Nguồn: cafef
Tiến sĩ Thomas J. Stanley, tác giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về người giàu ở Mỹ, đã nghiên cứu 773 triệu phú hàng đầu trong suốt một thời gian rất dài. Hầu hết họ đều cho rằng, nền tảng của sự giàu có bắt nguồn từ 5 yếu tố sau đây
Tiến sĩ Thomas J. Stanley (1944-2015) là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, nhà lý thuyết kinh doanh nổi tiếng. Ông chính là tác giả và đồng tác giả của một số cuốn sách đoạt giải thưởng về người giàu ở Mỹ, bao gồm những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, như “The Millionaire Next Door” và “The Millionaire Mind”.
Trong suốt hành trình của mình, ông từng phỏng vấn và khảo sát 733 triệu phú, chủ yếu là doanh nhân, luật sư, bác sĩ, kế toán… Điều này khiến ông nhận ra rằng, hóa ra họ có rất nhiều thứ bình thường, bình thường đến mức tầm thường.
Nghĩ đến cánh nhà giàu, nhiều người thường liên tưởng tới các dinh thự sang trọng, bữa tiệc xa hoa, đám cưới sang trọng, siêu xe, du thuyền, đồng hồ, trang sức đắt tiền, biện pháp kiếm tiền độc nhất vô nhị không giống ai.
Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn trái ngược với điều đó. Đa số các triệu phú mà Tiến sĩ Thomas gặp chưa từng chi quá 41.000 USD để mua xe hay 4.500 USD để mua nhẫn đính hôn; sống trong nhà được xây cách đây 40 năm (trung bình); chỉ đi nghỉ nước ngoài khoảng 2 năm một lần; hầu hết không nghiện việc mà dành nhiều thời gian giao lưu với người thân, bạn bè…
Thậm chí, một số người cũng tiết kiệm chẳng khác gì người thường như là: đánh bóng lại đồ nội thất thay vì mua mới, đổi các công ty thuê bao điện thoại đường dài, không bao giờ mua hàng từ người bán hàng qua điện thoại, thay hay sửa đế giày, sử dụng phiếu giảm giá khi mua sắm, mua đồ gia dụng số lượng lớn giá rẻ…
“Vấn đề không chỉ là tiết kiệm 50 xu lúc này mà là có thể tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu tiền trong suốt cuộc đời… Hầu hết các triệu phú đều nhìn về tương lai. Họ thường tính toán chi phí và lợi ích trọn đời của những hoạt động có khả năng tiết kiệm tiền khác nhau…”, Thomas J. Stanley nhận định.
“Nhiều triệu phú chuẩn bị trước danh sách mua sắm hàng hóa chi tiết vì một lý do quan trọng khác – đó cũng là lý do họ sử dụng phiếu giảm giá khi mua hàng. Con cháu họ sẽ quan sát quá trình này và cuối cùng sẽ hiệu được thể nào là một gia đình có tổ chức.” Đây là những gì ông đúc kết được.
Tuy nhiên, điều “phi thường” mà tiến sĩ nhận ra ở giới triệu phú chính là những “mẫu số chung” làm nên thành công của họ. Phim ảnh Hollywood thường vẽ ra ngoại hình đẹp, vóc dáng siêu mẫu, may mắn… Nhưng thực tế, các triệu phú đánh giá các yếu tố quan trọng trong việc tạo ra của cải hoàn toàn khác biệt.
Theo họ, 5 nền tảng của sự giàu có là: chính trực, kỷ luật, có kỹ năng xã hội, bạn đời ủng hộ và làm việc chăm chỉ. Yếu tố may mắn chỉ xếp ở vị trí thứ 27, gần cuối danh sách 30 yếu tố làm nên thành công. Không một triệu phú nào mà tác giả phỏng vấn nhắc đến việc cá cược, may rủi.
Các kỹ năng xã hội ở đây chính là hòa đồng, có tố chất lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng chào mời các ý tưởng, sản phẩm, có cố vấn tốt.
Khi đó, họ có thể nhìn thấy cơ hội mà người khác không nhận ra kiểu như “thùng rác của người khác là kho báu đối với họ”, tìm ra thị trường ngách có lợi nhuận cao, chuyên môn vững vàng, yêu nghề, yêu công việc kinh doanh của mình.
Các triệu phú cũng rất đề cao trung thực. Một triệu phú đã dạy con mình như sau: “Nếu con nói dối một lần, rồi con sẽ phải nói dối thêm 15 lần nữa để che đậy lời nói dối ban đầu”.
Nếu mỗi lời nói dối cần thêm 15 lời nói dối để che đậy, tức 15 bình phương – 15, 225, 3.375, 50.625… Vì vậy, nên dùng thời gian, năng lượng và trí tuệ để luôn nói thật, trung thực với mọi người sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Thế hệ giàu có này cũng sở hữu tư duy rất khác biệt trong cách kiểm soát cảm xúc cá nhân. Một triệu phú từng khuyên mọi người rằng: “Khi bị chỉ trích, hãy đợi hai tuần sau đó rồi nổi giận hoặc khó chịu. Sau hai tuần, nếu bạn vẫn muốn nổi giận, hãy đợi thêm hai tuần nữa.”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu sau hai tuần đó bạn vẫn muốn nổi giận? Hãy viết cho người chỉ trích một bức thư dài. Nói ra lý do tại sao bạn muốn nổi giận. Sau toàn bộ quãng thời gian ấy và quá trình gỡ bỏ khúc mắc bằng cách viết thư, bạn có thể hóa giải cơn giận mang tính phá hoại. Rất có thể, bạn thậm chí còn cảm thấy không cần gửi thư”.
Các triệu phú khi còn trẻ đã nhận thức được rằng, để đạt được thành công, làm việc chăm chỉ quan trọng hơn trí thông minh cao do di truyền vì “càng làm việc chăm chỉ, bạn càng may mắn hơn”; họ không cho phép điểm kém phá hủy mục tiêu thành công của mình. Hầu hết học cách chiến đấu và cạnh tranh cho các mục tiêu quan trọng từ sớm. Với họ, dũng cảm là chấp nhận thực hiện các hành vi đúng đắn tích cực vốn dĩ gợi nên sợ hãi.
Chính những điều đó đã giúp cuốn sách ““The Millionaire Mind” (tên tiếng Việt: “Lối sống ‘thực dụng’ của triệu phú”) trở thành một trong những đầu sách hấp dẫn được giới doanh nhân đón đọc trên toàn cầu.