5: Suy nghiệm: Tâm trí sử dụng những lối tắt để ra quyết định nhanh như thế nào
Ta thường gặp tình huống phải đưa ra phán xét nhanh chóng. Để làm điều này, tâm trí của ta đã phát triển những lối tắt nhỏ để giúp ta ngay lập tức hiểu được môi trường xung quanh. Đây được gọi là những quy tắc dựa theo kinh nghiệm - suy nghiệm (Heuristics).
Đa phần, những quá trình này rất có ích, nhưng vấn đề là tâm trí ta thường tận dụng chúng quá mức. Áp dụng các quy tắc này trong những tình huống không phù hợp có thể dẫn đến sai lầm. Để hiểu hơn về các quy tắc dựa theo kinh nghiệm là gì và những lỗi kéo theo, ta có thể xem xét hai loại sau: suy nghiệm thay thế (substitution heuristic) và suy nghiệm sẵn có (availability heuristic).
Tự nghiệm thay thế xảy ra khi ta trả lời một câu hỏi dễ hơn một câu hỏi thực sự được đưa ra.
Ví dụ, hãy thử câu hỏi này: "Một phụ nữ ứng cử chức cảnh sát trưởng. Liệu cô ấy sẽ thành công trong chức vụ đó tới đâu?" Ta tự động thay thế câu hỏi lẽ ra mình cần phải trả lời với câu dễ hơn, như, "Liệu cô ấy có trông giống người sẽ trở thành một cảnh sát trưởng tốt hay không?"
Tự nghiệm này nghĩa là thay vì nghiên cứu hồ sơ và chính sách của ứng viên, ta chỉ đơn giản hỏi bản thân một câu hỏi dễ hơn nhiều là liệu người phụ nữ này có khớp với hình ảnh trong tâm trí của ta về một viên cảnh sát trưởng tốt hay không. Không may là, nếu cô ấy không khớp với hình ảnh tâm trí đó, ta sẽ loại bỏ cô - kể cả cô có nhiều năm kinh nghiệm đấu tranh tội phạm, điều khiến cô trở thành một ứng viên sáng giá.
Tiếp theo là tự nghiệm sẵn có, là khi bạn cho rằng một thứ có khả năng xảy ra cao hơn chỉ vì bạn thường xuyên nghe về nó hơn, hay thấy nó dễ nhớ hơn.
Ví dụ, đột quỵ gây tử vong nhiều hơn tai nạn giao thông, nhưng một nghiên cứu cho thấy 80% những người được hỏi cho rằng có nhiều người chết vì tai nạn giao thông hơn. Đó là bởi vì ta nghe nhiều về cái chết kiểu này trên truyền thông hơn, và bởi vì chúng để lại ấn tượng sâu đậm hơn; ta nhớ những cái chết do tai nạn khủng khiếp dễ dàng hơn là chết do đột quỵ, và vì vậy ta dễ có phản ứng không phù hợp với những nguy hiểm này.
6: Ghét con số: Tại sao chúng ta vật lộn để hiểu thống kê và phạm sai lầm có thể tránh được chỉ vì nó.
Làm sao bạn có thể dự đoán được việc này sẽ xảy ra hay không?
Một cách hiệu quả là hãy nhớ tỉ lệ cơ sở (base rate). Nó ám chỉ tỉ lệ cơ sở trong thống kê, mà các bản thống kê khác phụ thuộc vào. Ví dụ, tưởng tượng một hãng tắc xi lớn có 20% xe màu vàng 80% xe màu đỏ. Nghĩa là tỉ lệ cơ sở với xe tắc xi màu vàng là 20% và với xe màu đỏ là 80%. Nếu bạn gọi xe và muốn đoán màu của nó, hãy nhớ tỉ lệ cơ sở và bạn sẽ đưa ra được dự đoán tương đối chính xác.
Vì vậy ta nên luôn luôn nhớ tỉ lệ cơ sở khi dự đoán một sự việc, nhưng không may là điều này thường không xảy ra. Trên thực tế, việc quên mất tỉ lệ cơ sở xảy ra cực kì phổ biến.
Một trong những lí do tự ta lại quên mất tỉ lệ cơ sở là ta tập trung vào thứ mình kì vọng hơn là thứ có khả năng xảy ra cao nhất. Ví dụ, tưởng tượng lại những chiếc tắc xi trên: Nếu bạn thấy 5 chiếc xe đỏ chạy qua, bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy khả năng cao chiếc tiếp theo sẽ có màu đỏ. Nhưng bất kể có bao nhiêu xe dù màu nào đi qua, xác suất chiếc xe tiếp theo có màu đỏ vẫn vào khoảng 80% - và nếu ta nhớ tỉ lệ cơ sở, ta sẽ nhận ra điều này. Nhưng thay vào đó, ta thường tập trung vào thứ mình kì vọng muốn thấy, một chiếc xe màu vàng, và vì vậy ta rất dễ mắc sai lầm.
Bỏ quên tỉ lệ cơ sở là một lỗi phổ biến liên quan tới vấn đề của con người khi đối mặt với số liệu. Ta thường hay quên rằng mọi thứ sẽ hồi quy về trung bình. Nghĩa là thừa nhận rằng tất cả mọi tình huống đều có giá trị trung bình, và những dao động khỏi giá trị trung bình cuối cùng cũng sẽ về lại điểm cân bằng.
Ví dụ, nếu một tiền đạo bóng đá ghi 5 bàn thắng trung bình 1 tháng, lại ghi đến 10 bàn trong tháng 9, huấn luyện viên của cô sẽ rất vui sướng, nhưng nếu suốt năm còn lại cô lại chỉ ghi 5 bàn 1 tháng, huấn luyện viên sẽ chỉ trích cô vì không giữ phong độ. Tuy nhiên, cô không đáng bị phê bình bởi vì cô chỉ đang hồi quy về giá trị trung bình!
7: Bất hảo trong quá khứ: Tại sao ta nhớ những sự kiện từ nhận thức muộn (hindsight) chứ không phải từ trải nghiệm.
Tâm trí của ta không ghi nhớ các trải nghiệm theo một đường thẳng. Ta có hai bộ máy ghi lại các tình huống khác nhau.
Đầu tiên, là bản thể trải nghiệm, ghi lại cảm giác của mình ở hiện tại. Nó đặt câu hỏi: "Hiện tại mình đang cảm thấy ra sao?"
Thứ hai, là bản thể hồi tưởng, chép lại toàn bộ sự việc đã diễn ra. Nó đặt câu hỏi: "Nói chung thì mình cảm thấy như thế nào?"
Bản thể trải nghiệm mô tả chính xác hơn những gì đã xảy ra, bởi vì cảm giác của ta lúc đó là chính xác nhất. Nhưng bản thể hồi tưởng không chính xác bằng bởi vì nó ghi lại chỉ một số các kí ức nổi bật sau khi sự việc đã kết thúc.
Có hai lý do giải thích tại sao phần ghi nhớ lại lấn át phần trải nghiệm. Nguyên nhân đầu tiên được gọi là phớt lờ yếu tố thời gian (duration neglect), khi mà ta quên mất cả quá trình sự kiện để nhớ một phần nhỏ của nó. Thứ là do quy luật đỉnh-đáy (peak-end rule), khi ta thường quá nhấn mạnh thứ xảy ra ở cuối một sự kiện.
Để dễ hình dung, xem xét một thí nghiệm ghi lại trí nhớ của mọi người về một lần soi nội tràng đau đớn. Trước khi soi, mọi người sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm được nội soi rất lâu, trong khi nhóm còn lại được nội soi nhanh hơn, nhưng cảm giác đau đớn tăng dần khi kết thúc.
Bạn hẳn sẽ nghĩ những bệnh nhân khó chịu nhất là những người trải qua quá trình nội soi dài hơn, bởi họ phải chịu đau lâu hơn. Đó đúng là những gì họ cảm thấy vào thời điểm đó. Trong khi nội soi, khi được hỏi về cảm giác đau, bản thể trải nghiệm sẽ đưa ra câu trả lời chính xác: ai phải nội soi lâu hơn sẽ cảm thấy tệ hơn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, khi bản thể hồi tưởng lấn át, những ai được nội soi nhanh với màn kết đau đớn hơn sẽ cảm thấy tệ nhất. Cuộc khảo sát này đưa cho ta một ví dụ rõ ràng về hiệu ứng phớt lờ yếu tố thời gian và quy luật đỉnh-đáy, và các kí ức không chính xác của ta.
8: Sức mạnh ý chí: điều chỉnh sự tập trung của tâm trí có thể tác động đáng kể tới suy nghĩ và hành vi của ta như thế nào
Tâm trí của ta sử dụng các mức năng lượng khác nhau tùy vào loại công việc. Khi không cần kêu gọi sự tập trung và cần ít năng lượng, ta ở trong trạng thái đầu óc thoải mái (cognitive ease). Tuy nhiên, khi cần phải chú ý, tâm trí sử dụng nhiều năng lượng hơn và bước vào trạng thái đầu óc căng thẳng (cognitive strain).
Những thay đổi này trong mức năng lượng của não có tác động đáng kể lên cách ta hành động.
Khi đầu óc thoải mái, Hệ thống 1 cảm tính sẽ làm chủ tâm trí, và Hệ thống 2 logic và cần nhiều năng lượng sẽ suy yếu. Điều này có nghĩa là ta sẽ quyết định theo trực giác hơn, sáng tạo và hạnh phúc hơn, tuy nhiên ta cũng dễ phạm sai lầm hơn.
Khi đầu óc căng thẳng, nhận thức của ta được nâng cao, và Hệ thống 2 sẽ làm chủ. Hệ thống 2 có xu hướng kiểm tra lại các phán xét của ta hơn Hệ thống 1, vì vậy mặc dù ta có thể bớt sáng tạo hơn, ta sẽ ít mắc lỗi hơn.
Bạn có thể chủ ý ảnh hưởng tới mức năng lượng mà tâm trí sử dụng để chọn hệ thống nào làm chủ cho phù hợp với từng công việc. Ví dụ nếu muốn thông điệp của mình thuyết phục hơn, hãy thử chuyển sang trạng thái đầu óc thoải mái.
Một cách để làm được điều này là tiếp xúc nhiều lần với các thông tin lặp lại. Nếu thông tin được lặp đi lặp lại với ta, hoặc dễ ghi nhớ hơn, nó sẽ trở nên thuyết phục hơn. Đó là bởi vì tâm trí đã thay đổi để phản ứng tích cực hơn khi tiếp xúc nhiều lần với cùng một thông điệp. Khi ta nhìn thấy một thứ đã quen thuộc với ta, ta sẽ bước vào trạng thái đầu óc thoải mái.
Mặt khác, đầu óc căng thẳng sẽ giúp ta thành công trong các công việc liên quan đến con số.
Ta có thể chuyển sang trạng thái này bằng cách tiếp xúc với thông tin được trình bày một cách rắc rối, ví dụ bằng phông chữ khó đọc. Khi đó tâm trí sẽ phải chú tâm hơn và gia tăng mức năng lượng để hiểu vấn đề, và vì vậy ta ít có khả năng từ bỏ hơn.
9: Đánh liều: cách xác suất được trình bày như thế nào sẽ ảnh hưởng đến ta đánh giá mức độ rủi ro
Cách ta đánh giá ý tưởng và tiếp cận vấn đề bị ảnh hưởng nặng bởi cách chúng được trình bày như thế nào. Chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ hoặc nhấn mạnh vào một câu nói hoặc một câu hỏi có thể thay đổi lớn lao phản ứng của ta.
Một ví dụ tiêu biểu có thể tìm thấy trong cách ta đánh giá rủi ro:
Bạn có thể nghĩ rằng một khi ta có thể xác định được xác suất của rủi ro, mọi người sẽ tiếp cận nó cùng một cách. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Kể cả với những khả năng được tính toán cẩn thận, chỉ cần thay đổi cách diễn đạt một con số có thể thay đổi cách ta tiếp cận nó.
Ví dụ, mọi người sẽ thấy một sự việc hiếm gặp có khả năng xảy ra cao hơn nó được diễn đạt dưới dạng tần suất tương đối hơn là xác suất thống kê.
Trong một ví dụ còn được biết đến là Thí nghiệm Mr. Jones, hai nhóm chuyên gia tâm thần được tham vấn về việc liệu thả ông Jones khỏi bệnh viện tâm thần lúc này có an toàn. Một nhóm được bảo rằng bệnh nhân như ông Jones có "10% khả năng hành hung người khác," và nhóm thứ 2 được bảo rằng "trong 100 bệnh nhân giống ông Jones, 10 người có khả năng gây ra bạo lực." Kết quả là nhóm 2 có số người từ chối thả người cao gấp đôi nhóm 1.
Sự tập trung của ta còn bị sao lãng khỏi những thông tin có liên quan về mặt thông kê, được gọi là sự phớt lờ mẫu số (denominator neglect). Điều này xảy ra khi ta lờ đi các thống kê rõ ràng để chọn những hình ảnh sống động trong tâm trí mà có thể ảnh hưởng tới quyết định của ta
Ví dụ hai câu sau: "Loại thuốc này sẽ bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh X nhưng có 0.001% gây ra biến dạng vĩnh viễn" với "1 trong 100,000 trẻ dùng thuốc này sẽ bị biến dạng vĩnh viễn." Cho dù ý nghĩa của 2 câu như nhau, câu sau gợi lên hình ảnh một em bé dị tật và có tác động lớn hơn, và đó là lý do nó làm ta chần chừ hơn khi áp dụng loại thuốc này.
10: Không phải Rô bốt: Tại sao con người không quyết định dựa trên tư duy lý trí
Các cá nhân đưa ra lựa chọn như thế nào?
Từ lâu, một nhóm các nhà kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đã cho rằng con người ra quyết định dựa trên lập luận lý tính. Họ cho rằng mọi người đều lựa chọn theo lý thuyết lợi ích, khẳng định rằng khi các cá nhân ra quyết định, họ chỉ nhìn vào những dữ liệu lý tính và chọn phương án có tổng lợi ích lớn nhất.
Ví dụ, thuyết lợi ích sẽ đưa ra kiểu câu như sau: nếu bạn thích cam hơn kiwis, thì bạn sẽ chọn cơ hội 10% có được quả cam hơn cơ hội 10% có được quả kiwis.
Hiển nhiên phải không?
Nhóm nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này tập trung tại Trường kinh tế Chicago và học giả nổi tiếng nhất của họ là Milton Friedman. Sử dụng thuyết lợi ích, trường phái Chicago cho rằng các cá nhân trên thị trường là những người ra quyết định siêu lí tính, những kẻ mà nhà kinh tế học Richard Thaler và luật sư Cass Sunstein sau này gọi là Thương gia (Econs). Với Thương gia, mỗi cá nhân hành xử hệt như nhau, đánh giá hàng hóa và dịch vụ dựa trên các nhu cầu duy lý của họ. Hơn nữa, người kinh tế cũng đánh giá tài sản của mình một cách lý trí, chỉ quan tâm tới mức lợi ích nó đem lại cho họ.
Vậy nên nếu tưởng tượng hai người, John và Jenny, đều có tổng tài sản là 5 triệu đô. Theo thuyết lợi ích, vì họ có cùng số tiền nên họ sẽ hạnh phúc ngang nhau.
Nhưng nếu chúng ta phức tạp hóa vấn đề hơn một chút? Giả dụ tài sản 5 triệu đô là kết quả của một ngày đánh bạc, và hai người có điểm xuất phát khác nhau: John ban đầu chỉ có 1 triệu đô và cuối cùng có được số tiền gấp 5, trái lại Jenny khởi đầu với 9 triệu đô và lỗ chỉ còn 5 triệu đô. Liệu bạn có vẫn nghĩ John và Jenny đều hạnh phúc ngang nhau với số tiền 5 triệu đô?
Rõ ràng, chúng ta đánh giá mọi thứ không chỉ dựa vào lợi ích thuần túy của nó.
Như ta sẽ thấy trong phần tiếp, bởi vì con người không nhìn lợi ích một cách lý trí như thuyết lợi ích khẳng định, ta có thể đưa ra những quyết định lạ lùng và phi lý trí.
11: Trực giác: tại sao thay vì quyết định dựa trên các cân nhắc lý tính, ta thường bị lung lay bởi các yếu tố cảm xúc.
Nếu thuyết lợi ích là sai, vậy thuyết nào đúng?
Một phương án khác là thuyết triển vọng (prospect theory), do chính tác giả sách phát triển.
Thuyết triển vọng của Kahneman thách thức thuyết lợi ích bằng cách chỉ ra rằng khi đưa ra lựa chọn, ta không phải lúc nào cũng hành động một cách có lý trí nhất.
Tưởng tượng có hai kịch bản: Trong trường hợp 1, bạn được cho $1000 và phải chọn giữa: 100% nhận được $500 hoặc đánh cược 50/50 để thắng $1000 nữa.Trong trường hợp 2, bạn được cho $2000 và phải chọn giữa: 100% mất $500 hoặc đánh cược 50/50 mất $1000.
Nếu chúng ta chỉ quyết định lý trí, thì bạn sẽ lựa chọn giống nhau trong hai trường hợp. Nhưng thực tế không phải thế. Trong ví dụ đầu, đa số mọi người sẽ chọn giải pháp an toàn là lấy $500, nhưng trong trường hợp 2, đa số lại đánh liều.
Thuyết triển vọng giúp giải thích tại sao lại có sự khác biệt. Nó nhấn mạnh ít nhất hai lý do tại sao ta không hành động lý trí. Cả hai đều đều cập đến tính sợ thua lỗ của ta - thực tế là ta sợ thua lỗ hơn là nhận được lời.
Lý do đầu tiên là ta định giá mọi thứ dựa trên các điểm tham chiếu. Khởi đầu với mức $1000 hay $2000 trong hai kịch bản thay đổi khả năng đánh bạc của ta, bởi vì điểm khởi đầu tác động tới cách ta định giá vị thế của mình. Điểm tham chiếu trong trường hợp 1 là $1000 và $2000 trong trường hợp 2, nghĩa là nếu còn $1500, thì là lãi với TH1 nhưng là lỗ trong TH2. Kể cả lý luận rõ ràng phi lý (vì kiểu gì bạn cũng có $1500), ta hiểu giá trị thông qua điểm xuất phát cũng như giá trị khách quan tại thời điểm đó.
Thứ hai, ta bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc giảm độ nhạy (diminishing sensitivity principle): giá trị ta nhìn nhận có thể khác với giá trị thực của nó. Ví dụ, mất tiền từ $1000 xuống $900 không cảm thấy tệ bằng việc mất tiền từ $200 xuống $100, bất kể khoản bị mất có giá trị ngang nhau. Tương tự trong ví dụ của ta, giá trị khoản lỗ được nhìn nhận khi mất tiền từ $1500 xuống $1000 sẽ lớn hơn khoản mất từ $2000 xuống $1500.
12: Hình ảnh sai: tại sao tâm lý lại xây dựng một hình ảnh hoàn chỉnh để giải thích thế giới, nhưng chúng thường dẫn đến tự tin thái quá và sai lầm.
Để hiểu các tình huống, tâm trí ta sử dụng sự nhất quán nhận thức (cognitive coherence); ta xây dựng những hình ảnh tâm trí (mental image) hoàn chỉnh để giải thích các ý tưởng và khái niệm. Ví dụ, ta có rất nhiều hình ảnh trong não về thời tiết. Giả dụ ta có hình ảnh về thời tiết mùa hè, có thể một bức tranh về mặt trời chói chang, nóng bỏng làm ta đổ mồ hôi nhễ nhại.
Ngoài việc giúp ta hiểu sự vật, ta cũng dựa vào những hình ảnh này để ra quyết định.
Khi ra quyết định, ta tham khảo những hình ảnh này và xây dựng giả định và kết luận dựa trên chúng. Ví dụ, nếu ta muốn biết nên mặc đồ gì vào mùa hè, ta dựa các quyết định của mình vào hình ảnh trong tâm trí ta về trời mùa hạ.
Vấn đề là ta quá tin vào những hình ảnh này. Kể cả khi các thống kê và dữ liệu hiện có phủ nhận những bức ảnh tâm trí này, ta vẫn sẽ để nó chỉ dẫn mình. Người dự báo thời tiết có thể cho rằng ngày nay sẽ lạnh, nhưng bạn vẫn quần đùi và áo phông, như bức ảnh tâm trí về mùa hè nói cho bạn. Do đó bạn có thể co ro ngoài trời.
Tóm tắt, ta quá tự tin vào những hình ảnh tâm trí sai lầm. Nhưng có 1 số cách để khắc phục vấn đề này và đưa ra các dự đoán tốt hơn.
1 cách để tránh lỗi là tận dụng phương pháp dự đoán theo lớp tham chiếu (reference class forecasting).Thay vì phán xét dựa trên hình ảnh tâm trí chung chung, hãy sử dụng những dữ liệu lịch sử để dự đoán chính xác hơn. Ví dụ, hãy nghĩ về những lần bạn ra ngoài mùa hè mà trời lại rét. Lúc đó bạn mặc gì?
Ngoài ra, bạn có thể tạo ra một chiến lược phòng thân (risk policy) dài hạn, để lên kế hoạch cho những biện pháp cụ thể trong cả trường hợp dự báo chuẩn và sai. Trong qua sự chuẩn bị và bảo vệ, bạn có thể dựa vào chứng cứ thay vì những hình ảnh tâm trí và đưa ra dự báo chính xác hơn. Trong trường hợp thời tiết của ta, điều này có nghĩa là hãy mang theo một chiếc áo len cho chắc.
13: Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách này là:
Tư duy nhanh và chậm cho ta thấy tâm trí của mình gồm hai hệ thống. Hệ thống 1 hoạt động theo bản năng và đòi hỏi rất ít nỗ lực; Hệ thống 2 hoạt động tỉ mẩn hơn và đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn. Những suy nghĩ và hành động của ta thay đổi tùy thuộc vào hệ thống nào đang kiểm soát bộ não vào thời điểm đó.
Nguồn: tramdoc