Bạn sẽ không bao giờ tư duy như cũ sau khi đọc xong cuốn sách này!
Tóm tắt ngắn:
Tư duy nhanh và chậm của Daniel Kahneman, cuốn sách tóm lược hàng thập niên nghiên cứu giúp ông đoạt giải Nobel, giải thích những đóng góp của ông trong tư duy hiện đại của ta về tâm lý và kinh tế học hành vi. Trong nhiều năm, Kahneman và những đồng nghiệp của mình đã có những đóng góp lớn lao cho lối hiểu biết mới về tâm trí con người. Giờ đây, ta đã hiểu sâu sắc hơn về cách con người ra quyết định, tại sao một số lỗi đánh giá lại rất phổ biến và làm sao để cải thiện bản thân tốt hơn.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Bất cứ ai quan tâm tới cách tâm trí hoạt động, cách con người giải quyết vấn đề, ra phán xét, và những điểm yếu mà tâm trí ta hay mắc phải.
- Bất cứ ai quan tâm tới những đóng góp của người đoạt giải Nobel Daniel Kahneman đến tâm lý và kinh tế học hành vi, và ứng dụng của chúng cho xã hội.
Tác giả cuốn sách này là ai?
Tiến sĩ Daniel Kahneman đạt giải Nobel Kinh Tế năm 2002. Ông là học giả kì cựu Trường Woodrow Wilson về Công vụ và các vấn đề quốc tế, Giáo sư danh dự về Tâm lý học và công vụ tại Trường Woodrow Wilson, Giáo sư danh dự Eugene Higgins về Tâm lý học tại Đại học Princeton, và học giả của Trung tâm về Lý trí tại Đại học Hebrew ở Jerusalem.
1: Về hai tâm trí: hành vi của chúng ta được điều khiển bởi hai hệ thống khác nhau - một cái tự động và một cái hay suy xét.
Có một vở kịch hấp dẫn diễn ra trong tâm trí chúng ta, một câu chuyện giống trên phim giữa hai nhân vật với nhiều chi tiết lắt léo, kịch tích và mẫu thuẫn. Hai nhân vật bao gồm Hệ thống 1 - bản năng, tự động và cảm tính; và Hệ thống 2 - chín chắn, chậm rãi, và toan tính. Khi đối đầu với nhau, sự tương tác của chúng quyết định cách ta nghĩ, đưa ra phán xét, quyết định và hành động.
Hệ thống 1 là phần bộ não hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức. Bạn có thể trải nghiệm hệ thống này hoạt động khi bạn nghe thấy một âm thanh rất lớn và đột ngột. Bạn sẽ làm gì? Có thể bạn ngay lập tức và tự động chuyển hướngchú ý của mình đến nó. Đó là Hệ thống 1.
Hệ thống này là di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm: những lợi thế sống còn nằm bên trong khả năng ra quyết định và phán đoán nhanh chóng.
Hệ thống 2 là thứ ta ám chỉ khi tưởng tượng phần bộ não chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung.
Ví dụ, tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một cô gái giữa đám đông. Tâm trí của bạn sẽ cố tình tập trung vào nhiệm vụ: nó nhớ lại những đặc điểm của người đó hay bất cứ thứ gì giúp xác định tọa độ của cô. Khả năng này giúp loại trừ những sự sao lãng, giúp bạn bỏ qua đối tượng không liên quan. Nếu bạn suy trì sự tập trung có chủ ý này, bạn có thể phát hiện ra cô ấy trong vài phút, trái lại nếu bạn bị phân tâm, bạn sẽ khó có thể tìm thấy cô ấy.
Như bạn sẽ thấy trong phần tiếp, mối liên hệ giữa hai hệ thống này xác định cách hành xử của chúng ta.
2: Hệ thống lười biếng: tính chây ì có thể dẫn đến sai lầm và tác động đến trí tuệ.
Để xem cách hai hệ thống hoạt động ra sao, hãy thử giải bài toán cây gậy-và-quả bóng nổi tiếng sau:
Một cây gậy và quả bóng có giá $1.10. Cây gậy đắt hơn quả bóng $1. Vậy quả bóng có giá bao nhiêu?
Mức giá xuất hiện trong tâm trí bạn, $0.10 là kết quả của hệ thống 1 cảm tính và tự động, và nó đang hoạt động đấy! Hãy dành ra vài giây và thử giải bài toán này xem.
Bạn có nhìn thấy lỗi của mình? Đáp án đúng là $0.05.
Chuyện vừa xảy ra là Hệ thống 1 bốc đồng của bạn chiếm quyền và tự động trả lời bằng cách dựa vào cảm tính. Nhưng nó trả lời quá nhanh.
Thông thường, khi đối mặt với một tình huống chưa rõ ràng, Hệ thống 1 sẽ gọi Hệ thống 2 để giải quyết vấn đề, nhưng trong bài toán cây gậy và quả bóng, Hệ thống 1 đã bị lừa. Nó nhìn vấn đề quá đơn giản, và sai lầm khi tin rằng nó có làm chủ được.
Bài toán cây gậy-và-quả bóng đã bộc lộ bản năng lao động trí óc lười biếng của chúng ta. Khi não hoạt động, ta thường chỉ sử dụng tối thiểu số năng lượng đủ cho công việc đó. Người ta còn gọi đây là quy luật nỗ lực ít nhất. Bởi vì rà soát lại đáp án với Hệ thống 2 sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, tâm trí sẽ không làm thế khi nó nghĩ chỉ cần dùng Hệ thống 1 là đủ.
Sự lười biếng rất tai hại bởi vì tập luyện Hệ thống 2 là một phần quan trọng trong trí tuệ của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng làm những công việc liên quan đến Hệ thống 2 đòi hỏi tập trung và tự kiểm soát, giúp ta thông minh hơn. Bài toán cây gậy-và-quả bóng minh họa cho điều này, bởi vì tâm trí của chúng ta lẽ ra có thể kiểm tra lại đáp án bằng cách sử dụng Hệ thống 2 và do đó tránh được lỗi phổ biến.
Nếu lười biếng và lười sử dụng Hệ thống 2, tâm trí của ta sẽ tự giới hạn sức mạnh thông minh của nó.
3: Lái tự động: tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng kiểm soát có ý thức các suy nghĩ và hành động của mình.
Bạn nghĩ gì trong đầu khi bạn nhìn thấy các chữ cái "SO_P"? Có thể chưa có gì. Nhưng nếu bạn nhìn thấy chữ "EAT" (ĂN) đầu tiên? Bây giờ, khi nhìn lại chữ "SO_P", bạn sẽ có thể điền nốt nó thành "SOUP." Quá trình này lại còn được gọi là mồi (Priming)
Chúng ta bị thả mồi khi bắt gặp một từ, một khái niệm hoặc một sự kiện khiến ta liên tưởng đến những từ và khái niệm liên quan. Nếu bạn nhìn chữ "SHOWER" (TẮM) thay vì chữ "EAT" (ĂN) bên trên, có thể bạn sẽ hình dung ra chữ "SOAP" (XÀ PHÒNG).
Hiện tượng thả mồi này không chỉ ảnh hưởng tới cách ta nghĩ mà còn tới cách ta hành động. Giống như tâm trí bị ảnh hưởng khi nghe một số từ và khái niệm nhất định, cơ thể bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Một ví dụ tiêu biểu về hiện tượng này có thể được tìm thấy trong 1 nghiên cứu trong đó những người tham giả bị thả mồi bằng những từ gắn với tuổi già, như "Florida" và "nếp nhăn", có phản ứng đi chậm hơn bình thường.
Đáng ngạc nhiên là, chúng ta hoàn toàn không ý thức được suy nghĩ và hành động của mình bị tác động bởi việc thả mồi.
Vì vậy thả mồi cho thấy, trái với lập luận của nhiều người, chúng ta không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát có ý thức những hành động, phán đoán và lựa chọn của mình. Thay vào đó chúng ta luôn luôn bị định hướng bởi những điều kiện xã hội và văn hóa nhất định.
Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện bởi Kathleen Vohs chứng minh rằng chỉ nghĩ đến tiền sẽ khiến mọi người sống cá nhân hơn. Những người bị thả mồi bằng khái niệm tiền bạc - ví dụ, như nhìn ảnh đồng tiền - sẽ hành động độc lập và ít sẵn sàng dính líu, phụ thuộc hay chấp nhận yêu cầu từ người khác hơn. Một ngụ ý từ nghiên cứu của Vohns là sống trong xã hội chứa đầy những kích thích gắn với tiền có thể khiến mọi người sống ích kỉ hơn.
Thả mồi, giống như các nhân tố xã hội khác, có thể ảnh hưởng suy nghĩ và từ đó lựa chọn, phán xét, hành vi của một cá nhân - và chúng lại phản chiếu lại vào văn hóa và ánh hưởng tới kiểu xã hội mà chúng ta đang sống.
4: Phán đoán nhanh: Tâm trí lựa chọn nhanh như thế nào, kể cả khi nó chưa có đủ thông tin để đưa ra một quyết định lý trí.
Tưởng tượng bạn gặp một ai đó tên Ben tại bữa tiệc và thấy anh ta rất dễ gần. Sau đó, khi ai đó hỏi liệu bạn có biết ai muốn quyên góp cho quỹ từ thiện không. Bạn nghĩ đến Ben, cho dù điều duy nhất bạn biết về anh ta là người thân thiện.
Nói cách khác, bạn thích một phần trong tính cách của Ben, và vì vậy bạn tưởng rằng mình thích mọi thứ khác về anh ấy. Chúng ta thường yêu hay ghét một người kể cả khi ta biết rất ít về họ.
Xu hướng đơn giản hóa mọi thứ khi chưa có đủ thông tin của tâm trí thường dẫn đến những lỗi phán đoán. Hiện tượng này được gọi là sự nhất quán cảm xúc phóng đại, còn được gọi là hiệu ứng hào quang (halo effect): cảm giác tích cực về sự dễ gần của Ben khiến bạn đặt một vòng hào quang lên Ben, kể cả khi bạn không hiểu anh ta là mấy.
Nhưng đây không chỉ là cách duy nhất tâm trí của ta đi đường tắt khi đưa ra phán xét.
Con người còn mắc thiên kiến xác nhận (confirmation bias), xu hướng đồng tình với thông tin nào ủng hộ niềm tin trước đây của họ, cũng như chấp nhận bất cứ điều gì hợp với nó.
Ta có thể quan sát hiện tượng này khi đặt câu hỏi, "Liệu James có thân thiện không?". Các nghiên cứu chỉ ra, khi đối mặt với câu hỏi kiểu này mà không có thông tin nào khác, chúng ta rất dễ coi James là một người thân thiện - bởi vì tâm trí sẽ tự động đồng tình với ý kiến được gợi ý.
Hiệu ứng hào quang và thiên kiến xác nhận cùng xảy ra đồng thời bởi vì tâm trí ta hấp tấp đưa ra phán xét nhanh. Nhưng điều này thường dẫn đến sai lầm, bởi vì ta không phải lúc nào cũng có đủ dữ liệu để phán đoán chính xác. Tâm trí của ta dựa trên những gợi ý có thể sai lầm và đơn giản hóa quá khích mọi thứ để lấp chỗ trống trong dữ liệu, đưa chúng ta đến những kết luận có khả năng sai lầm cao.
Giống như thả mồi, những hiện tượng nhận thức này có thể xảy ra một cách hoàn toàn vô thức và tác động lên những lựa chọn, phán đoán và hành động của ta.
Nguồn: tramdoc