Việc làm chủ tư duy, kỹ năng để nắm bắt tâm lý là chìa khóa thành công. Tâm lý cũng là đề tài chuyên môn của nhiều tác giả với những quyển bestseller về tâm lý học nổi tiếng. Không chỉ cung cấp cho người đọc những thủ thuật để nắm bắt tâm lý người khác, 10 cuốn sách đưới đây còn giúp bạn trong nhanh nhạy trong giao tiếp, bồi dưỡng kĩ năng lãnh đạo và hình thành góc nhìn tổng quan hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống.
Sức Mạnh Của Thói Quen – Charles Duhigg
Về cơ bản, người lớn và trẻ em không khác nhau là mấy. Bởi hầu hết những hành động hàng ngày của chúng ta đều là sản phẩm của thói quen vô thức.
Thế nhưng không phải cá nhân, tổ chức nào cũng có được thành công. Đó là vì mỗi người có những thói quen riêng. Vậy thói quen nào mới giúp bạn thành công? Trong cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”, Charles Duhigg sẽ giải đáp thắc mắc ấy.
Chìa khoá quan trọng nhất để mở cánh cửa thành công chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn những thói quen tốt với nhau. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu? Thói quen có nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không? Với ba phần khá đầy đặn,“Sức mạnh của thói quen” cho bạn cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen cá nhân, của tổ chức mà còn là của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó.
Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tuỳ hứng hàng ngày – câu “thần chú” này chỉ đường cho bạn tới thành công.
Những đòn tâm lý trong thuyết phục - Robert Cialdini
Tại sao một số người lại có sức thuyết phục đến mê hoặc và luôn là người làm chủ Trò chơi Thuyết phục?
Đâu là những động lực vô hình đằng sau thứ sức mạnh thôi thúc chúng ta đồng thuận với người khác?
Những thủ thuật được các bậc thầy thuyết phục sử dụng tài tình là gì, làm thế nào đánh bại các thủ thuật đó - đồng thời biến chúng thành "vũ khí bí mật" của chính bạn?
Với Những đòn tâm lý trong thuyết phục, bạn sẽ có lời giải đáp cho tất cả những câu hỏi ấy. Trong cuốn sách tuyệt vời này, nhà tâm lý học nổi tiếng Robert B. Cialdini tiết lộ 6 "vũ khí" gây ảnh hưởng đầy uy lực: cam kết và nhất quán, khan hiếm, đáp trả, bằng chứng xã hội, uy quyền và thiện cảm. Mỗi loại lại bị chi phối bởi một nguyên tắc tâm lý cơ bản điều khiển hành vi con người và nhờ đó mà tạo nên sức mạnh cho mỗi thủ thuật. Đặc biệt khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn.
Tư Duy Nhanh Và Chậm – Kahneman
Bạn nghĩ rằng bạn tư duy nhanh, hay chậm? Bạn tư duy và suy nghĩ theo lối “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề. Thinking fast and slow sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn.
Cuốn sách đặc biệt đã dành được vô số giải thưởng danh giá: Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia năm 2012, được tạp chí The New York Times bình chọn là sách hay nhất năm 2011, một trong những cuốn sách kinh tế xuất sắc năm 2011, chiến thắng giải thưởng cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Algeles. Thinking fast and slow đáp ứng hai tiêu chí của một cuốn sách hay, thứ nhất nó thách thức quan điểm của người đọc, thứ hai, nó không phải là những trang sách với những con chữ khô cứng mà nó vô cùng vui nhộn và hấp dẫn. Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn sách hàn lâm dành cho tất cả mọi người!
Điểm Bùng Phát - Malcolm Gladwell
Điểm bùng phát là một khoảnh khắc kỳ ảo, khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua ngưỡng nhất định - bùng phát và lan ra như ngọn lửa hoang dã. Giống như chỉ một người bị ốm cũng có thể làm khởi phát cả dịch cúm, một mục tiêu nhỏ bé nhưng chính xác hoàn toàn cũng có thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy một xu hướng thời trang, nhân rộng việc tiêu thụ của sản phẩm, hay làm hạ tỷ lệ phạm tội.
Trong cuốn sách được độc giả chào đón nồng nhiệt này, Malcolm Gladwell đã khám phá và khai mở cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng “điểm bùng phát”, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tất cả mọi người trên khắp thế giới về việc tiêu thụ các sản phẩm và phổ biến các ý tưởng.
Tâm Lý Học Đám Đông – Gustave Le Bon
Gustave Le Bon (1841 - 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời.
Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, những ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.
Phi lý trí – Dan Ariely
Bạn sẵn sàng rút 2 nghìn đồng cho một người ăn mày nghèo khổ trên đường. Nhưng cũng chính bạn lại cò kè từng 2 nghìn bạc với bà đồng nát khi bán mớ báo cũ trong nhà.
Bạn cảm thấy một món ăn ngon hơn khi có người khác bỗng khen rằng ngon đấy (cho dù có khi món ăn đó cũng không ngon đến vậy). Bạn cảm thấy mình nhỏ bé hơn, khúm núm hơn khi có dịp nói chuyện với một người nổi tiếng cho dù có khi anh ta cũng chẳng hơn gì bạn xét về cả hình thức lẫn trí tuệ.
Trí tuệ xúc cảm – Daniel Goleman
Đôi khi chúng ta đã đồng nhất trí tuệ với chỉ số IQ. Đó là cách hiểu phiến diện bởi chúng ta chỉ chú trọng tới trí tuệ lí trí mà quên mất rằng các xúc cảm cũng là một dạng trí tuệ vô cùng quan trọng để con người mang đầy đủ tính người cũng như có thể thành đạt trong cuộc sống.
Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, ở nhiều nước phương Tây, người ta nói nhiều tới các xúc cảm của con người và sự giáo dục xúc cảm cho mọi người, đặc biệt là các lớp trẻ. Các nhà tâm lí học ngày càng đánh giá cao vai trò của cảm xúc và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người. Nghệ thuật kiểm soát cảm xúc và định hướng cho nó một cách đúng đắn được gọi là “Trí tuệ xúc cảm”.
Chúng ta quyết định thế nào - Jonah Lehrer
Chúng ta luôn phải đưa ra quyết định cho những công việc hằng ngày, từ bình thường nhất cho đến hệ trọng nhất. Vậy, liệu bạn đã biết các quyết định của mình được não bộ định đoạt như thế nào chăng ?
Thông qua các ví dụ thực tế điển hình trong việc ra những quyết định, Chúng Ta Quyết Định Như Thế Nào? (nguyên tác: How We Decide) mang đến cho bạn những hiểu biết về cách hoạt động bên trong não bộ khi đưa ra một quyết định. Bạn sẽ khám phá ra rằng chính cảm xúc – chứ không phải lý trí – mới là nhân tố giúp chúng ta quyết định một cách sáng suốt.
Tâm lý học thành công - Carol S. Dweck
Không chỉ khả năng và tài trí mới mang lại thành công cho chúng ta, mà phần lớn do cách tiếp cận mục tiêu bằng lối tư duy nào. Việc tán dương trí thông minh và khả năng của con bạn không hề nuôi dưỡng lòng tự trọng và dẫn đến thành tựu, mà thậm chí còn phương hại đến thành công sau này.
Với tư duy đứng đắn, chúng ta có thể tạo động lực cho con cái và giúp chúng phát triển trong trường học, cũng như đạt được mục tiêu của bản thân trong cuộc sống và sự nghiệp. Dweck đã giúp tất cả các bậc cha mẹ, giáo viên, CEO và vận động viên thấy một ý tưởng đơn giản về não bộ có thể tạo ra tình yêu học tập và sự kiên trì – cơ sở cho những thành tựu vĩ đại ở mọi lĩnh vực.
Động lực chèo lái hành vi – Daniel H. Pink
Hãy quên đi những thứ mà bạn cho rằng mình hoàn toàn thấu hiểu về cách thức tạo động lực thúc đẩy con người trong công việc, học tập hay tại chính gia đình. Chúng ta đều sai hết cả. Trong cuốn sách Động Lực Chèo Lái Hành Vi, Daniel H. Pink đã trình bày những sự thật gây choáng váng.
Dựa trên những nghiên cứu về động lực thúc đẩy con người được thực hiện trong bốn thập kỷ qua, Pink đã chỉ ra những khác biệt giữa lý thuyết với thực tế - cũng như tác động của chúng ta tới cuộc sống của chúng ta. Ông đã chứng minh rằng, mặc dù đã làm mưa làm gió suốt thế kỷ XX, phương pháp cũ rích Củ cà rốt và cây gậy không còn phù hợp để thúc đẩy mọi người vượt qua những thử thách trong thời đại ngày nay.
Tổng hợp