Công ty bán kem ở Ấn Độ đã có lợi nhuận gấp 5 lần so với chi phí đầu tư ban đầu cho cảm biến báo kem tan chảy sau 13 tháng.
Áp dụng Internet of Things trong cửa hàng bán kem
Một công ty sữa của Ấn Độ có 150 cửa hàng kem. Ở Ấn Độ, cúp điện là chuyện xảy ra thường xuyên, nên công ty này phải trang bị cho mỗi cửa hàng kem một máy phát điện diesel dự phòng để đảm bảo kem không bị chảy trong thời gian cúp điện.
Tuy nhiên, quản lý các cửa hàng thường tắt máy phát điện để tiết kiệm chi phí. Chuyện đó không có gì đáng phàn nàn lắm, miễn là không cúp điện.
Mỗi lần cúp điện, công ty này có thể mất vài nghìn đô la do kem tan chảy và bị hỏng. Đây là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khiến chính phủ có thể đưa ra những quyết định pháp lý đối với họ.
Họ quyết định tìm đến Nimble Wireless, một công ty khởi nghiệp trong nước, để xin trợ giúp. Theo Siva Sivakumar, Giám đốc Điều hành của Nimble Wireless, họ đã triển khai lắp đặt các thiết bị đa cảm biến nhỏ trong tủ kem. Các cảm biến này tự động kết nối với mạng lưới và có thể được giám sát từ xa thông qua phần mềm chạy trên đám mây.
Nếu nhiệt độ trong tủ kem tăng từ 1 đến 2 độ, hệ thống sẽ cảnh báo cho người quản lý đang làm nhiệm vụ. Nếu sự cố không được khắc phục trong 5 phút, hệ thống sẽ cảnh báo cho người quản lý ở cấp cao hơn. Nếu nhiệt độ trong tủ kem đó vẫn tiếp tục tăng lên, hệ thống sẽ tiếp tục báo cáo vấn đề lên các cấp trên nữa, tới tận Giám đốc Điều hành, nếu cần thiết.
Và những cảnh báo này không đơn giản chỉ là email hoặc tin nhắn, vốn dĩ có thể dễ dàng bị bỏ qua hoặc phớt lờ đi, đặc biệt là vào ban đêm. Hệ thống còn gửi những cảnh báo bằng giọng nói để nhắc người đang ở trong cửa hàng thực hiện hành động.
Trong trường hợp người nhận được cảnh báo không biết phải làm gì, hệ thống sẽ gợi ý các hành động, chẳng hạn như đóng cửa tủ hoặc bật máy phát điện. Nó cũng chạy các cảnh báo xu hướng, qua đó cho thấy sự cố vừa xảy ra ở đâu, sự cố một lần hay mang tính hệ thống, và hành động khắc phục diễn ra nhanh hay chậm.
Trong vòng một tháng triển khai giải pháp trên ở tất cả các cửa hàng, công ty sữa này bắt đầu thấy được lợi ích. Theo tính toán của họ, sau 13 tháng, lợi nhuận họ thu về đã lớn gấp 5 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Nimble Wireless hiện đang mở rộng giải pháp phát triển riêng cho công ty sữa này tới các công ty thực phẩm khác sản xuất pho mát, bơ, và gia vị ở Ấn Độ.
Đặt cảm biến để chống nạn ăn cắp dầu từ đường ống
Một ví dụ khác đó là nạn ăn cắp dầu từ đường ống. Đó là một vấn nạn lớn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành dầu khí. Điều đáng ngạc nhiên là, chuyện này thường xuyên xảy ra, và không chỉ ở các nước đang phát triển.
Giải pháp đưa ra là con pig thông minh, tức thiết bị vệ sinh đặt trong đường ống. Con pig thông minh chứa nhiều cảm biến khác nhau, có thể phát hiện và báo cáo tình trạng ăn cắp dầu cùng các vấn đề khác như thành ống dẫn bị ăn mòn, hay có khả năng ống dẫn bị rò rỉ.
Khi kết hợp một thiết bị như vậy với phần mềm phân tích và báo cáo dựa trên đám mây, thì lợi ích mang lại cho khách hàng là vô cùng lớn. Steve Banks, Giám đốc quản lý của i2i Pipelines, nhà sản xuất con pig thông minh, cho biết: “Với con pig thông minh, khách hàng có thể giảm chi phí phát hiện vấn đề trong đường ống xuống 95% so với các phương pháp kiểm tra truyền thống”.
Lợi ích cụ thể của các hình thức vận hành từ xa dựa trên IoT như thế này, bao gồm:
- Giảm chi phí vận hành, vì các vấn đề được phát hiện và khắc phục từ sớm. Các chi phí vận hành khác, như tiêu thụ gas cũng giảm.
- Giảm những gián đoạn trong quá trình giao hàng và sản xuất, vì công ty có thể đáp ứng các cam kết về dịch vụ tốt hơn, theo đó tránh được các hình phạt do vi phạm hợp đồng.
- Tăng tỉ lệ giao hàng đúng hạn, mang lại dịch vụ khách hàng tốt hơn.
- Giảm các chi phí do hệ thống bị gián đoạn, giúp tránh được nhiều chi phí liên quan phát sinh.
- Tối ưu hóa hệ thống hậu cần, cho phép tổ chức thực hiện tối ưu hóa tốt hơn đối với các nguồn lực như lái xe, hậu cần, phương tiện, và cơ sở vật chất để đạt hiệu quả tối đa.
Nội dung trên được trích dẫn trong cuốn Thiết lập Internet vạn vật trong doanh nghiệp của tác giả Maciej Kranz, Phó chủ tịch, Phụ trách Nhóm giải pháp đổi mới chiến lược sáng tạo tại Cisco.
Nguồn: cafebiz.vn