Sự xuất hiện của tiền số khả dụng gắn liền với sự phát triển của khoa học mật mã. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét đến những thách thức cơ bản liên quan đến việc sử dụng các bit làm đại diện cho giá trị có thể dùng để trao đổi lấy hàng hoá và dịch vụ. Bất kỳ người nào khi chấp nhận tiền số đều cần đặt ra 3 câu hỏi cơ bản như sau:
1. Liệu tôi có thể tin tưởng được rằng số tiền này là thật chứ không phải tiền giả?
2. Liệu tôi có thể tin tưởng được rằng tiền số không bị lặp chi?
3. Liệu tôi có thể chắc chắn rằng không người nào khác có thể tuyên bố rằng khoản tiền này thuộc về họ chứ không phải của tôi?
Các nhà phát hành tiền giấy phải liên tục chiến đấu với nạn làm tiền giả bằng cách sử dụng các loại giấy và công nghệ in ngày càng tinh vi hơn. Tiền vật lý có thể dễ dàng giải quyết vấn đề lặp chi, vì một tờ tiền giấy không thể ở hai nơi cùng lúc. Tất nhiên, tiền truyền thống cũng thường được lưu trữ và lưu thông dưới dạng điện tử. Trong những trường hợp này, các vấn đề tiền giả và lặp chi được khắc phục bằng cách xử lý mọi giao dịch điện tử qua các thực thể quyền lực trung ương có tầm nhìn toàn cục về tiền tệ đang lưu hành. Với tiền số, vốn không thể tận dụng được lợi thế của các loại mực in đặc dụng hay họa tiết 3 chiều, khoa học mật mã mang đến một cơ sở để có thể tin tưởng vào giá trị pháp lý trong tuyên bố quyền sở hữu tài sản của người dùng. Chi tiết hơn, các chữ ký số mã hóa cho phép người dùng có thể ký tên vào một tài sản số hoặc giao dịch để chứng minh quyền sở hữu tài sản đó. Với kiến trúc hợp lý, các chữ ký số cũng có thể được dùng để giải quyết vấn đề lặp chi.
Cuối thập niên 1980, khi khoa học mật mã bắt đầu được hiểu và phổ biến rộng rãi hơn, nhiều nhà nghiên cứu đã bắt tay vào thử nghiệm cách sử dụng mật mã để xây dựng các loại tiền số. Tiền số được phát hành trong những dự án ban đầu này thường được bảo đảm bằng một loại tiền tệ quốc gia hay kim loại quý chẳng hạn như vàng.
Tuy hoạt động được, song các loại tiền số sơ khai này lại được quản lý tập trung, dẫn đến hệ quả là chúng có thể dễ dàng bị cả các chính phủ và giới hacker tấn công. Tiền số sơ khai sử dụng một trung tâm thanh toán bù trừ để xử lý mọi giao dịch vào những khoảng thời gian định kỳ, hệt như một hệ thống ngân hàng truyền thống. Thật không may, trong phần lớn các trường hợp, những đồng tiền số non trẻ này đều lọt vào tầm ngắm của các chính phủ vốn quan ngại về sự xuất hiện của chúng, và cuối cùng bị đẩy tới chỗ tuyệt diệt qua những quy trình
tố tụng tại tòa án. Một số đồng tiền còn trải qua những cuộc sụp đổ ngoạn mục khi bị công ty mẹ thanh lý đột ngột. Để đối phó lại với sự can thiệp của các bên chống đối, dù cho đó là các chính phủ hợp pháp hay phần tử tội phạm, tiền số cần phải được phi tập trung hóa để loại bỏ tử huyệt. Bitcoin là một hệ thống như vậy, phi tập trung hóa từ trong thiết kế, và không có một thực thể quyền lực trung ương hay điểm kiểm soát nào để có thể bị tấn công hay phá hoại.
Trích: Bitcoin Thực Hành
Những bài viết Bitcoin khác:
- Cơn lốc Bitcoin: Cuộc chơi may rủi?
- 6 cuốn sách các nhà đầu tư Bitcoin không nên bỏ qua
- Thế giới kết nối và Blockchain: mô hình điện toán đột phá thứ năm
- Các công dụng của Bitcoin, người dùng Bitcoin và những câu chuyện của họ