dưới lòng đất… Một cuộc khủng hoảng toàn diện và lớn nhất nước Mỹ từ khi khai sinh diễn ra khi các công ty đường sắt mất giá.
Giữa tình thế rối ren đó, Cornelius Vanderbilt qua đời, kết thúc một hành trình đầy thăng trầm, huy hoàng và truyền cảm hứng.
Cornelius Vanderbilt đã gây dựng được một đế chế khổng lồ và mang về cho gia đình của mình gia tài trị giá khoảng 100 triệu USD (tính theo giá hiện hành khoảng trên dưới 200 tỷ USD), tương đương lượng tài sản mà Bộ Tài chính Mỹ nắm giữ, thời điểm đó số tiền này còn nhiều hơn cả những gì có trong ngân khố.
Kế thừa cha mình William Henry Vanderbilt đã làm rất tốt và duy trì sự giàu có của mình cho đến khi chết. William thấm nhuần lời dạy của người cha tài năng: “Một tên ngốc cũng có thể làm ra nhiều tiền, nhưng chỉ có một người đàn ông thực sự có bộ não mới giữ được nó”.
“Một tên ngốc cũng có thể làm ra nhiều tiền, nhưng chỉ có một người đàn ông thực sự có bộ não mới giữ được nó”.
Sau khi thừa hưởng 95% tài sản của cha để lại, ông đã nhân đôi số tài sản này lên thành 200 triệu đô la chỉ sau 9 năm. Tính theo giá trị tương đương sau lạm phát thì số tài sản này khoảng 5 tỷ đô la vào năm 2017.
William Henry cũng là người giàu có nhất nước Mỹ cho tới khi qua đời vào năm 1885, một cái chết đột ngột. Sau đó, dòng họ Vanderbilt bắt đầu rơi vào vòng xoáy của suy thoái, không cách nào vươn lại thời hoàng kim được nữa. Sự lụn bại của một gia tộc danh giá nhất nước Mỹ thời điểm đó được Forbes gọi là “một hoàng gia bị mất vương miện”. Nhưng thực chất, nó không hề bị ai đó lấy đi, mà chính những thế hệ kế thừa đã “bán dần” trong sự tiêu xài hoang phí cùng những sai lầm trong đầu tư.
Sau sự ra đi đột ngột của William, những người thừa kế tài sản của dòng họ Vanderbilt bắt đầu phung phí số tài sản kếch xù có được. Họ theo đuổi một lối sống xa hoa mà những người tạo ra số tài sản đó không bao giờ dám nghĩ đến.
Chỉ trong 20 năm sau đó, không một ai trong gia đình Vanderbilt còn trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Những người còn sống trong dòng họ Vanderbilt đã tiêu hết một phần rất lớn tài sản của gia đình chỉ trong 1 thế hệ. Trong 4 thế hệ tiếp theo, gần như toàn bộ tài sản của gia đình đã bốc hơi.
Khi 120 người của dòng họ gặp nhau ở Đại học Vanderbilt vào năm 1973, không ai trong số họ là triệu phú.
VẬY HỌ ĐÃ TIÊU HẾT SỐ TIỀN KHỔNG LỒ ĐÓ BẰNG CÁCH NÀO?
Tiêu tiền theo cách không giống ai
- Ăn uống trên lưng ngựa
- Sở hữu 10 căn nhà trên đại lộ số 5 ở Manhattan, New York
- Mở một bữa tiệc tốn 5 triệu đô la
- Làm chìm một chiếc du thuyền và ngay lập tức đặt mua một chiếc to hơn để không làm vợ mình phiền lòng
Đây chỉ là một vài ví dụ về cách mà dòng họ Vanderbilt đã tiêu tiền. Trước nội chiến vào những năm 1860, cả nước Mỹ chỉ có chưa đầy 10 triệu phú thì đến năm 1892, đã có hơn 4000. Và dòng họ Vanderbilt là trung tâm của tất cả những thứ xa hoa trong giai đoạn này.
Nếu chỉ tiêu tiền bình thường thì khó mà hết được một lượng tài sản khổng lồ đến vậy, bạn cần phải tiêu tiền theo cách “không giống ai.”
Bán tài sản sai thời điểm
Con cháu của dòng họ Vanderbilt đáng lẽ cũng không nghèo đến thế nếu họ không liên tục mắc sai lầm khi bán các tài sản cố định.
Ví dụ rõ ràng nhất là ngôi nhà cẩm thạch ở Newport, Rhode Island. Ngôi nhà được xây với chi phí 11 triệu đô la vào năm 1892 (tương đương 300 triệu đô la năm 2017). Trong cơn bão của cuộc đại khủng hoảng, ngôi nhà cẩm thạch được bán với giá 100.000 đô la, chưa đầy 1% giá trị.
Bộ sưu tập 183 bức tranh mà William mua với giá hơn 2 triệu đô la, “bộ sưu tập tranh nước ngoài đáng giá nhất có thể mua được bằng tiền”, được bán đi vào buổi đấu giá tối ngày 18/4/1945 với giá chỉ hơn 323 nghìn đô-la.
Khi bạn không có các dự trữ để thanh khoản và bạn không thể dừng tiêu, bạn sẽ bị buộc phải bán tài sản ở giá đáy khi bị thúc ép chi trả.
Không mua các tài sản sinh lợi tức
Đây có lẽ là điều khác biệt lớn nhất giữa dòng họ Vanderbilt với các dòng họ đã trụ được qua thời kỳ Đại Khủng Hoảng như Rockefeller, Ford và Dupont… Trong suốt quá trình sụp đổ từ đỉnh cao, người ta không tìm thấy bất cứ ghi nhận nào về việc người trong gia đình Vanderbilt mua tài sản sinh lợi tức.
Mặc dù các thành viên trong gia đình Vanderbilt sở hữu một phần lớn đế chế đường sắt, họ chưa bao giờ đa dạng hóa tài sản của mình. Sau những năm 1920, đường sắt bắt đầu mất chỗ cho xe tải, xe bus và máy bay. Các thành viên gia đình Vanderbilt đã bị buộc phải bán hầu hết cổ phần của mình, vốn cũng không còn nhiều giá trị, vào những năm 1950.
Gia đình Vanderbilt đã có rất nhiều cơ hội để mua các tài sản sinh lợi tức khác nhau nhưng họ đã không làm mà chỉ nhìn tài sản của mình vơi dần.
Mất ý chí
Sau khi William Henry qua đời vào năm 1885, ông để lại tài sản ở công ty đường sắt cho hai người con (ông có tổng cộng 9 người con). Tuy nhiên, kể từ đời con của William Henry (tức đời thứ 3), các thành viên của gia đình Vanderbilt quan tâm đến việc duy trì hình ảnh giàu có hơn là việc kinh doanh.
Con trai thứ hai, William Kissam Vanderbilt đã nghỉ hưu sớm để tập trung vào thú vui du thuyền và nuôi ngựa. Chính William Kissam đã nói “Sự giàu có được thừa hưởng là một chướng ngại cho hạnh phúc. Nó làm cho tôi không còn cảm thấy hi vọng hay muốn cố gắng hơn vì bất cứ điều gì.”
William Kissam là đại diện cho những người trong dòng họ Vanderbilt, không còn muốn tạo ra tài sản mà chỉ muốn tiêu đi hoặc làm từ thiện. William Kissam chính là người đã chi 1 triệu đô la để xây các chung cư rẻ tiền cho người lao động ở New York, hàng trăm ngàn đô la cho đại học Columbia, quỹ YMCA, bệnh viện Vanderbilt và Đại học Vanderbilt.
Bài học về tài chính cá nhân
Mặc dù dòng họ Vanderbilt không còn giữ được vị trí trong danh sách những gia đình giàu có nhất nước Mỹ, cái tên của họ vẫn còn được người ta nhớ đến thông qua đại học Vanderbilt ở Nashville và đại lộ Vanderbilt ở Manhattan, New York. Câu chuyện về sự suy vong của họ cũng sẽ mãi là một bài học lớn về tài chính cá nhân cho rất nhiều người.
- Bất kể bạn có nhiều tài sản đến đâu, nếu bạn tiêu nhiều tiền hơn mức thu vào, tài sản của bạn nhất định sẽ bị giảm đi theo thời gian.
- Cho dù bạn có tài sản có giá, nếu bạn không có thanh khoản, bạn sẽ phải bán tài sản giá rẻ bèo vào những thời điểm tồi tệ.
- Không có một nguồn đầu tư nào là mãi mãi sinh lời, thay vì tiêu tiền lời, hãy đa dạng hóa các khoản đầu tư.
Duy trì cách suy nghĩ tích cực về cuộc sống khi sở hữu tài sản sẽ giúp cả ý chí và tài sản của bạn không bị bào mòn.
Khám phá đế chế hùng mạnh bậc nhất nước Mỹ qua cuốn sách “Tài phiệt đầu tiên nước Mỹ Vanderbilt”
Tự Minh tổng hợp - Trí Thức Trẻ