[Review Sách] "Suy Nghĩ Lớn, Hành Động Nhỏ": Bí Quyết Gia Tăng Lợi Nhuận Của Các Công Ty Hàng Đầu!

Ngày đăng: 01/10/2019 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Mục tiêu của mọi công ty là tối đa hoá lợi nhuận. Người lao động có mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách tăng thu nhập, còn các nhà cổ đông và đầu tư thì luôn đòi hỏi lợi nhuận cần phải tăng cao hơn nữa. Tinh thần cạnh tranh luôn được thể hiện qua các con số trên báo cáo. Trong cuộc chiến vì lợi nhuận, những công ty không chịu tiến lên sẽ bị bỏ lại phía sau. Trước đây, các nhà quản lý và chủ công ty thường có ba cách để gia tăng hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp của mình. Đó là, tăng doanh thu, cắt giảm chi phí hoặc nếu không thể áp dụng hai cách trên thì họ sẽ “xào lại” sổ sách. Tuy nhiên, trong cuốn sách Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ, Jason Jennings và đội ngũ của mình đã tiến hành nghiên cứu tất cả các công ty đại chúng trên toàn thế giới và hơn 50.000 công ty tư nhân lớn nhất ở Mỹ để tìm ra 9 công ty có hiệu suất kinh doanh hàng đầu và tiến hành phỏng vấn người lãnh đạo/quản lý của những công ty đó. Và thật bất ngờ, không có công ty nào áp dụng những chiến thuật cũ mèm kể trên, mà họ đều sử dụng phương pháp “suy nghĩ lớn, hành động nhỏ” và không cần phải sử dụng bất cứ mánh khoé hay chiêu trò gì để đạt được vị thế như bây giờ.

 

Jason Jennings là nhà nghiên cứu và là một trong những tác giả viết về phong cách lãnh đạo và kinh doanh thành công nhất thế giới. Ông là nhà sáng lập của Jennings-McGlothlin & Company, hãng tư vấn truyền thông thuộc hàng tầm cỡ trên thế giới. Các chiến lược kinh doanh và hoạch định huyền thoại của ông luôn được đón nhận và đã tạo ra được những cuộc cách mạng trong công nghiệp truyền hình. Các cuốn sách của ông luôn được đánh giá cao và xếp vào danh sách "Những cuốn sách bán chạy nhất" bởi các tạp chí như Wall Street Journal, USA Today, New York Times,…

Chín công ty được chọn tuy hiếm khi xuất hiện trên truyền thông nhưng lại có mức tăng doanh thu và lợi nhuận hằng năm lên đến 10% hoặc hơn. Nhóm nghiên cứu đã lập luận như sau: Nếu xác định được các công ty có khả năng gia tăng doanh thu và lợi nhuận liên tục tốt nhất, nhóm nghiên cứu đã thu được bài học quý giá. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đi khắp nước Mỹ, thâm nhập vào các công ty tiềm năng, đồng thời phỏng vấn, nghiên cứu, tận mắt quan sát và nhận biết những cá nhân điều hành chín công ty có hiệu suất cao nhất tại Mỹ, đó là: O’Reilly Automotive, SAS Institute, Sonic Drive-In, Dot Foods, Koch Industries, Medline Industries, PETCO Animal Supplies và Strayer Education.

Nhóm nghiên cứu đã tìm được điểm chung khi đi tìm câu trả lời của chin công ty. Văn hoá của họ dựa trên một khái niệm tưởng chừng như đơn giản: Suy nghĩ lớn nhưng hành động nhỏ. Thay vì ngủ quên trên thành công, họ vẫn giữ sự khiêm nhường. Họ không ngừng cố gắng và vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Họ theo sát các mục tiêu ngắn hạn và từ đó tạo ra tầm nhìn dài hạn và hiểu rằng doanh nghiệp sẽ không có tương lai lâu dài nếu không làm mọi việc đúng đắn hàng ngày.

Trong cuốn sách, tác giả sẽ dần hé lộ cho người đọc những khám phá của mình thông qua 10 viên gạch nền tảng (building block) mà các công ty này dùng để tăng thu nhập và lợi nhuận hàng năm, và từng bước tiến vào nhóm những công ty hàng đầu nước Mỹ. Mỗi viên gạch là một sự thật mà tác giả và nhóm cộng sự đã tìm ra, giới thiệu về công ty, câu chuyện của họ và cách viên gạch đó được áp dụng ở các công ty khác.

Viên gạch số 1: Thực tế

Lãnh đạo của những công ty được nêu trong cuốn sách không phải là những người nổi tiếng, họ đều là những người bình thường và mang trong mình một hay nhiều nét “dân dã”. Họ vô cùng khiêm nhường khi không hề muốn khoe khoang về bản thân, mặc dù những câu chuyện về họ vô cùng hấp dẫn. Cả chín công ty được đề cập đều do một người khiêm nhường lãnh đạo. Những người khiêm nhường tạo ra văn hoá khiêm nhường. Họ không cần lãng phí các nguồn lực có giá trị để cố gắng chứng minh tầm quan trọng của mình.  Họ cũng là những người dễ tiếp cận, biết khen ngợi khi người khác làm tốt. Họ là tuýp người yêu hành động hơn lời nói và luôn trân trọng những gì bạn làm. Khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo dường như được xoá bỏ khi không phải lãnh đạo lúc nào cũng xuất hiện qua vẻ ngoài hào nhoáng.

Viên gạch số 2: Để đôi tay lấm bẩn

Một trong những bài học quan trọng nhất mà nhóm nghiên cứu đã rút ra được từ những công ty liên tục tăng trưởng doanh thu là mọi cá nhân thuộc tổ chức đó đều không ngại xắn tay áo lên làm việc và để đôi tay được lấm bẩn. Điều này nghe có vẻ hơi kì lạ nhưng thực chất, nó có nghĩa rằng những lãnh đạo công ty này không ngần ngại trải nghiệm tất cả các vị trí công việc thuộc quyền nhân viên cấp dưới, kể cả những việc như dọn phòng hay xách túi cho khách hàng. Họ thường xuyên giữ quan hệ mật thiết với khách hàng, người lao động, các đại lý và nhà cung cấp. Jim Cabela, đồng Chủ tịch Cabela’s – hãng bán lẻ dụng cụ câu cá và săn bắn ở Sidney, dành mỗi sáng để xem những nhận xét và khiếu nại của khách hàng, từ đó trực tiếp chỉ đạo theo dõi.

Bằng cách giữ cho đôi tay lấm bẩn, quyền lực của các CEO cấp cao sẽ được chia sẻ cho cả nhân viên, nhà cung cấp hay thậm chí là khách hàng thông thường. Họ đang ủng hộ các tiếp cận quản lý từ dưới lên, thay vì từ trên xuống theo lẽ thường. Cách tiếp cận mới này khiến tổ chức có trách nhiệm hơn vào kết quả kinh doanh của công ty theo mong muốn chứ không phải do bị áp đặt.

Viên gạch số 3: Tạo ra mục tiêu ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn

Các công ty được chọn có lẽ đã không có tốc độ tăng trưởng doanh thu đáng nể và đồng đều nếu họ vạch ra các kế hoạch năm năm không hề thay đổi. Những bản kế hoạch dài hạn sẽ là những thứ kìm hãm sự phát triển của một công ty và vô cùng gây lãng phí thời gian. Các công ty suy nghĩ lớn và hành động nhỏ có thể duy trì doanh thu ấn tượng bằng cách luôn tập trung thực hiện các mục tiêu ngắn hạn quan trọng đồng thời thận trọng duy trì tầm nhìn dài hạn. Họ sẽ không chạy theo các con số, không để những gì to tát chiếm hết tâm trí và tiếp tục làm những gì đang có hiệu quả.

Viên gạch số 4: Buông bỏ

Hầu hết các công ty đều tốn rất nhiều, hay nói cách khác, lãng phí rất nhiều thời gian cố gắng khôi phục những điểm mạnh của họ trong quá khứ, bảo vệ các quyết sách đã đưa ra, hay vá víu những sai lầm trong quá trình vận hành mà không có thời gian để tập trung vào những điều quan trọng như thu hút thêm khách hàng hay tăng doanh thu. Cách đối mặt với khủng hoảng của họ thường là thực hiện những thay đổi tương đối nhỏ hoặc sửa lỗi theo kiểu vá víu và cầu nguyện cho mọi thứ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận với vấn đề này không hề hiệu quả và theo như nhóm nghiên cứu, các công ty hàng đầu mà họ đề cập sẽ đưa ra các phương pháp tiến hành hoàn toàn mới, loại bỏ phương pháp cũ và tập trung vào mục tiêu quan trọng trước mắt – tìm kiếm khách hàng và tăng doanh thu. Họ chứng minh lối suy nghĩ lớn, hành động nhỏ bằng cách chấp nhận và từ bỏ sản phẩm, dịch vụ và quy trình cũ. Nhưng bạn cũng không nên nhầm lẫn nghệ thuật buông bỏ với việc thường xuyên đưa ra chiến lược mới hoặc không thể thực thi được một chiến lược đã có sẵn. Thay vào đó, hãy triển khai kế hoạch chiến lược khi đã hạn chế được những sai sót đến mức tối đa.

Viên gạch số 5: Để mọi người suy nghĩ và hành động như một người làm chủ

Hơn một thập kỷ trước, một phóng viên đã hỏi David Koch, Phó CEO của Koch Industries – một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, về những thách thức lớn mà công ty phải đối mặt trong thập kỷ tới. Ông đã trả lời rằng: Khi quy mô công ty ngày càng lớn hơn, bạn sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì môi trường như khi nó còn ở quy mô nhỏ. Nhưng với tất cả những nỗ lực mà chúng tôi đặt vào việc duy trì văn hoá công ty khi còn ở quy mô nhỏ, tôi tin rằng chúng tôi vẫn sẽ thành công. Mọi người trong tổ chức cần phải có tư duy như một người sở hữu, để bản thân họ phải có trách nhiệm hơn với sự thành hay bại của tổ chức đó. Các cách để tư duy như một người làm chủ có thể kể đến như: Duy trì nhu cầu ham học hỏi trong tổ chức, trao quyền quyết định cho người hiểu biết nhất, tặng thưởng cho mọi người dựa trên giá trị mà họ tạo ra,…

Viên gạch số 6: Tạo ra những hoạt động kinh doanh mới

Mọi người thường lầm tưởng rằng chỉ những công ty mạnh nhất mới sinh tồn được. Nhưng Darwin đã nói: “Không phải loài mạnh nhất, hay thông minh nhất mà là loài thích nghi tốt nhất với thay đổi mới có khả năng sống sót”. Thực tế đã chứng minh rằng “cơ bắp đơn thuần chỉ mang lại rất ít giá trị lâu dài cho doanh nghiệp”.  Những công ty có tính thích ứng tốt nhất – là một trong số ít công ty mới có thể đạt được doanh thu tăng trưởng và nhất quán về lâu dài. Một đặc điểm khác của những công ty đó là khả năng tái tạo bản thân theo yêu cầu. Nếu một công ty có thể biến nhựa đường của công ty thành những con đường mới, công ty đó sẽ nắm vững hơn cơ hội có thể duy trì sự tăng trưởng doanh thu của mình.

Viên gạch số 7: Tạo ra những giải pháp đôi bên đều có lợi

Cuộc chiến giành khách hàng là một cuộc chiến không hồi kết. Khi bạn không có lợi thế cạnh tranh để phân biệt sản phẩm của bạn và của công ty khác, thì điều duy nhất còn lại là giá cả. Các cuộc cạnh tranh về giá hầu như đều có cùng một hồi kết: Khách hàng sẽ tìm đến những sản phẩm, dịch vụ có mức giá rẻ hơn.

Những công ty được đề cập trong cuốn sách đã nghiên cứu và tìm ra nhu cầu thực sự của khách hàng, từ đó tạo ra những giải pháp đôi bên cùng có lợi như không bao giờ nói “không” với khách hàng hay thành lập các nhóm bán hàng riêng biệt nếu cần để nhân viên kinh doanh có thời gian trở thành các nhà cung cấp giải pháp tốt hơn,…

Viên gạch số 8: Lựa chọn đối thủ cạnh tranh

Những công ty tự cao thường cho rằng dù ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào họ cũng là một phần tất yếu của người dùng. Tuy nhiên, chin công ty trong cuốn sách lại lựa chọn cách cẩn thận nghiên cứu thị trường, xác định mình muốn gì và không muốn gì. Họ tìm thấy thị trường ngách của mình và tránh cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh. Quyết định đó cho phép họ được tự định đoạt đướng hướng phát triển của riêng mình mà không phải chịu gánh nặng không cần thiết từ những lo toan về sự cạnh tranh khốc liệt từng ngày.

Viên gạch số 9: Xây dựng cộng đồng

Một trong những lợi thế cạnh tranh đáng kể của chín công ty được lựa chọn là đều sở hữu – xây dựng và phát triển cộng đồng nhân viên, khách hàng và người hâm mộ. Đây là điều mà một số công ty còn không biết để có thể đạt được hiệu quả tài chính ấn tượng. Nếu họ có thể khai thác được sức mạnh của phát hiện này, họ sẽ có thể có khả năng cạnh tranh rất lớn trên thị trường.

Viên gạch số 10: Đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai

Các công ty mà nhóm nghiên cứu lựa chọn không thuê CEO từ bên ngoài – những người không hề hiểu gì về văn hoá của công ty, hay tuyển các chuyên gia tài chính từ bên ngoài, mà họ lựa chọn tự đào tạo các nhà lãnh đạo cho chính mình. Việc này đã được thực tế chứng minh rằng có hiệu quả tốt đến doanh thu của chính họ. Họ sẽ tiến hành nghiên cứu xem những người nào thực sự muốn gắn bó lâu dài với công ty, và tiến hành đào tạo nội bộ để lựa chọn ra những nhà quản trị trong tương lai.

 

Phần tiếp theo, tác giả đề cập đến bốn hình thức tự đánh giá và xếp hạng dựa trên bốn tình huống có thể xảy ra. Đó là: suy nghĩ nhỏ hành động nhỏ, suy nghĩ lớn hành động lớn, suy nghĩ nhỏ hành động lớn và suy nghĩ lớn hành động nhỏ. Tác giả đưa ra các tình huống và yêu cầu độc giả lựa chọn theo 10 viên gạch đã đề cập và cho điểm số. Từ đó tác giả đưa ra các phân tích dựa trên điểm số phù hợp.

LỜI KẾT

Nếu bạn đang có dự định tự kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp của riêng mình, thì Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ là một cuốn sách phù hợp. Cuốn sách này cho bạn những tư duy mà một nhà lãnh đạo nên có và phải có để thành công. Hơn nữa, cuốn sách còn cho bạn những case study thực tế với những phân tích vô cùng sắc bén. Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ chắc chắn là một cuốn sách không thể thiếu trong danh sách những cuốn sách của một nhà quản trị tương lai!

Tác giả: Mei Hoàng - Bookademy 

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan

Sản phẩm mới

Vui Cười Lên Cùng Chứng Khoán

Vui Cười Lên Cùng Chứng Khoán

119.200₫ 149.000₫
(0)
Vui Cười Lên Cùng Chứng Khoán

Vui Cười Lên Cùng Chứng Khoán

119.200₫ 149.000₫
(0)