Lời khuyên của bậc thầy kinh doanh cho việc mở rộng quy mô doanh nghiệp

Ngày đăng: 10/12/2018 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Những lời khuyên từ bậc thầy kinh doanh Verne Harnish dành cho các nhà lãnh đạo đang muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Cuốn sách Mở Rộng Doanh Nghiệp (Scaling Up) của bậc thầy kinh doanh Verne Harnish - nhà sáng lập Entrepreneurs' Organization, giảng viên của chương trình đào tạo lãnh đạo Birthing of Giants, nhà sáng lập và CEO Công ty Gazelles - chứa đựng nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các doanh nhân, lãnh đạo đang muốn mở rộng quy mô doanh nghiệp.


Cuốn sách tập trung vào 4 vấn đề chính doanh nhân cần phải chú trọng, đó là: con người, chiến lược, sự điều hành và cách sử dụng tiền bạc.

Dưới đây là những bài học được Zach Cutler – chuyên gia tiếp thị, nhà sáng lập Cutler PR - rút ra từ cuốn Scaling Up - Mở rộng doanh nghiệp.

1. Con người làm nên doanh nghiệp

Harnish khuyên nhà lãnh đạo hãy nhớ đến yếu tố con người đầu tiên mỗi khi nghĩ về doanh nghiệp. Yếu tố con người quyết định thành công của doanh nghiệp, vì vậy, việc thuê đúng người tài rất quan trọng. Một đội ngũ nhân viên giỏi sẽ giải quyết được hầu hết các vấn đề một doanh nghiệp đang mắc phải.

Hãy đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc tìm kiếm nhân tài để đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Sự ưu tú của ứng viên không chỉ thể hiện qua kiến thức và kỹ năng mà còn ở sự phù hợp với tầm nhìn, giá trị và văn hóa của doanh nghiệp.

Sau khi có được nhân tài, hãy tạo điều kiện làm việc tốt nhất để họ luôn trung thành với doanh nghiệp. Chẳng hạn như áp dụng chính sách truyền thông nội bộ cởi mở, khen thưởng những thành tích xứng đáng, trao cho họ công cụ cần thiết để hoàn thành công việc, cung cấp những khóa đào tạo hữu ích cho sự nghiệp…

Con người là "xương sống" của doanh nghiệp, nhân viên phát triển thì doanh nghiệp cũng phát triển. Hãy đầu tư vào sự phát triển của họ bằng cách: đăng ký cho họ tham gia những khóa học trực tuyến để mở rộng kỹ năng; tạo điều kiện cho họ tham dự những hội nghị, sự kiện quan trọng để luôn cập nhật được tình hình phát triển của lĩnh vực mình đang hoạt động; vẽ ra cho họ những con đường tiềm năng để phát triển sự nghiệp và những cơ hội từ phía doanh nghiệp có thể giúp họ đạt được những mục tiêu mới.

2. Đi theo một chiến lược đơn giản

Để thành công, doanh nghiệp nào cũng cần phải có chiến lược, nhưng chiến lược đó không nên quá phức tạp. Hãy tạo ra một chiến lược chỉ trên... một trang giấy.

Chiến lược này nên bao gồm những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, những giá trị cốt lõi và tầm nhìn của doanh nghiệp. Hãy thiết lập mục tiêu cho mỗi quý, mỗi năm và vài năm sắp đến. Đồng thời kèm theo một phân tích ngắn về thị trường và một thông điệp súc tích cho các nhà đầu tư.

Để lên bản thảo và phát triển chiến lược mở rộng doanh nghiệp, hãy tìm kiếm lời khuyên từ những chuyên gia, nhà tư vấn và cả những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm, bởi họ sẽ có những góc nhìn khách quan hơn nhân sự của chính doanh nghiệp.

3. Người điều hành phải có tầm nhìn xa rộng

Một doanh nghiệp không thể phát triển nếu không được xem xét, đánh giá trong một “bức tranh lớn”, và những nhà lãnh đạo sẽ không thể nhìn thấy “bức tranh lớn” đó nếu mỗi ngày luôn phải quay cuồng với công việc quản lý. Nhà lãnh đạo nên lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không nên quản lý mọi thứ quá tiểu tiết.

Hãy giao phó những phần việc mỗi ngày cho các bộ phận phòng ban và tập trung vào việc mở rộng quy mô doanh nghiệp. Hãy dành thời gian để tương tác với khách hàng, hoàn thiện những sản phẩm/dịch vụ hiện tại và phát triển thêm những sản phẩm/dịch vụ mới, dấn thân vào các thị trường mới. Hãy thoát ly ra khỏi những phần việc quen thuộc mỗi ngày ở doanh nghiệp và nhìn xa hơn để thấy được những tiềm năng phát triển trong tương lai.

4. Dự trữ tiền mặt

Khi biến cố bất ngờ xảy đến, một nguồn tiền mặt dự trữ sẵn sẽ trở nên rất hữu ích cho “sức khỏe” doanh nghiệp. Do đó, mỗi một thương vụ mua bán luôn cần được cân nhắc cẩn thận. Harnish nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một dòng tiền bền vững nhưng cũng lưu ý vấn đề chi tiêu tiền một cách khôn ngoan.

Khi đã thành công, Microsoft vẫn không chi tiền cho bất kỳ một hoạt động nào không cần thiết như những chuyến công du xa xỉ hay những chiến lược chưa được xem xét kỹ. Thay vào đó, Hãng tạo ra một nguồn dự trữ tiền mặt lớn.

Trước khi thực hiện bất kỳ thương vụ nào, hãy cân nhắc mức độ cần thiết của nó. Nó sẽ tác động thế nào đến việc kinh doanh? Nó sẽ góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu như thế nào? Những rủi ro có thể xảy đến là gì?...

Theo Bích Trâm/doanhnhansaigon.vn

Tin nổi bật

Tin tức liên quan