(Cảnh báo! Đây là một bài review dài.)
Nữ Youtuber X luôn mở đầu các video của cô bằng cách giới thiệu rằng mình từng học chuyên Anh Năng Khiếu. Trong một video khác, cô nói rằng nếu ai cảm thấy khó chịu với lời giới thiệu này thì xin hãy xem lại mức độ tự tin của bản thân...
Mình không cảm thấy khó chịu với lời giới thiệu của X. Mình chỉ thấy có vấn đề trong cái cách mà nhiều người chúng ta hiện nay vẫn gọi tên các lớp chuyên là lớp “năng khiếu”...
Rất nhiều người thích cái niềm tin rằng “có điều kỳ diệu trong cuộc sống này”: những người sinh ra với khả năng đáng kinh ngạc, thứ mà họ không cần phải bỏ ra nhiều công sức và kỷ luật để phát triển. Có cả một nền công nghiệp truyện tranh và những vũ trụ điện ảnh được xây dựng trên cái tiền đề đó... Nó là lời giải thích “hợp lý” cho cái sự “bình thường” của chúng ta, nó xoa dịu cảm giác tự ti trong mỗi con người.
Nếu một người có “năng khiếu” mà gây được tiếng vang trong xã hội thì thường được gọi “thiên tài” (vì cái suy nghĩ “tài” của họ là do “thiên” phú), họ được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích... Vậy nên có những người từng khổ luyện thành tài lại không muốn tiết lộ rằng họ đã từng khổ luyện, sợ nói ra thì người ta sẽ không coi mình là “một tạo vật mang điều kỳ diệu” nữa! Chúng ta thường thích đặt “điều kỳ diệu” lên cao hơn các yếu tố “cơ hội”, “động lực”, “nỗ lực”... Rapper Đen Vâu đã rap một đoạn thế này:
“Người ta không quý con ong, mà người ta chỉ quý mật.
Em hỏi sao nhạc anh hay, anh gọi nó là bí thuật!”.
(Hai triệu năm – Đen Vâu)
Nhưng không phải ai cũng thích được người ta coi mình là “thiên tài” hay xem tài năng của mình là “bí thuật” đâu. Cầu thủ bóng rổ Ray Allen đã bức xúc khi một bình luận viên nhận xét rằng “Anh được sinh ra cùng sự nhạy cảm với trái bóng”. Ray phản bác: “Đừng làm giảm giá trị công sức của tôi đã bỏ ra hàng ngày”.
Năm 2014, có một thí nghiệm được tiến hành tại trường âm nhạc Ichionkai ở Tokyo do nhà tâm lý học người Nhật Ayako Sakakibara thực hiện:
Một nhóm 24 trẻ em từ 2-6 tuổi đã trải qua một khóa huấn luyện kỹ năng thẩm âm trên đàn piano. Sau 1 năm cho đến 1 năm rưỡi, tất cả bọn trẻ điều có kỹ năng thẩm âm cực tốt với đàn piano.
Trong điều kiện bình thường, chỉ có 1/10.000 người sở hữu được khả năng này, ngay cả những nhạc sĩ trứ danh thế giới như Brahms, Igor Stravinsky, Miles Davis... cũng không có. Thí nghiệm này đã chứng minh rằng: cái khả năng mà bao nhiêu năm nay người ta vẫn cho là “thiên phú” này lại có thể đạt được thông qua việc tập luyện.
Trong quyển sách PEAK – NHỮNG ẢO TƯỞNG THIÊN TÀI, tác giả đã phân tích kỹ hàng loạt những “ảo tưởng” của chúng ta về các “thiên tài”:
- “Mozart là thần đồng âm nhạc”. Không phải đâu. Ông ấy được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nên được rèn luyện với âm nhạc từ bé.
- “Các đại kiện tướng cờ vua là những người có IQ cao”. Không hề. Các bài test IQ của họ không thể hiện điều đó.
- “Chị em nhà Polgar có năng khiếu chơi cờ”. Chẳng có “năng khiếu” gì ở đây cả. Họ là sản phẩm của một thí nghiệm khoa học do chính ông bố László Polgar thực hiện. Ông một nhà tâm lý giáo dục. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì tra Google cụm “chị em nhà Polgar” nhé.
- “Những người mắc hội chứng Savant là những thiên tài”. Lại là một ngộ nhận nữa. Khả năng đặc dị của họ được hình thành là do tập luyện. Họ bị ám ảnh một cách cực độ về một lĩnh vực nào đó, và bộ não của họ có khả năng tập trung cao độ đến nỗi quên hết thế giới xung quanh.
- “IQ càng cao thì càng dễ thành công”. Đúng là IQ cao có thể giúp ta học nhanh một kỹ năng nào đó trong thời gian ngắn. Nhưng xét về dài hạn thì nó cũng có thể là một yếu tố bất lợi để một người đạt đến trình độ xuất sắc.
- Các cầu thủ bóng chày có thể liên tục vụt trúng quả bóng ném về phía họ với vận tốc lên đến 150km/h. Có phải họ được trời phú cho thị lực tốt hơn người thường? Hóa ra thị lực của họ cũng như người bình thường thôi.
... còn nhiều ngộ nhận nữa, nhưng mình kể vắn tắt vì... mỏi tay quá! Nếu các bạn tò mò thì hãy đọc sách sẽ được lý giải đầy đủ.
Cách đây chưa lâu, mình từng đọc một bài báo mạng có tiêu đề “Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi”. Trong bài, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bộc bạch thế này:
“Người ta gọi Trần Đăng Khoa là thần đồng, là thiên tài nhưng chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi. Tôi không có tài cán gì, thậm chí rất xoàng. Tôi chỉ có chịu khó đọc sách”.
Các bạn có thể search Google tiêu đề bài báo này để đọc và hiểu ra bao lâu nay mọi người đã “ngộ nhận” về khả năng của ông như thế nào.
Tác hại của niềm tin vào “tài năng thiên phú” đó là: khi một người bị đánh giá là “không có tài năng thiên phú” thì khả năng cao là người đó sẽ nhụt chí, ngưng cố gắng, bỏ cuộc, và đi thử sức ở một lĩnh vực khác. Kết quả là lời đánh giá đó trở thành hiện thực. Trong khi đó, các HLV thường dành nhiều thời gian, đưa ra nhiều lời khuyến khích và chỉ dẫn cho những VĐV được đánh giá là “có tài năng thiên phú”. Họ được tạo điều kiện để tập luyện nhiều hơn, cọ xát nhiều hơn, thi đấu nhiều hơn... Và lẽ dĩ nhiên là họ có kỹ năng giỏi hơn. Một lần nữa, lời đánh giá ban đầu lại trở thành hiện thực! Đó là cái cách xã hội này nhào nặn ra “thiên tài” chứ không phải do “ông trời”.
Vậy tài năng đến từ việc cần cù tập luyên ư? Mình chợt nhớ đến “Quy tắc 10.000 giờ”:
“Chỉ cần bỏ ra 10.000 giờ luyện tập bất cứ việc gì, bạn sẽ trở thành bậc thầy.”
Đúng là một quy tắc vừa dễ nhớ, lại vừa hấp dẫn! Những quyển selfhelp và các diễn giả về phát triển bản thân rất thích nhắc về quy tắc này. Trớ trêu thay, không phải cứ cắm đầu cắm cổ luyện tập mà lại thành tài! Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi ta đạt đến trình độ “chấp nhận được” và thực hiện công việc một cách “tự động” thì dù có tập luyện trong nhiều năm cũng chẳng thể nâng cao được trình độ, vì cơ bản ta chỉ làm một điều gì đó cũ rích lặp đi lặp lại nhiều lần mà thôi: bác sĩ không chịu cập nhật kiến thức – kỹ năng mới, giáo viên không chịu đổi mới phương pháp giảng dạy, người nghệ sỹ chỉ diễn đi diễn lại những bài ruột... Nói ra “10 năm kinh nghiệm” thì nghe có vẻ “bá đạo” lắm nhưng thật ra có thể là: 1 năm kinh nghiệm nhân cho 10 lần! Đó gọi là “tập luyện ngây thơ”. “Tập luyện ngây thơ” chẳng giúp ai trở thành bậc thầy thực thụ cả, thậm chí nhiều “lão làng” vì “tập luyện ngây thơ” còn sinh ra “ảo tưởng sức mạnh”.
Các nhà khoa học đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu, thống kê, thử nghiệm... nhằm tìm ra một phương pháp chung để mọi người có thể trở thành bậc thầy ở một lĩnh vực nào đó. Mình ấn tượng nhất là dự án nghiên cứu về khả năng nhớ số, mình tóm tắt lại nhé:
Họ thuê một sinh viên bình thường tên là Steve Faloon để thực hiện một thí nghiệm đơn giản: anh ta sẽ nghe người khác đọc một loạt các chữ số với tốc độ 1số/giây. Sau đó Steve sẽ cố nhớ và lặp lại dãy số đó để kiểm tra xem anh có thể nhớ được tối đa bao nhiêu số. Ban đầu thì Steve chỉ nhớ được tố đa 7-8 số như chúng ta thôi... Sau 200 giờ tập luyện, các bạn có biết Steve nhớ được bao nhiêu số không? 82 chữ số! Không nhầm đâu, chính xác là tám-mươi-hai chữ số. Có thể nói Steve đã trở thành “thiên tài” cmnr! Họ đã làm như thế nào chỉ qua 200 giờ tập luyện?
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã lập được một hệ thống các nguyên tắc tập luyện và đặt tên cho nó là “phương pháp tập luyện có chủ ý” (mình sẽ viết tắt là PPTLCCY). Phương pháp này có thể áp dụng cho các hình thức tập luyện thể chất lẫn tinh thần. Nó dựa trên việc khai thác khả năng thích nghi của cơ thể và não bộ con người. Lời khuyên “Hãy cứ cố gắng, bạn sẽ thành công” là chưa đủ, bạn phải cố gắng có chiến lược và phương pháp đúng thì mới thành công được.
Khi bạn tham gia vào một hoạt động thể lực quyết liệt, kéo dài, thường đẩy cơ thể vượt qua giới hạn thì cơ thể sẽ kích hoạt các gen ẩn để tăng cường hệ thống sinh hóa tế bào, phát triển thêm các sợi cơ, hình thành thêm các mao mạch... chúng thay đổi cơ thể ta theo những cách khiến cho những nỗ lực ấy trở nên dễ dàng hơn.
Quan niệm trước đây cho rằng khi con người đạt tới tuổi trưởng thành thì não bộ sẽ ngưng phát triển, nếu có thì chỉ là một chút tăng cường một số kết nối thần kinh ở chỗ này và suy yếu một số kết nối thần kinh ở chỗ khác. Nhưng những nghiên cứu mới lại phát hiện ra bộ não của chúng ta có “tính dẻo”. “Dẻo” nhất là ở trẻ em, và khi càng lớn tuổi thì “độ dẻo” của bộ não mất dần đi nhưng không hề mất hẳn: có những thay đổi ở hồi hải mã, tăng lượng myelin, hình thành những kết nối mới giữa các noron, chuyển đổi chức năng của những vùng não không sử dụng hoặc ít sử dụng... Nói chung là các cấu trúc, chức năng trong não không cố định và có khả năng định hình lại qua quá trình tập luyện đúng cách.
- Một kỷ lục gia Guinness tên là Bob J. Fisher đã luyện tập theo PPTLCCY để phát triển các kỹ năng ném bóng của mình.
- Trường đại học British Columbiađã thử áp dụng PPTLCCY vào việc giảng dạy vật lý cho một lớp học. Kết quả là điểm trung bình của lớp đó cao hơn lớp truyền thống 23%.
- Người ta đã áp dụng PPTLCCY vào việc huấn luyện các bác sĩ đọc phim X-Quang để họ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
- Thật tình cờ là cách luyện văn của Benjamin Franklin, và cách huấn luyện phi công của trường bay Top Gun lại có nhiều điểm tương đồng với PPTLCCY.
PPTLCCY không phải là con đường tắt, mà là con đường ngắn nhất. Nó cũng đòi hỏi người tập phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức tập luyện với cường độ cao, sự tập trung, thường xuyên đối mặt với cảm giác thất bại khi cố vượt ngưỡng... Người tập còn phải chống lại sự đau nhức của thể xác, sự rệu rã của tinh thần, thậm chí là sự buồn tẻ, đơn độc khi luyện tập một mình... Làm sao mà họ vượt qua được tất cả những trở ngại ấy? Động lực nào?
Một chủ đề mà mình cảm thấy rất thú vị trong quyển sách này là việc tác giả đi tìm câu trả lời cho vấn đề duy trì động lực. Bằng các lập luận khoa học, ông bác bỏ sự tồn tại của cái gọi là “sức mạnh ý chí”. Cái mà chúng ta vẫn “ảo tưởng” là “sức mạnh ý chí” thật ra là “động lực”. Mình có thể liệt kê ra đây gần một chục cái gạch đầu dòng tóm tắt các nguồn đồng lực phổ biến mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến các bạn có ít động lực hơn để “đào bới” những điều hay ho bổ ích trong sách. Thế nên mình xin phép không được tiết lộ nhé!
Tuy vậy, tác giả cũng thừa nhận vẫn có một số lợi thế về mặt di truyền, ở một góc độ nào đó thì cũng có thể xem nó là “thiên phú”:
- Sự hứng thú: một số đứa trẻ sinh ra đã có sẵn hứng thú với việc tô vẽ hoặc âm nhạc... Nên chúng dành nhiều thời gian hơn cho những thứ mà chúng ưa thích, chúng trải qua nhiều thời gian tập luyện hơn nên giỏi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
- Sự tập trung: một số người có khả năng tập trung cao hơn những người khác nên họ tập luyện hiệu quả hơn.
Dù ai đó có được hai yếu tố “thiên phú” kể trên thì cũng đòi hỏi một quá trình tập luyện lâu dài, bền bỉ, tốn nhiều công sức mới trở nên lão luyện được. Nếu bạn không sở hữu hai yếu tố đó, thì bạn vẫn có thể tự tạo ra chúng: động lực có thể tạo ra hứng thú, và sự tập trung có thể rèn luyện được. Đó không phải là điều kỳ diệu. Không hề có những bước đại nhảy vọt. Chỉ có những sự phát triển mà đối với người ngoài thì giống như là những bước đại nhảy vọt vì họ không nhìn thấy những bước nhỏ tạo nên chúng. Chúng ta chỉ biết mật rất ngon thôi chứ nào ai biết con ong nó chắt chiu từng giọt mật cực khổ như thế nào đúng không?
Có một du khách hỏi một ông lão người địa phương: “Ở ngôi làng này sinh ra nhiều vĩ nhân lắm phải không?”
Ông lão từ tốn trả lời: “Không! Chỉ toàn em bé!”
(sưu tầm)
Tác giả chính của quyển sách này là giáo sư tâm lý học Anders Ericsson. Ông là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực tâm lý học, chuyên nghiên cứu về hiệu suất con người. Ông đã có hơn 30 năm tìm hiểu về những kẻ xuất chúng. Trước đây mình đã đọc ít nhất 4 quyển sách hay khác có nhắc đến tên ông:
- Phiêu bước cùng Einstein (Joshua Foer).
- Mật Mã Tài Năng (Daniel Coyle).
- Những Kẻ Xuất Chúng (Malcolm Gladwell).
- Vững Tâm Bền Chí Ắt Thành Công (Angela Duckworth).
(Nhiều người cho rằng những quyển sách trên thể hiện kiểu “tư duy khốn cùng”. Mặc kệ, mình yêu thích “sự khốn cùng” này!)
Lần đầu tiên mình ấn tượng về cái tên Anders Ericsson là khi đọc câu chuyện do tác giả Joshua Foer kể trong quyển “Phiêu bước cùng Einstein”. Để mình thuật lại vắn tắt cho các bạn nghe:
Trong quá trình tập luyện để tham gia cuộc thi Vô địch Trí nhớ Mỹ thì Joshua Foer vấp phải “trang thái chững” mà anh không cách nào vượt qua được: anh thất bại trong việc rút ngắn thời gian ghi nhớ thứ tự các lá bài của một bộ bài tây được xếp ngẫu nhiên. Cuối cùng Joshua tìm đến Anders Ericsson để xin lời khuyên. Ông đã trao cho anh “chiếc chìa khóa vàng” mà anh đang cần: “Tôi khuyên anh nên đọc bài nghiên cứu về gõ bàn phím nhanh”. Trong bài nghiên cứu ấy có đề cập đến một yếu tố cốt tủy của “phương pháp tập luyện có chủ ý”. Cuối cùng, Joshua giật giải quán quân Vô địch Trí nhớ Mỹ năm 2006.
Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, rất nhiều công việc từng tồn tại 40 trước giờ đã biến mất. Việc một người thay đổi nghề nghiệp 2-3 lần trong đời là không hiếm. Do đó, ta cần phải có một phương pháp đào tạo - học tập - rèn luyện hiệu quả để phát triển các kỹ năng mình cần một cách nhanh nhất. Nếu bạn không tiến bộ, không phải do bạn thiếu tài năng bẩm sinh, mà do bạn chưa luyện tập đúng cách.Việc học tập – rèn luyện không nên xem là cách để ta phát huy tiềm năng, mà nên xem là cách để ta tạo ra khả năng và tạo ra số phận cho chính mình.
Tác giả cũng lưu ý rằng: nhiều người đã phát triển kỹ năng đến mức phi thường thì dù muốn hay không thì họ cũng sẽ bị thụt lùi ở một lĩnh vực khác. Cái gì cũng có cái giá của nó. Chúng ta luôn bị giới hạn bởi thời gian và nguồn lực. Nếu bạn đang luyện tập một kỹ năng nào đó thì nên chuyên nhất sẽ hiệu quả hơn là ôm đồm. Chẳng có ai “bá đạo” ở nhiều lĩnh vực cả. Những người như Steve Faloon tuy nhớ được một dãy 82 số nhưng khả năng nhớ được một dãy ký tự vô nghĩa (VD như: lbkfgtqmdjln) không hơn chúng ta. Joshua Foer cũng rất hay đễnh đoảng.
Ở thời đểm hiện tại, đây là một quyển sách hay nhất mà mình từng đọc trong năm nay. Mình cho quyển này điểm “RẤT PHÊ!!!”. Nãy giờ chắc các bạn đang rất tò mò cái “phương pháp tập luyện có chủ ý” là như thế nào đúng không? Các bạn sẽ không có được câu trả lời khi đọc bài review này. Bởi đơn giản là với bài review này mình không thích spoil cái điều giá trị nhất của quyển sách, mình muốn nhiều người vì tò mò mà tìm đọc quyển sách tuyệt vời này để hiểu ra hai điều cốt lõi:
- Thứ nhất: kỹ năng của chúng ta là do chúng ta làm chủ.
- Thứ hai: nếu bạn cảm thấy nhạc của rapper Đen Vâu hay thì cũng chẳng có gì là “bí thuật” cả!
Đặt sách tại: https://alphabooks.vn/nhung-ao-tuong-ve-thien-tai
Nguồn: Thái Đức Phương