Câu chuyện iPhone và hành trình “trả lại cho Caesar”

Ngày đăng: 02/08/2018 Viết bởi: Công ty Cổ phần sách Alpha

 Hàng tỉ chiếc iPhone đã có mặt trên hành tinh này. Nhưng có bao nhiêu người đã “yêu” nó tới mức say mê và đầy lý trí như cách mà tác giả Brian Merchant đã thể hiện trong cuốn sách Câu chuyện iPhone?

 

Một cuốn sách đã nói trung thực nội dung được quảng bá ngay từ trang bìa: “Những bí mật chưa từng tiết lộ về sản phẩm có tính cách mạng nhất của Steve Jobs”. Thế nên có thể gọi nó như sự “giải mật” về một trong những thiết bị điện tử được nhà sản xuất bảo vệ kín đáo nhất theo đúng nghĩa đen. Song nó cũng là thông điệp “giải thiêng” về chiếc điện thoại và một tên tuổi đã luôn đồng hành với nó, ngay cả khi ông đã về thế giới bên kia: Steve Jobs.

Trong hành trình “giải mật” và “giải thiêng” đó, Brian Merchant không chỉ giúp người đọc hiểu một cách cặn kẽ về từng thành phần vật lý, hóa học cấu tạo nên chiếc iPhone mà còn hiểu rõ những bước tiến công nghệ theo thời gian đã góp phần tạo nên nó.

Bạn có biết nhôm là kim loại chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các kim loại cấu thành nên iPhone với 24%? Tấm kính chống trầy của iPhone đã có hành trình số phận thăng trầm ra sao? Chiếc điện thoại thông minh có tính năng tương tự như nhiều tính năng của iPhone đã có từ trước nó tới 15 năm, hẳn là bạn không tưởng tượng ra chuyện này phải không?... Tất cả những thông tin bất ngờ và thú vị đó chỉ là một phần trong nhiều câu chuyện được đan cài trong một tấm áo chung là câu chuyện iPhone.

Tác giả Brian Merchant đã nỗ lực tìm gặp những ai, những gì có liên quan tới chiếc iPhone để qua từng trang sách ông đã nêu quan điểm mà có thể ông không nói thẳng ra, song lại rất rõ ràng: Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar. Nói cách khác, cái gì không phải của Steve Jobs xin đừng cố tình gán cho Steve Jobs, hoặc đừng tin vào tuyên bố của Jobs khi nói Apple sẽ phát minh lại chiếc điện thoại, bởi vì “Jobs chỉ là một phần nhỏ trong thiên truyện của iPhone mà thôi” (trích dẫn sách).

Brian Merchant đã gặp cha đẻ của công nghệ cảm ứng đa điểm, một yếu tố được xem như “át chủ bài” trong iPhone, để biết nó hoàn toàn không phải do Steve Jobs hay các kỹ sư của Apple phát minh. Steve Jobs và Apple đã “đứng trên vai rất nhiều người khổng lồ” công nghệ trước họ, vai trò cần được ghi nhận của họ chính là sự vận dụng, kết hợp thông minh các công nghệ đã có trong chiếc iPhone. Vậy nên iPhone không phải là một phát minh, nó “là một công nghệ hợp lưu, nó chẳng phải là một phát minh trong bất kỳ lĩnh vực nào cả” như nhận xét của ông Chris Garcia, người quản lý của Bảo tàng lịch sử máy tính Mỹ đã được tác giả dẫn lại trong cuốn sách.

Tinh thần truy tìm sự thật đến “tận cùng chi lý” của Brian Merchant tiếp tục được thể hiện thông qua hành trình khám phá tận nơi những mỏ khai thác khoáng sản để phục vụ cho việc sản xuất iPhone. Đó là các mỏ coban để làm pin lithium-ion ở Congo, các vùng khai thác kim loại đất hiếm thuộc Nội Mông, vùng bán tự trị ở miền Bắc Trung Quốc. Đó là đảo Bangka, Indonesia, nơi có tới một nửa nhà máy luyện thiếc của Apple... Và ngay chính chuyên gia hỗ trợ tác giả trong công đoạn phân tích thành phần cấu tạo nên iPhone cũng đã kinh ngạc khi nhận ra để sản xuất ra một chiếc iPhone cần khai thác 34 không gian quặng, 100 lít nước và 20,5 gram xyanua. Nhưng Brian Merchant còn kinh ngạc và choáng váng hơn khi chứng kiến cảnh sống cùng cực và vô số rủi ro, nguy hiểm mà những người thợ mỏ đang hàng ngày hàng giờ đối mặt trong các hầm khai thác để phục vụ nhu cầu nguyên liệu của Apple. Đáng buồn là trong số những thợ mỏ đó có rất nhiều trẻ em.

Nhìn một cách tổng thể, Câu chuyện iPhone được viết trước tiên bởi sự yêu mến, tò mò của người viết. Khác với cuốn tiểu sử về Steve Jobs mà tác giả của nó là người được chính Steve Jobs chọn và mời viết sách cho mình, tác giả cuốn Câu chuyện iPhone thừa nhận ông không có được sự ưu ái đó, ngay cả CEO Tim Cook của Apple cũng không buồn trả lời ngay cả khi ông đã gửi e-mail để hỏi thêm thông tin. Và ông đã phải chọn cách đi đường vòng, gian nan và tốn công hơn rất nhiều để tìm ra những câu chuyện mà hẳn là nếu còn sống, có thể Steve Jobs sẽ không muốn nhắc tới. 

Đắc Luân (theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Tin nổi bật

Tin tức liên quan