MỘT SỐ QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ DOANH NGHIỆP NHỎ

Ngày đăng: 05/06/2019 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

Xây dựng thành công một doanh nghiệp nhỏ không đơn giản như hầu hết các chính trị gia và nhiều người vẫn nghĩ. Một người bạn là doanh nhân của tôi từng nói: “Khởi đầu một doanh nghiệp thật dễ dàng. Lúc đó, mọi người đều muốn giúp bạn. Nhưng vấn đề là ở chỗ, công việc kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn khi bạn muốn kiếm được lợi nhuận từ doanh nghiệp đó”. Trong cuộc điều tra của tạp chí doanh nghiệp Inc. tháng 5/2004, 72% số người được hỏi đồng ý rằng: “Kinh doanh ngày càng khó khăn hơn”.

Dưới đây là những quan niệm sai lầm về doanh nghiệp tư nhân thường xuyên được nhắc đi nhắc lại và trong nhiều trường hợp, nhiều người chấp nhận chúng như là thực tế.
 


Quan niệm sai lầm thứ nhất:
Chủ doanh nghiệp sẽ được tự do hơn

Nếu bạn đã có gia đình và là chủ một doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ thấy quan niệm này nực cười thế nào. Những chủ doanh nghiệp nhỏ trên màn ảnh Hollywood như: cảnh một quý bà đang nói chuyện điện thoại di động từ một nhà nghỉ trên biển, hay cảnh quý ông đang chơi gôn với mấy người bạn thân vào buổi trưa, hoặc tham gia các hoạt động xã hội vào những buổi tối rảnh rỗi. Nữ doanh nhân có nhiều thời gian để xem các trận bóng và chương trình biểu diễn của con ở trường, hay có những kỳ nghỉ dài với lũ trẻ. Đó thật sự là một cuộc sống tươi đẹp. Còn những người say mê làm việc thường bỏ bê chồng con, hoặc ngồi làm việc ở văn phòng tới tận đêm khuya sẽ không thể là chủ một công ty riêng của mình mà chỉ làm thuê cho những công ty bóc lột sức lao động.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Theo số liệu cuộc điều tra 500 doanh nghiệp năm 2003 của Inc., gần 1/3 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh có người chủ làm việc hơn 60 giờ một tuần.
 


Song song với quan điểm về sự tự do cá nhân là ý nghĩ: “Cuối cùng thì tôi sẽ là ông chủ”. Với nhiều người, đây là một trong những lý do đầu tiên khiến họ muốn thành lập một doanh nghiệp nhỏ. Họ không phải nghe lệnh của ai. Nhưng hầu hết các ông chủ đều sớm nhận ra rằng, đơn giản là họ chỉ đổi một ông chủ lấy nhiều ông chủ khác. Bạn sẽ phải tính toán và cân nhắc rất cẩn thận. Cho dù người cho vay tiền là anh em ruột hay ngân hàng, thì khi đã vay tiền, bạn bị trói buộc bởi một người giám sát các hoạt động của bạn. Cục Thuế Liên bang sẽ yêu cầu bạn báo cáo tình hình hoạt động hàng quý giống như bất kỳ ông chủ doanh nghiệp nào khác.

Khi bạn thuê nhân viên đầu tiên, tức là bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi của họ. Nhân viên thật phiền toái. Họ muốn bạn phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt là những gì có lợi cho họ. Họ cho rằng vấn đề của họ bao giờ cũng quan trọng hơn vấn đề của bạn. Họ luôn đoán trước các quyết định của bạn. Họ muốn thấy bạn đã ở văn phòng khi họ đến và vẫn ở đó khi họ về. Cứ như họ là ông chủ vậy! Duy có một điểm khác biệt lớn là: Cho dù bạn có tiền trong tài khoản hay không thì nhân viên này cũng vẫn đòi hỏi bạn phải trả công xứng đáng cho những nỗ lực của anh ta.

Quan niệm sai lầm thứ hai:
Chủ doanh nghiệp kiếm được rất nhiều tiền

Nếu bạn đã là chủ một doanh nghiệp, thì điều này cũng không cần phải giải thích nhiều. Rất nhiều người muốn trở thành chủ doanh nghiệp mơ tưởng về việc sẽ vứt bỏ được sự gò bó khi phải làm việc dưới quyền người khác. Họ nghĩ rằng ông chủ một công ty sẽ giàu có hơn một nhân viên. Trong một vài trường hợp, điều đó đúng, nhưng nói chung không phải vậy.

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB), thì một chủ doanh nghiệp kiếm được trung bình từ 40 đến 50 nghìn đô-la mỗi năm. Con số này không hề lớn bởi họ còn phải chi trả rất nhiều hóa đơn. Nhưng một lao động lành nghề cũng có thể kiếm được số tiền ấy, thậm chí nhiều hơn khi làm thuê mà rủi ro ít hơn và thời gian làm việc cũng ít hơn.

Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, những thành quả đạt được rất lớn. Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp của Inc. năm 2003, 78% doanh nghiệp đạt doanh thu tuần trên một triệu đô-la. Trong đó gần một nửa chủ doanh nghiệp là triệu phú; 1/5 doanh nghiệp trị giá hơn 7,5 triệu đô-la. Hãy ghi nhớ, đây vẫn chỉ là những doanh nghiệp thuộc “top” trên. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong năm năm qua của 500 doanh nghiệp này thật đáng kinh ngạc: 692%.

Bài học rút ra từ những số liệu thống kê này là: Điều hành một doanh nghiệp có khả năng “sống sót” sẽ giúp bạn đủ sống, nhưng có lẽ số tiền kiếm được sẽ ít hơn số tiền bạn có thể kiếm được khi làm thuê cho một công ty khác. Hãy điều hành một công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh và kiếm được những khoản tiền lớn. Bởi điểm khác biệt chính là tốc độ phát triển của doanh nghiệp.

Năm 1996, các tác giả Thomas J. Stanley và William D. Danko Marietta đã xuất bản một cuốn sách được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp của họ, cuốn The Millionaire Next Door (Người hàng xóm triệu phú). Nội dung của cuốn sách viết về những người giàu có nhất nước Mỹ. Điều cốt lõi của cuốn sách mà độc giả đều ghi nhớ là hầu hết các triệu phú đều làm việc cật lực hàng ngày, không hề kể công. Nói cách khác, họ là những nhà thầu chế tạo khuôn đúc và nhà cung cấp sản phẩm diệt sinh vật gây hại, chứ không phải là những ông chủ ngân hàng đầu tư và thành viên quỹ ủy thác. Đối với nhiều người, kể cả tôi, đây là một khám phá thú vị và góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê kinh doanh.

Tuy vậy, hiểu thấu đáo ý tưởng của các tác giả rất quan trọng. Nghiên cứu của các tác giả chỉ rõ có hơn 2/3 số triệu phú của nước Mỹ tự kinh doanh. Tuy nhiên, cuốn sách không khẳng định điều ngược lại - nghĩa là tất cả những người tự kinh doanh đều là triệu phú. Mặc dù cuốn sách này xuất bản cách đây đã vài năm, nhưng nhận thức sai lầm của cuốn sách vẫn ám ảnh tâm trí mọi người.

Quan niệm sai lầm thứ ba:
Các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư
thiên thần luôn tài trợ cho doanh nghiệp

Ủy ban Doanh nghiệp Tư nhân đã chỉ ra quan niệm sai lầm này trong bản báo cáo “Năm quan niệm sai lầm về doanh nhân năm 2001”: “Trong tất cả quan niệm sai lầm và hiểu lầm xung quanh vấn đề kinh doanh, vai trò của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có lẽ đã được phóng đại quá mức”. Vốn đầu tư mạo hiểm và nguồn vốn từ các “thiên thần” ồ ạt đổ về vào giữa và cuối những năm 1990, nhưng phần lớn số tiền này được đầu tư vào các công ty công nghệ có tiềm năng cao/rủi ro cao, đặc biệt là ở khu vực bờ biển phía Tây nước Mỹ. Theo ủy ban này, “trong năm 1999, Califonia đã nhận được hơn 43% trong tổng vốn đầu tư mạo hiểm mới - một con số đáng kinh ngạc: 20,8 tỷ đô-la. Trong đó, gần 17 tỷ đô-la được đầu tư vào Bắc California”.

Năm 2000, hơn 600 công ty có vốn đầu tư mạo hiểm đã theo đuổi những dự án lớn có tiềm năng. Khi công nghệ bùng nổ, các công ty và các luồng vốn đã đổ vào đó. Cuối năm 2003, các công ty được đầu tư mạo hiểm còn sót lại (dưới 200 công ty) vẫn có số vốn đầu tư khoảng 84 tỷ đô-la, nhưng ít nhất một nửa số tiền đó để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Chỉ có 18,2 tỷ đô-la thật sự tới được tay các công ty. Mặc dù các quỹ có nguồn tiền mặt dồi dào nhưng họ vẫn rất kén chọn nơi rót vốn.

Điều gì sẽ xảy ra với những công ty may mắn giành được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm? Đó không phải lúc nào cũng là một món quà của ông già Noel. Những người chủ đã đánh cuộc số tiền tiết kiệm cả đời và uy tín của mình vào công việc kinh doanh cuối cùng phải từ bỏ phần lớn quyền sở hữu và quyền kiểm soát doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, họ còn bị tống ra khỏi công ty của chính mình.

Vẫn tồn tại thực trạng một công ty được nhận đầu tư từ bên ngoài và khoản tiền này giúp những người sáng lập công ty trở nên giàu có. Sau đó, họ cổ phần hóa công ty thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), và thậm chí mọi thành viên trong công ty còn trở lên giàu có hơn. Điều này thỉnh thoảng xảy ra, đặc biệt là trong suốt thời kỳ bùng nổ đỉnh cao các công ty Internet (dot.com), nhưng kết cục của những câu chuyện này chỉ là phần rất nhỏ bé trong thế giới kinh doanh. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cần, muốn hay nhận được khoản đầu tư mạo hiểm. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi không thấy khoản đầu tư này mang lại lợi ích gì. Trong số 500 doanh nghiệp được Inc. xếp hạng năm 2003, chỉ có 12% số doanh nghiệp nhận khoản đầu tư mạo hiểm khi thành lập; chỉ 17% huy động vốn từ nguồn vốn tư nhân khi bắt đầu đi vào hoạt động.

Vậy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ từ đâu mà có? Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp, bạn đã biết câu trả lời: Tận dụng tối đa các thẻ tín dụng, những người bạn thân và họ hàng, rút sạch tiền tiết kiệm, cầm cố nhà, hoặc trong nhiều trường hợp, bạn làm tất cả các việc trên để có đủ số tiền cần thiết. Đối với hầu hết các chủ doanh nghiệp nhỏ, huy động vốn không dễ dàng như những câu chuyện trên tạp chí vẫn làm chúng ta mê muội.

Thậm chí, ngay cả các công ty đã thành công hôm nay cũng thường khởi nghiệp với số vốn ít ỏi. Trong 500 doanh nghiệp có tên trong bảng xếp hạng Inc. năm 2003 có tới 61% số doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn năm 50 nghìn đô-la hoặc ít hơn. Trong đó, hơn một nửa doanh nghiệp có số vốn ban đầu dưới 20 nghìn đô-la.

Nếu giấc mơ của bạn được các câu chuyện trong kỷ nguyên dot.com khích lệ với một chiếc xe Ferrarri mua từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, những bữa tiệc linh đình, những chuyến tham quan của cả công ty đến Tahiti, thì đừng mơ tưởng tới điều đó nữa. Đối với hầu hết các công ty tư nhân, khoản vốn đầu tư là bất cứ thứ gì chủ doanh nghiệp có thể dành dụm, cóp nhặt.

Nội dung được trích từ cuốn sách
7 Nguyên Tắc Bất Biến Để Xây Dựng Doanh Nghiệp Nhỏ 

Tin nổi bật

Tin tức liên quan