Bạn có biết bitcoin là gì? Cách quy đổi giá trị? Các thức giao dịch? Cách lưu trữ? Hệ thống hay nền tảng đã tạo nên và vận hành bitcoin?
Không khó để bắt gặp 1 bài báo hay tin tức có liên quan đến bitcoin nhưng những cái nhìn chớp nhoáng, thoáng qua về 1 hoặc 1 vài khía cạnh có làm bạn hiểu đúng và đủ về đồng tiền mã hóa này? Nhất là khi hầu hết các thông tin đều đang đi theo hướng tiêu cực, bài trừ, hù dọa: Những kẻ lừa đảo lợi dụng tiền kỹ thuật để chuộc lợi từ dân nghèo, Việt Nam điên cuồng nhập 8.000 “trâu cày” từ Trung Quốc để rồi bán đồng nát, nhiều “tay chơi” mất trắng vài chục triệu đến hàng tỷ đồng chỉ sau một đêm khi lao vào bitcoin, nhân viên kế toán biển thủ công quỹ 8 tỷ đồng lấy tiền đầu tư vào bitcoin…
Đến cái mức phải hù dọa cũng vì dân ta ham quá. Ham giàu, giàu nhanh, lại còn phải nhàn hạ mà vẫn giàu. Có vốn lại đi bỏ lỡ mất cơ hội x2, x5 số tiền chỉ trong một tháng khi được chào mời hay nghe ngóng được thông tin sao? Làm sao kìm được đám đông hung tợn, liều lĩnh này chứ? Đành phải hù thôi! Lôi hết các mặt tiêu cực, các nguy cơ, rủi ro, thậm chí dùng những biến tướng do một vài cá nhân tạo ra để ốp chung cho cả một tương lai tiền tệ. Miễn sao làm cái đám đông kia thấy hãi mà lui. Muốn kiếm tiền mà, nên thấy nguy cơ mất tiền là thụt vào hết, thế là cũng phần nào hạn chế được những thiết hại trong lúc chưa kịp phổ cập thông tin về tiền mã hóa đến toàn bộ người dân. Nhân đây lại liên tưởng đến phổ cập giáo dục và chương trình kế hoạch hóa gia đình vật vã bao thập kỷ. Khởi nghiệp, cách mạng công nghiệp 4.0 hô hào mấy năm nay cũng chưa xong. Giờ lại gặp cái “ông” tiền kỹ thuật số khó nhằn này. Phải làm sao để đến ông cụ 60 tuổi ở quê cũng hiểu được bitcoin?
Thứ nhất phải khẳng định, giống như internet, robot, nền kinh tế chia sẻ,… tiền mã hóa là xu hướng, là tương lai tất yếu. Tiền mã hóa chỉ là một phát minh mới trong tiến trình phát triển của tiền tệ. Có thể bạn chưa biết: Trước tiền giấy, trước cả tiền làm bằng kim loại quý, vỏ sò, ở một hòn đảo – người ta sử dụng những tảng đá rất lớn hình đĩa nặng đến 4 tấn để giao dịch. Họ thể hiện quyền sở hữu bằng cách khắc tên mình lên đó. Những đồng xu đá không lồ này được gọi là Rai.
Thứ hai nếu bạn nghĩ tiền mã hóa là ảo, là giả thì nghĩ thêm 1 chút nữa nhé: Chẳng phải những con số trong tài khoản ngân hàng của bạn cũng như vậy sao? Để biết mình có bao nhiêu bạn cần truy cập vào 1 trình duyệt hoặc gửi sms để tra cứu, bạn sẽ nhìn thấy SỐ dư trong tài khoản hiện tại. Đến kỳ nhận lương, con SỐ đó tự động tăng thêm một khoản với thông báo về nguồn gốc đi kèm, rồi tự trừ một khoản chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn. Bạn thanh toán tiền thuê nhà, tiền điện, thậm chí mừng cưới bằng cách chuyển khoản. Bạn có thẻ ngân hàng trong ví chứ?(Một câu hỏi khá ngớ ngẩn vào năm 2018). Khi đi mua sắm chỉ cần rút thẻ ra quẹt rồi nhập mã xác nhận. Bạn có thấy tờ tiền giấy nào xuất hiện trong quá trình trơn tru phía trên không? Ngược lại chúng ta thấy rất nhiều lần các CON SỐ được hiển thị và thay đổi. Bitcoin cũng tương tự như vậy: Tài khoản tham gia vào mạng lưới, cách thức bảo mật, ví lưu trữ, giao dịch, những lưu ý cần biết. Không có cuộc chơi may rủi nào nếu như bạn tìm hiểu kỹ lưỡng một cách đầy đủ, toàn diện với một nguồn thông tin trung thực và uy tín với một cái đầu lạnh đầy chiến thuật và cân nhắc.
Tìm tài liệu về Bitcoin ở đâu? Sách của những tác giả có uy tín trong chính lĩnh vực đó có lẽ là gợi ý không thể bỏ qua:
1) Bitcoin Thực hành (Tác giả Andreas M. Antonopoulos): Cuốn sách kỹ thuật tốt nhất về bitcoin, dành cho các nhà lập trình và chuyên gia công nghệ.
2) Internet của Tiền tệ (Tác giả Andreas M. Antonopoulos): Lý giải cho sự ra đời và tồn tại của bitcoin – vì sao bitcoin không thể chết, dành cho tất cả những ai quan tâm đến bitcoin.
3) Blockchain – Khởi nguồn cho một nền kinh tế mới (Tác giả Melanie Swan): Khơi mở những tiềm năng to lớn của công nghệ blockchain, dành cho các doanh nhân, chuyên gia công nghệ, nhà hoạch định chính sách quan tâm tới blockchain.
Tuyết Nguyễn