Ra mắt sách "Chuyện của chúng tôi": Ghi chép về một thời để nhớ

Ngày đăng: 07/01/2023 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Nguồn: Báo Đầu Tư

Ra mắt sách "Chuyện của chúng tôi": Ghi chép về một thời để nhớ

Cuốn sách "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" của tác giả Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa người đọc về những miền ký ức cách đây nửa thế kỷ với bao buồn, vui, được kể lại một cách chân thật, giản dị, cởi mở, dưới góc nhìn tỉnh táo, bao dung và sự đúc kết nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía của chính tác giả.

“Bạn bè Facebook đã thôi thúc tôi viết sách”

Chiều 22/12/2022, Báo Đầu tư tổ chức Lễ ra mắt sách "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" của tác giả Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Tác giả Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về "đứa con tinh thần" của mình. (Ảnh: Đức Thanh)

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, cuốn sách "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" của tác giả Võ Hồng Phúc có 7 chương, nhưng cơ bản chia thành hai mảng nội dung lớn. Một là, những ghi chép về chuyện đời, những ký ức chân thực từ tuổi thơ đến nay; Hai là, những câu chuyện nghề, những bước trưởng thành cùng quá trình hội nhập, phát triển của đất nước.

Chia sẻ về sự ra đời cuốn sách, chính tác giả Võ Hồng Phúc thừa nhận rằng: “Tôi không nghĩ vào cuối đời mình, khi đã ngấp nghé tuổi 80 lại viết chuyện, viết sách”. 

Ông Võ Hồng Phúc sinh ngày 19/10/1945, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một chính khách của Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII.

Tác giả cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông thường kể lại những chuyện vui, buồn, chuyện chính sự, chuyện đời thường,…cho bạn bè nghe. Nhiều người khuyên ông viết ra cho thế hệ sau. Nấn ná mãi, đến tận tháng 6/2021, đại dịch Covid-19 hoành hành, rảnh rang ở nhà, thời tiết oi bức làm ông nhớ đến hai câu chuyện khi đi tiếp xúc cử tri ở Lào Cai hàng chục năm trước, cái nắng cũng gay gắt như thế. Đó là những câu chuyện đầu tiên của cuốn sách này. 

Rồi tháng 8/2021, vào dịp lễ Vu Lan, đại dịch Covid-19 căng thẳng, Hà Nội phong tỏa khắp nơi. Đường phố vắng lặng, ngày cũng như đêm. Đường ven Hồ Tây lên Yên Thái xuống Trấn Vũ không một bóng người. Không gian tĩnh lặng. Đêm xuống, nghe rõ tiếng chuông từ phủ Tây Hồ, từ chùa Trấn Quốc, từ đền Trấn Vũ vọng về. 

Tiếng chuông như khơi dậy miền ký ức trong ông. Nhớ về những chuyện của ngày xưa, ông đã viết lại vài câu chuyện cũ khác đưa lên Facebook. Bạn bè xa gần đọc khen hay. Rất nhiều người thích, bình luận và nói ông viết nữa đi. Bởi đó không chỉ là chuyện của riêng ông, mà là chuyện của họ, chuyện về một thời, chuyện của một đời người. 

“Tôi nhớ tất cả những câu chuyện, hình ảnh từ ngày xửa ngày xưa, hình ảnh của người thân trong gia đình, trong dòng họ, trong làng, bạn học thuở thiếu thời, rồi những người từng làm việc cùng tôi, cả người ở trong nước và ngoài nước, cả người đang sống và người đã mất… Tất cả hiện về với những kỷ niệm xa, gần”, tác giả Võ Hồng Phúc chia sẻ.

Khi viết được khoảng 40 bài, nhiều bạn bè khuyên tác giả nên sắp xếp lại, in thành cuốn sách. Cuối cùng, ông lấy tựa đề “Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ”.

“Cuốn sách không phải là chuyện của riêng tôi mà là chuyện của cả gia đình tôi, dòng họ tôi, làng quê tôi, lớp học của tôi, cơ quan của tôi, cả của cả những người bạn trong nước và nước ngoài mà tôi đã từng gặp, từng làm việc cùng, ở những nơi mà tôi đã đến và chưa đến”, tác giả bộc bạch.

Tác giả Võ Hồng Phúc gửi lời cảm ơn đến bạn bè Facebook đã ủng hộ, động viên ông viết và hoàn thiện tác phẩm này. 

Tác giả Võ Hồng Phúc ký tặng sách. (Ảnh: Đức Thanh)

Sẽ xuất bản phiên bản tiếng Nhật vào tháng 9/2023

Cuốn sách "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" của tác giả Võ Hồng Phúc đề cập nhiều đến quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật bản, nhất là Dự án Ishikawa và ODA từ Nhật Bản để hỗ trợ quá trình cải cách và phát triển Việt Nam nên đã được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).

Ông Kinoshita, Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam, đơn vị dịch, độc quyền in ấn và phát hành tại Nhật Bản cho biết: Lần đầu tiên tôi gặp nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là vào năm 2006 khi Nissho Iwai, tiền thân của công ty Sojitz, nơi tôi đang làm việc, được Chính phủ Việt Nam trao tặng “Huân chương Hữu nghị”, khi đó người trao tặng huân chương là ông Phúc, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư. Khi đó tôi thấy ông ấy có tác phong rất cương nghị, tôi đã rất ngưỡng mộ ông, và thầm cảm thấy có một mối lương duyên nào đó với ông. 13 năm sau, tôi đến Hà Nội làm việc và được gặp lại ông Phúc, tôi cảm thấy cảm nhận khi đó của tôi đã thành hiện thực. Như là định mệnh, tôi đã có cơ hội được học hỏi rất nhiều từ ông Phúc.

Ông Kinoshita cũng cho hay, khi nói chuyện với nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, ông có một ấn tượng rất sâu sắc là ông Phúc có một trí nhớ tuyệt vời hiếm có. Ông Phúc không chỉ nhớ tên, tính cách và thậm chí cả thói quen của các thời Đại sứ Nhật Bản cho đến Giám đốc điều hành rồi nhân viên của Nissho Iwai. 

“Tôi cũng biết ông hay đăng các câu chuyện trước đây lên Facebook. Có lần tôi cũng hỏi ông Phúc có muốn viết hồi ký không. Vì năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi cũng có chia sẻ rằng việc ghi lại lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam mà ông Phúc ghi nhớ trong những năm đó sẽ rất có ý nghĩa”, ông Kinoshita nói và cho biết, ông Phúc đã không phản đối về đề xuất này. Sau đó tôi hứa rằng Sojitz sẽ hỗ trợ xuất bản tiếng Nhật nếu cuốn sách của ông xuất bản tiếng Việt. Vì vậy, ông Phúc đã nói “tôi sẽ thử viết”. 

Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam cho hay, bà Haruka đã dịch cuốn sách sang tiếng Nhật, công việc dịch đã gần như hoàn thành và Sojitz dự kiến sẽ xuất bản sách bản tiếng Nhật ở Nhật Bản vào tháng 9 năm tới.

Ông Kinoshita bật mí thêm, viết lời bình cho cuốn sách tiếng Nhật của tác giả Võ Hồng Phúc có ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Tsutomu Takebe nguyên Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp; ông Norio Hattori, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và ông Moto Furuta, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nam Nhật Bản. Liên quan đến việc viết lời bình, ông Phúc đã đến Nhật Bản và dùng bữa và nói chuyện hàn huyên rất lâu với nguyên Bộ trưởng Takebe, nguyên Đại sứ Hattori. 

““Chuyện của chúng tôi” là cuốn sách mang tính "hồi ký" của ông Võ Hồng Phúc viết từ thời thơ ấu đến những năm 2010 khi ông về hưu với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư. Cuốn sách tập trung vào kể những trải nghệm và ký ức của cá nhân, kể về gia đình, họ hàng, quê hương, trường học, bạn bè trong nước và nước ngoài, kể về lịch sử của Việt Nam cận hiện đại từ góc nhìn của cá nhân ông.

Tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ đón nhận cuốn sách này, nhìn lại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và cùng suy nghĩ xem 50 năm tiếp theo sẽ nên như thế nào”, ông Kinoshita bày tỏ.

Lối kể chuyện cuốn hút, khiến người đọc hồi hộp, tò mò, đọc mãi, đọc mãi…

Quen tác giả từ đầu những năm 1980, khi ông Võ Hồng Phúc còn là Vụ phó Vụ Công nghiệp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này đổi thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho biết, hiếm có cuốn sách nào mang lại cho bà những cảm xúc đặc biệt như "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ". 

 

“Cuốn sách đã đưa tôi về những miền ký ức từ cách đây cả nửa thế kỷ với bao buồn vui, giúp tôi hồi tưởng, chiêm nghiệm lại biết bao điều đã xảy ra, nay được kể lại một cách chân thật, giản dị, cởi mở, dưới cái nhìn hết sức tỉnh táo, bao dung, và với những đúc kết nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía của tác giả”, bà Lan bày tỏ.

Đọc “Chuyện của chúng tôi”, chuyên gia kinh tế cho biết đã hiểu rõ hơn, sâu hơn những câu chuyện về dự án Ishikawa và ODA từ Nhật Bản hỗ trợ quá trình cải cách và phát triển của nước ta trong suốt những năm qua. Bà Lan khẳng định, nhiều tình tiết rất hay được kể trong cuốn sách thực sự giúp bà thêm hiểu và cảm phục những tấm lòng Nhật Bản, thêm trân trọng và biết ơn những gì Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam. 

Cuốn sách cũng cho ta thấy sự đóng góp vô cùng đáng trân quý của bao nhân vật khác nhau ở cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam trong việc vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản qua các kênh tiếp xúc ở các thời kỳ. Đối với rất nhiều người đang sống ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản, thì mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng và tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày nay có lẽ là điều đương nhiên. 

Chính vì vậy, nữ chuyên gia kinh tế cho rằng, "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" ra mắt thật đúng lúc, để các thế hệ ngày nay biết và hiểu thêm về cả một chặng đường dài 50 năm qua của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với không ít gian truân trong thuở ban đầu.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết, ông Võ Hồng Phúc có trí nhớ thật đáng nể, ông thuộc sử Việt Nam và cả sử Trung Quốc. Ông Phúc nhớ sử hai nước bằng cách so sánh các triều đại tương ứng giữa hai nước, để biết ông cha ta ngày xưa ứng xử như thế nào và quan trọng hơn cả là rút ra những bài học cho ngày nay.

“Tôi đã đọc hết cuốn sách này. Có chuyện tôi đã biết qua lời anh kể, có những chuyện qua cuốn sách này tôi mới biết. Thực tình, tôi không dám đánh giá cuốn sách này, vì phạm vi của cuốn sách khá rộng, tôi chỉ biết những chuyện liên quan tới tôi, những chuyện qua lời anh kể (như thời cải cách ruộng đất), tôi thấy rất thật và cách viết của anh cũng giản dị”, ông Đoan khẳng định.

Phát biểu tại Lễ ra mắt sách, PGS. TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cảm thán: Cũng vẫn là những ký ức của tuổi thanh xuân, từ khi là một trí thức trẻ mới ra trường đến quá trình đắm mình trong công việc, rèn luyện, khao khát phấn đấu và trưởng thành,… hồi ức của tác giả không chỉ chững lại ở những diễn tả riêng tư trong phạm vi cá nhân mà chính tác giả như một nhân chứng phản ánh hoàn cảnh, điều kiện xã hội, tư duy, suy nghĩ của suốt cả một chặng đường mà tác giả đã trải qua với cách tư duy trung thực, tinh tế cùng một nhãn quan chính trị chân thực, chân thành và rất tự nhiên như hơi thở của cuộc sống!

Theo ông Điều, ở chương 5, chương 6 và chương 7, tác giả chia ra những mục nhỏ với những chủ đề “Hành trình hội nhập”, “Những câu chuyện đáng nhớ” và “Những câu chuyện vui”, tác giả thoải mái và hào sảng khi viết những câu chuyện ngắn ở các chương này. Có được một tâm thế như vậy là quý giá lắm!

“Với cách viết lời văn tinh tế tự nhiên, với tư liệu, chất liệu phong phú và chân thực, tác giả đã kể chuyện cuốn hút, khiến người đọc hồi hộp, tò mò, đọc mãi, đọc mãi… Lối viết vừa chân tình, chân thực, dí dỏm và có cả tiếng cười trong đó khiến người đọc cảm thấy thú vị. Mỗi câu chuyện là sự chứt lọc tinh tế từ cuộc sống, một triết lý sâu sắc nhưng rất nhẹ nhàng, vừa uyên thâm, vừa có giá trị giải trí, để lại trong lòng người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp”, ông Điều bày tỏ.

Tác giả Võ Hồng Phúc là một tấm gương, một hiện tượng

Chia sẻ cảm xúc khi đọc cuốn sách, ông Bùi Thức Khiết, nguyên Giám đốc đầu tiên của Thủy điện Hòa Bình bày tỏ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và thấy mình quá kém cỏi ngay khi đọc chương đầu cuốn sách. Bởi tôi hơn ông Phúc 7 tuổi, cùng quê mà lại hiểu biết về quê hương không bằng ông ấy. Tình yêu quê hương, biết ơn quê hương chính là yếu tố hết sức cơ bản của một con người, đúng như câu “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người””. 

Ông Khiết cũng rất tâm phục ông Phúc ở chỗ mấy chục năm làm việc, ông đã ghi lại tất cả hoạt động sự kiện vào những quyển sổ. Nếu không có những cuốn sổ ấy thì nhiều chục năm trôi qua, có lẽ khó có gì có thể gợi nhớ lại những câu chuyện. 

“Ông Phúc đã làm gương cho giới trẻ và cả “giới già” như tôi cũng phải học tập. Đặc biệt hơn, việc các bạn Nhật Bản trân trọng cuôn sách cho thấy ông Phúc là một Bộ trưởng đã làm việc, hợp tác với Nhật Bản bằng tình cảm của bản thân nên mới đi vào lòng người”, ông Khiết cảm thán.

Một lần nữa bày tỏ sự ngưỡng mộ với trí nhớ tuyệt vời của tác giả Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, dù mới đọc khoảng 10 chuyện trong cuốn sách, liên quan đến những việc khi ông còn là Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhưng có thể hình dung cuốn sách này rất phong phú, không gian rất rộng về một con người đặc biệt. Mà ông Vinh gọi đó là một hiện tượng, vì ông Võ Hồng Phúc vừa giỏi chuyên môn, văn thơ, chữ nho, trí nhớ cũng tuyệt vời, rất đáng ngưỡng mộ. 

“Ông Phúc không chỉ nhớ chính xác về số liệu mà còn nhớ cả không gian, thời gian, chi tiết những câu chuyện rất xa xưa. Cuốn sách "Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ" không chỉ là tài liệu quý giá, quan trọng trong kho tàng những cuốn hồi ký vì đã đề cập nhiều đến vấn đề đối ngoại, chính sách và các vấn đề khác; mà còn có tác động mạnh mẽ đến những người trẻ và cả những người già, mỗi người sẽ có cách tiếp cận riêng, bởi sự đáng đọc, đáng học, đáng xem lại của tác phẩm”, ông Vinh nhấn mạnh. 

Đặc biệt hơn, ông Vinh cho rằng, cuốn sách được dịch ra tiếng Nhật đã khơi lại dấu ấn, vai trò đặc biệt quan trọng của Nhật Bản với Việt Nam, đồng thời góp phần vun đắp tình hữu nghị và mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Bởi, ngay từ khi Việt Nam bị cấm vận cách đây 50 năm, những Tập đoàn Nhật Bản đã cung cấp rất nhiều thứ cho chúng ta. Điều đó buộc những người đang “chèo lái” hiện nay phải tiếp tục suy nghĩ để phát triển mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng bền chặt, khăng khít hơn nữa. 

“Tôi coi anh Phúc là người thầy trên mọi mặt. Tôi cũng rất ngưỡng mộ anh. Tôi hy vọng anh sẽ có thêm nhiều cuốn sách nữa, nhiều đề tài hay khác chứ không chỉ dừng lại ở cuốn sách này”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ. 

Trong các lời bình, tôi đặc biệt ấn tượng với lời bình từ ông Hattori. Bởi nó mô tả khuôn khổ của “Ủy ban sáng kiến chung Việt Nam Nhật Bản” do ông Phúc và ông Hattori đứng đầu trong việc thành lập. Ông Phúc cũng đồng tình với ý kiến của cựu Đại sứ Hattori rằng “Đối mới” sẽ không thể thành công trừ khi chính phủ Việt Nam có những biện pháp quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư và khuôn khổ này đã được chính phủ Nhật Bản và Việt Nam thống nhất.
Ủy ban Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản này là khuôn khổ cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhằm mở rộng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Cụ thể, đại diện của cả Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng nhau thực hiện những cải tiến về luật pháp, chính sách và tổ chức hoạt động. Theo lời cựu đại sứ Hattori “Hầu hết trong số 100 nội dung của thỏa thuận khi đó đã được thực hiện nhờ sự lãnh đạo chân thành và mạnh mẽ của Bộ trưởng Phúc”.
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản này vẫn đang được tiếp tục và hiện đang bước vào giai đoạn thứ 8, và tôi hiện đang giữ vai trò là chủ tịch của ủy bản điều hành này. Tôi tin rằng việc tôi tham gia vào khuôn khổ do ông Phúc thiết lập và xây dựng này cũng là một mối lương duyên tiền định.
- Ông Kinoshita, Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam

Tin nổi bật

Tin tức liên quan