Nassim Nicholas Taleb sinh năm 1960 tại Liban, là một nhà viết tiểu luận, học giả, nhà thống kê và là giáo sư ưu tú chuyên về quản trị rủi ro tại Viện Kỹ thuật Bách khoa, Đại học New York. Ông là một trong những nhà kinh tế học, nhà tư tưởng hiện đại với rất nhiều công trình được đánh giá cao. Điều thú vị, ông từng là thương nhân 20 năm trước khi trở thành nhà luận văn triết học. Taleb được xem là cha đẻ của “lý thuyết thiên nga đen” ngay khi tác phẩm Thiên Nga Đen của ông xuất bản.
Theo đánh giá của Blinkist, Thiên Nga Đen là tác phẩm có thể giúp người đọc hiểu sâu sắc về việc nhìn nhận sự ngẫu nhiên và những hạn chế mà con người gặp phải trong việc đưa ra các dự đoán. Mệnh đề dẫn cho câu chuyện mà Nassim Nicholas Taleb gây bất ngờ cho người đọc toàn thế giới bắt đầu từ những chú thiên nga đen. Trước khi phát hiện ra châu Úc, thế giới vẫn tin rằng tất cả thiên nga đều có bộ lông màu trắng. Nên khi những bức ảnh, video... về thiên nga đen được công bố rộng rãi, cả cộng đồng mới ngã ngửa.
Con người không biết rất nhiều thứ nhưng lại hành động như thể mình có thể dự đoán được mọi điều. Trong Thiên Nga Đen, ông đi sâu vào khai thác những sai lầm cố hữu ấy, đưa ra những bằng chứng sát thực đã xảy ra trong đời sống để chứng minh luận điểm của mình. Theo tác giả, “thiên nga đen” là một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra với 3 đặc điểm chính: Không thể dự đoán; Có tác động nặng nề; và sau khi nó xảy ra, người ta thường dựng lên những lời giải thích để khiến nó ít trở nên ngẫu nhiên hơn so với bản chất thật.
Với cách nhận dạng này, thành công của Facebook hay nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hay thảm họa ngày 11.9 tại Mỹ... cũng có thể coi là một “thiên nga đen”. Tác giả thừa nhận, với cách nhìn này, ông đã thách thức các thói quen tư duy của nhiều người. “Thế giới này đang bị thống trị bởi những gì cực độ, bí ẩn, ít có khả năng xảy ra theo vốn hiểu biết hiện tại của chúng ta”, Nassim Nicholas Taleb nói.
Tác giả Nassim Nicholas Taleb
Trong tác phẩm, Taleb không chỉ đưa ra các dẫn chứng mà còn phân tích thấu đáo những khó khăn trong việc con người nhìn thấy khả năng thật sự của những biến cố có thể điều khiển cuộc sống của chính mình. Sự am hiểu về tâm lý con người khiến những phân tích của Taleb hoàn toàn thuyết phục. Để rồi, từ những nhận thức về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, độc giả phát hiện ra, mình cần phải chấp nhận và trân trọng hơn đời sống này.
Hãy tưởng tượng một đốm bụi nhỏ đặt kế bên một hành tinh có kích thước lớn hơn Trái đất một tỉ lần. Đốm bụi đó tượng trưng cho tỉ lệ một con người được sinh ra và hành tinh khổng lồ kia đại diện cho tỉ lệ ngược lại. Như vậy, rõ là sự sống của bản thân một con người cũng đã là vô cùng quý giá. Vậy thì, đừng nhọc công vì những chuyện không đâu.
Đừng hành động như được tặng tòa lâu đài nhưng lại khó chịu về một chút rêu mốc trong nhà tắm. Đừng chê bai, soi mói những gì mình được tặng. “Hãy nhớ rằng bạn chính là một thiên nga đen”, lời nhắc của tác giả ở phần cuối sách mở ra cho độc giả nhiều điều phải nghĩ.
Con người vốn thường hay đòi hỏi. Có những ngày, chúng ta khốn khổ hay cảm thấy tức giận vì thấy mình bị lừa bởi một bữa ăn không ngon, một cốc cà phê lạnh, một lời chối từ hay bị đối xử khiếm nhã... Những cảm xúc tiêu cực ấy khiến chúng ta quên rằng chỉ cần được sống đã là một cơ hội đặc biệt. Phải chăng, đã đến lúc tư duy lại về chính bản thân và trân trọng hơn những gì mình đang có?
Quý Yên - Nhịp cầu đầu tư