Góc nhìn của báo chí trong và sau sự kiện "Lẩu sách"

Ngày đăng: 18/12/2017 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

'Lẩu sách' miễn giá rẻ và tốt là được
Cách bán sách không tạo ra nội dung hay mà hay là ở nội dung cuốn sách.

Sách là một thứ mà mỗi con người chúng ta đều cần đến từ khi bước vào lớp một, thậm chí làm quen từ khi mẫu giáo. Một thứ mà chúng ta thường rất coi trọng về giá trị tinh thần của nó. Không phải tự nhiên người ta phải đóng giá sách, đóng tủ sách, vì sách là món quà tình thần đáng trân trọng và giữ gìn.

Ngày trước đi học và ngay cả bây giờ tôi được cô giáo dạy nâng niu sách. Không được bôi bẩn, vẽ bậy vào sách và đặc biệt không được ngồi lên sách, bởi hành động ngồi lên sách nhất là sách giáo khoa như là một hành động của kẻ vô học. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều người khi thấy một công ty bán “lẩu sách cuối năm”với giá 88.000/kg thì bức xúc. Và tôi dù cũng là người yêu sách nhưng tôi lại thấy nó thật bình thường.

Lẩu là một món ăn gồm rất nhiều loại thực phẩm mà chúng ta gần như ai cũng thích nhưng lẩu cũng được dùng để chỉ một thứ mà hỗn độn, tạp nham… Vậy “lẩu sách” thì sao? Nó tạp nham, đáng lên án hay được yêu thích, cần khuyến khích?

Nếu ai ham đọc sách và từng trải qua quãng đời sinh viên chắc đã từng ghé các cửa hàng sách cũ hay các sạp sách báo cũ ven đường. Tại đây sách đủ các thể loại xếp rất lung tung, hỗn độn đúng như món lẩu mà chúng ta biết đến. Toát mồ hôi giữa các giá sách, đống sách, thùng sách các thể loại và khi kiếm được một cuốn sách ưng ý thì mừng ra mặt. Khi tính tiền thì giá chỉ bằng 50% đến 70% giá sách mới.

Tôi tự hỏi một người đọc sách này và một người đọc nhưng quyển sách mới tinh mua ở hiệu sách thì có giống nhau không? Đọc sách mới nhân cách có tốt hơn người đọc sách cũ không và có trở thành người tốt hơn không, có tiếp nhận được nhiều kiến thức hơn không? Ai cũng biết câu trả lời, vậy thì “lẩu sách" có gì sai và để lên án.

Cách bán sách không tạo ra nội dung hay mà hay là ở nội dung cuốn sách. Chỉ cần người bán không dùng chân giẫm lên sách, không ngồi lên sách để tránh hình ảnh phản cảm, còn lại họ bán thế nào không quan trọng.

Một tác phẩm hay như Robinson ngoài đảo hoang, Thép đã tôi thế đấy, Nhà giả kim... dù có bán ở lề đường, bán theo cân, theo bó thì giá trị của tác phẩm cũng không suy giảm. Một cuốn sách mà dịch ẩu, giấy kém, chất lượng in kém, biên tập kém thì dù kê trong tủ kính cũng chỉ đáng đem nhóm bếp than. Vậy thì tại sao lại lên án công ty kia? Chúng ta cần phải hoan nghênh họ mới đúng.

So với mức thu nhập bình quân hiện nay thì giá sách nói chung là cao. Những người đọc sách nhiều lại thường là những người thu nhập thấp như sinh viên, học sinh, người mới đi làm, người già. Vì thế khi sách được bán đồng giá 88.000đ/kg là cơ hội để họ mua sách và “ lẩu sách” lúc này thật quá ngon.

Nhiều người dù ít đọc sách vì đã có điện thoại, máy tính nhưng thấy sách rẻ cũng vào mua. Họ mua về để cùng người thân đọc và như vậy tạo nên phong trào đọc sách bổ ích mà không tốn kém.

Trong cái bộn bề của cuộc sống mà xung quanh đầy rẫy những thiết bị công nghệ. Khi mà người ta Facebook suốt ngày, chơi game cả đêm thì đó cũng là một cách kéo văn hóa đọc trở lại.

Tôi nghĩ các công ty phát hành sách, các nhà xuất bản cần tổ chức nhiều ngày hội sách giá rẻ hơn nữa để mọi người có cơ hội sở hữu cho mình những tác phẩm hay, để kéo mọi người tạm rời xa những màn hình máy tính điện thoại, để đến với những trang sách.

Khi phong trào đọc sách được khơi dậy, cũng là điều rất tốt với xã hội và với các công ty sách. Bởi đọc sách từ cổ chí kim đến nay luôn là một nét văn hóa, là một điều luôn được coi trọng.

Thanh Y (vnexpress)

Bài viết sẽ tiếp tục cập nhật...

Tin nổi bật

Tin tức liên quan