'Pricing everything' là bộ sách tuyển tập 7 cuốn sách – 7 chủ đề riêng biệt liên quan tới định giá, được viết bởi các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ Mỹ.
Ấn phẩm này sẽ giúp những người quản trị doanh nghiệp có một cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về vai trò của định giá trong vòng quay tiền tệ của doanh nghiệp.
Hiện nay, đã có 3 cuốn sách được dịch và xuất bản trong số 7 cuốn. |
Định giá dựa trên giá trị (Pricing done right), tác giả Tim J.Smith người sáng lập và đồng thời là CEO hãng Tư vấn Chiến lược Định giá Wiglaf, đã đem tới cho bạn đọc mô hình “khung định giá dựa trên giá trị” gồm 5 khía cạnh: chiến lược kinh doanh, chiến lược định giá, chính sách phương sai giá và thực hiện triển khai giá.
Dựa trên mô hình này, các CEO cũng như người đứng đầu doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng: định giá không phải là việc làm theo cảm tính hay những công thức sơ sài. Bạn phải có một chiếc lược định giá cụ thể với các quy trình phù hợp. Có như vậy, doanh nghiệp mới đánh giá và tổng hợp đầy đủ được các yếu tố liên quan đến “giá vốn”, nhằm tránh thất thoát về tài chính, dẫn đến định giá sai cho sản phẩm.
Mô hình này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi mà đồng vốn còn hạn chế, cũng như khả năng xoay vòng vốn chưa linh hoạt. Việc định giá phải bắt đầu từ trước khi sản xuất. Có thể nói, nó là khâu đầu tiên khi doanh nghiệp quyết định tạo ra sản phẩm, đối lập với quan điểm cũ “cứ sản xuất, nhất định sẽ có người mua”. Để tránh rủi ro và thâm hụt vốn, phải có một chiến lược định giá cụ thể, xem xét tình hình doanh nghiệp, liệu có phù hợp sản xuất sản phẩm đó ở thời điểm hiện tại không?
Những đòn tâm lý trong định giá sản phẩm (Priceless) chúng ta sẽ thấy được mối liên hệ mật thiết giữa kinh doanh nói chung việc định giá nói riêng và tâm lý học. Để đưa ra được một mức giá phù hợp, có lợi cho nhà sản xuất, mà vẫn điều hướng được hành động mua hàng của người tiêu dùng, để họ quan tâm đến sản phẩm. Muốn làm được điều đó, nhất định bạn phải nắm bắt được các đòn tâm lý cơ bản.
Trong bất kỳ hoạt động mang tính thương mại nào, con người đều hướng tới lợi ích. Thế nên, hãy để cho khách hàng thấy, họ đang được hưởng lợi. Khi nhận thấy mình đang được “phần hơn” khách hàng sẽ nhanh chóng đưa ra những quyết định mua sắm.
Cuốn sách Từ bỏ thỏi quen giảm giá (Pricing with confidence) là cuộc trò chuyện với hai chuyên gia Reed K. Holden và Mark Burton, họ sẽ phân tích cho chúng ta hiểu “Thế nào là được - mất trong giảm giá?”
Nguồn sống của doanh nghiệp không phải là doanh số, hay doanh thu, nó chính là lợi nhuận. Tuy ba thứ này có mối liên hệ với nhau nhưng không phải lúc nào các chỉ số của chúng cũng có “tỷ lệ thuận”. Đôi khi, báo cáo tài chính vẫn cho ta thấy “tỉ lệ nghịch” giữa ba yếu tố này. Doanh số tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm. Điều này xảy ra khi nhà sản xuất áp dụng các chính sách giảm giá một cách quá đà.
Vì thế, giảm giá không phải là “chìa khóa vạn năng” cho các kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp. Chúng ta phải hạn chế giảm giá, bán sản phẩm với mức giá ban đầu càng nhiều càng tốt. Bởi thế, việc định giá sản phẩm cũng thay đổi tùy từng giai đoạn, để phù hợp với thị trường.
Bộ sách Pricing everything là một bộ cẩm nang cần thiết về định giá cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là một ấn phẩm về kinh tế học, nhưng bộ sách này lại được trình bày một cách rất cụ thể và dí dỏm. Bằng những ví dụ thực tế, người đọc có cái nhìn cụ thể hơn về quá trình phát triển của những doanh nghiệp lớn. Từ đó, chúng ta thấy được rằng: để thành công, phải định giá một cách thông minh.
Theo Quỳnh Anh - Vietnamnet.vn