Khởi đầu chỉ là một trang blog nhỏ chia sẻ những kinh nghiệm sống và học tập ở nước ngoài, đến nay dự án “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều bạn trẻ.
Từ trái sang: Phạm Anh Đức, Hồ Thu Hương và Nguyễn Phan Linh, tác giả của dự án Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới - Ảnh: NVCC |
Dự án bao gồm hàng loạt hoạt động như giao lưu với diễn giả quốc tế, tư vấn cách săn học bổng, tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước ngoài, chia sẻ “mẹo” ứng xử ở các môi trường văn hóa mới...
26 tuổi, đi 38 nước
Những nội dung trên nhằm chuẩn bị cho giới trẻ những kỹ năng cần thiết để hội nhập và trở thành công dân toàn cầu với tấm hộ chiếu Việt Nam. Dự án do ba người bạn Hồ Thu Hương (28 tuổi), Phạm Anh Đức (26 tuổi) và Nguyễn Phan Linh (27 tuổi) thực hiện từ giữa năm 2015.
Ở độ tuổi 26, Đức đã đặt chân đến 38 quốc gia trên thế giới, chủ yếu thông qua các chương trình trao đổi văn hóa, tình nguyện, học bổng. Ngoài hai ngôn ngữ Việt và Anh, Đức còn thông thạo tiếng Pháp, Czech và đang dự định học thêm tiếng Trung Quốc, nơi Đức đang sống và làm việc.
Trong khi đó, Thu Hương cũng từng đi qua trên 30 quốc gia và nói được năm thứ tiếng gồm Anh, Việt, Czech, Tây Ban Nha và Pháp. Còn Phan Linh đang “tạm thời” ổn định công việc tại Singapore và lên kế hoạch học cùng lúc hai ngoại ngữ là Czech và Đức, sau khi trải nghiệm cuộc sống nhiều nước khác như Thụy Sĩ, Áo, New Zealand, Malaysia, Indonesia...
“Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên khi cùng học tại Cộng hòa Czech. Sau khi học xong, mỗi người lại bay sang một quốc gia khác nhau nhưng vẫn giữ liên lạc” - Đức kể lại cơ duyên khiến cả ba gặp gỡ.
Là những người trẻ luôn khao khát được dịch chuyển, họ không chỉ tìm kiếm ước mơ của riêng mình, mà còn nung nấu hi vọng được dẫn dắt giới trẻ Việt Nam cùng tiến ra trường quốc tế. Tìm thấy niềm đam mê chung qua những cuộc trò chuyện, ba bạn trẻ quyết định thành lập dự án “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”, nhưng chỉ là một trang blog chia sẻ những bài viết về cuộc sống, kinh nghiệm cá nhân khi ở nước ngoài.
Sau một thời gian hoạt động, được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình, dự án mở rộng hơn với các hoạt động như tư vấn cách xin học bổng, tìm cơ hội việc làm hoặc tình nguyện tại nước ngoài, dạy tiếng Anh trực tuyến. Tuy khác nhau về khoảng cách địa lý, Đức, Hương và Linh vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian họp hằng tuần để lên kế hoạch cho dự án.
Tháng 12-2016, nhóm xuất bản quyển sách Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới - Những bước trở thành công dân toàn cầu. Cuốn sách gồm ba phần, xoay quanh các bí quyết giúp hội nhập môi trường quốc tế nhanh chóng, cách nuôi dưỡng đam mê, phát triển bản thân và vượt qua những rào cản tâm lý trong hành trình đi “săn” cơ hội.
Tính đến nay, ngoài con số hơn 12.000 lượt theo dõi trên Facebook, các buổi giao lưu trực tuyến của nhóm cũng thu hút 1.000 - 2.000 bạn trẻ theo dõi, với mạng lưới khách mời là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, giáo dục đến từ Mỹ, Nhật, New Zealand, Ba Lan, Singapore, Hà Lan, Cộng hòa Czech...
Dự kiến trong năm 2017, nhóm sẽ thành lập các câu lạc bộ “Hộ chiếu xanh” tại các trường đại học, trung học phổ thông ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành để giúp sinh viên, học sinh cải thiện kỹ năng mềm, rèn luyện khả năng ngoại ngữ và trau dồi kiến thức văn hóa.
Tự tin, bản lĩnh để hội nhập
Những cơ duyên và cả khó khăn trong cuộc sống đã khiến cả Đức, Hương và Linh từ những người trẻ bình thường trở thành các công dân toàn cầu với khả năng “săn” cơ hội vô cùng chuyên nghiệp nhờ động lực thôi thúc.
“Năm 18 tuổi, tôi đăng ký tham gia một dự án phi chính phủ tại Brazil và may mắn được xếp chung nhóm với bảy người đến từ bảy quốc gia khác nhau. Chuyến đi ấy nhóm lên trong tôi niềm đam mê được đi du lịch, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới” - Đức nhớ lại chuyến đi xa gia đình đầu tiên khi chỉ mới là sinh viên năm nhất đại học.
Trong khi đó, Nguyễn Phan Linh lại chia sẻ về những lời dạy của cha năm anh mới lên 7. Khi ấy ông trở về từ Nhật sau chuyến đi xuất khẩu lao động.
“Cha nói khi sang Nhật ông thấy có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang theo học và làm việc. Ông hỏi tại sao tôi không thử đi học ở nước ngoài để tìm kiếm nhiều cơ hội hơn cho bản thân?” - Linh nhớ lại. Câu nói ấy mở ra cho Linh một hành trình mới. Từ đó cha mẹ luôn đồng hành, hỗ trợ anh đặt mục tiêu và động viên tinh thần con mỗi lúc khó khăn.
Năm 9 tuổi, Thu Hương theo gia đình sang định cư tại Cộng hòa Czech. Cuộc sống không thuận lợi, đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc đã khiến cô gái trẻ phải tìm đến một quốc gia khác sinh sống.
Chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội đi thực tập, tham gia các dự án tình nguyện ở nước ngoài, Hương cho biết bạn trẻ có thể tìm kiếm trên Google, liên hệ với những người đi trước trong lĩnh vực các bạn quan tâm, hoặc thông qua những tổ chức quốc tế uy tín như AIESEC để tham gia các chương trình thực tập ngắn hạn từ sáu tuần đến một năm.
“Công dân toàn cầu không nhất thiết phải là người đi nhiều quốc gia, nói nhiều ngôn ngữ, mà là người có tư duy rộng mở, tự tin, bản lĩnh, luôn đón chào những cái mới, sẵn sàng thích nghi và hòa nhập” - cô nhấn mạnh.
Để nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới, Hương khuyên các bạn trẻ cố gắng gặp gỡ và nói chuyện với người dân bản xứ ở mỗi quốc gia, đồng thời tìm kiếm các sự kiện cho dân địa phương để học về văn hóa.
Trong khi đó, Đức nhấn mạnh yếu tố tâm lý là điều rất quan trọng khi đặt chân đến một đất nước xa lạ. “Hãy mở lòng và sẵn sàng thích nghi thay vì so sánh với những nơi mình từng đi qua. Điều đó khiến bạn khó lòng chấp nhận những điều mới” - anh nói.
Nguyễn Phan Linh: “Mỗi người Việt là một đại sứ văn hóa” Khi còn ở New Zealand, tôi từng cùng bạn bè tổ chức tiệc mừng tết cổ truyền và mời các sinh viên quốc tế trong trường đến tham dự. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản lại có thông điệp rất mạnh mẽ, giới thiệu hình ảnh và văn hóa của đất nước Việt Nam. Mỗi người Việt khi bước chân lên máy bay đi ra nước ngoài là đã trở thành một đại sứ của Việt Nam để truyền bá văn hóa. |
BÌNH MINH
Nguồn: https://tuoitre.vn/ho-chieu-xanh-di-quanh-the-gioi-1297679.htm